Napoleon và hai con cá mòi

Chuyện kể rằng, sau khi chinh phục châu Âu, Napoleon đã nói với những người hợp lực với mình tại mỗi nước châu Âu rằng “Tôi sẽ ghi nhận công lao của các anh, vì vậy hãy nói những thứ mà các anh muốn”.

– Người Pháp nói: “Tôi muốn một cánh đồng nho và một nông trường sản xuất rượu vang”.

– Người Đức nói: “Tôi muốn một cánh đồng lúa mạch và một công xưởng sản xuất bia”.

– Người Ý nói: “Tôi muốn một cánh đồng lúa mỳ và một công xưởng sản xuất pasta (mỳ Ý)”

– Người Do Thái nói: “Tôi chỉ cần 2 con cá mòi”.

Vì nguyện vọng của người Do Thái quá đơn giản nên họ đã được như ý muốn. Nhận quà và họ ra về. Người từ các nước khác nghĩ thầm trong bụng “Thật là nực cười, nhận quà từ Napoleon mà lại xin một thứ đơn giản và nhỏ bé như vậy, bọn Do Thái đúng là điên rồ”.

Tuy nhiên sau đó Napoleon bị thất thế trên chính trường và kết cục là ngoài việc người Do Thái nhận được 2 con cá mòi, các nước khác không nhận được một thứ gì cả.

Quyền lực là thứ luôn dịch chuyển

Cách đây hơn 200 năm, khoảng vào đầu thế kỷ 19, Napoleon đã chinh phục châu Âu.Trong những câu chuyện giáo dục của người Do Thái, những nhân vật lịch sử của thời đại vẫn thường được xuất hiện. Trong câu chuyện này, Napoleon xuất hiện với cả hai mặt thành công và thất thế cũng là chủ ý người Do Thái muốn gửi gắm “quyền lực là thứ luôn dịch chuyển”.

Những người nước khác suy nghĩ rằng Napoleon sẽ mãi mãi trị vì thiên hạ, nên đòi hỏi những món quà lớn, nhưng kết cục họ chẳng nhận được gì cả. Nguyện vọng của người Do Thái nhỏ bé nên ngay lập tức có thể thực hiện được. Câu chuyện nhỏ này muốn gửi gắm tới chúng ta rằng, hãy từ bỏ sự tham lam, hãy thực hiện những thứ có thể thực hiện được ngay. Hãy lặp lại những điều này, sau nhiều năm chắc chắn sẽ tích trữ được những thành quả to lớn.

Bản thân người Do Thái hoàn toàn không phủ định việc kiếm tiền. Thực tế, trong quá trình lịch sử dân tộc Do Thái muốn sinh tồn khi bị lưu đày, họ phải cần tới tiền để có được lương thực sống qua ngày. Nhưng người Do Thái quan niệm rằng, việc kiếm tiền là quá trình tích lũy từng chút từng chút một, cho dù có những câu chuyện làm giàu qua một đêm thì cuối cùng cũng chẳng thu được gì đâu.

Câu chuyện trên đưa ra ví dụ về con cá mòi chứ không phải là một loại sơn hào hải vị khác để nhấn mạnh rằng cho dù có bị xem là điên rồ đi chăng nữa nhưng vẫn từng bước từng bước thu được những giá trị đích thực là điều hết sức quan trọng. Điều này tương đương với những công việc mà người khác không thích làm mà mình dám bắt tay vào thì cơ hội thu được thắng lợi sẽ cao. Cũng vì lý do này mà vào thời kỳ trung đại, nhiều người Do Thái đã làm những công việc mà tín đồ Thiên Chúa Giáo ghét bỏ và cho rằng đó là công việc có thể “xử lý bằng tiền”.

Ngành ngân hàng của người Do Thái có một nguyên tắc đó là không được lấy tiền lãi từ đồng bào mình. Hơn nữa, ngân hàng cũng không xâm hại tới đời sống của người vay, ngân hàng cũng không đòi hỏi các khoản thế chấp đảm bảo. Tất nhiên ngân hàng cũng tuyệt đối không tịch biên tài sản của người vay. Có nghĩa là người Do Thái hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng không đặt mục đích làm giàu lên trên tất cả. Chính sự bó buộc trong những quy tắc khắt khe này và kết hợp với từng lợi nhuận nhỏ được tích tụ lại mà nhiều người Do Thái đã thành công trong lĩnh vực ngân hàng.

Chính nhờ có những trục suy nghĩ này mà người Do Thái có thể duy trì công việc kinh doanh một cách kiện toàn và liên tục. Việc người Do Thái coi trọng giới luật và chế ước cũng là vì họ biết rằng “không có duy trì liên tục sẽ không có thành công”.


Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn & Nguyễn Mạnh Việt
Theo cuốn: Triết học thành công của người Do Thái

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan