Ảnh: Geralt
Nhập gia tùy tục
Trong giới kinh doanh người ta vẫn bảo nhau “nhập gia tùy tục” nhưng thực sự để có thể theo được phong tục tập quán của nước bản xứ thì không phải là chuyện đơn giản. Công ty Nhật cũng không phải ngoại lệ, nhiều công ty đã phải đau đầu với vấn đề “nhảy việc” khi đầu tư tại Việt Nam.
Những năm gần đây số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư không ngừng tăng theo từng năm. Theo số liệu thống kê phòng công nghiệp Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh, tại thời điểm tháng 4 năm 2013 có 617 công ty Nhật đang đầu tư tại thành phố này. Sau hai năm, tháng 4 năm 2015 con số này tăng 148 công ty nâng tổng số công ty Nhật đầu tư tại T.P HCM lên 765 công ty. Hà Nội có tốc độ tăng chậm hơn, số lượng công ty Nhật đầu tư trong tháng 1 năm 2013 và tháng 3 năm 2015 lần lượt là 504 và 602 công ty.
Một trong những lý do mà doanh nghiệp Nhật Bản có ý định đầu tư tại Việt Nam là Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá nhân công. Tuy nhiên được mặt lợi này thì lại đau đầu về mặt khác bởi Việt Nam được biết tới là quốc gia có tỷ lệ “nhảy việc” cao trong khu vực. Vậy công ty Nhật có những cách làm như thế nào để giữ chân người Việt gắn bó với công ty. Bài hôm nay chúng ta cùng VietFuji theo chân ông Naka Yasu để tìm hiểu những ví dụ cụ thể trong cách làm của các CEO Nhật Bản.
Bí kíp số 1: Không chỉ nhân viên mà cả người nhà nhân viên cũng cần phải được “nâng niu”
Giám đốc một công ty sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ “người Việt Nam coi trọng mối quan hệ gia đình hơn hẳn so với người Nhật. Để nhân viên gắn bó lâu dài với công ty thì những quan tâm tới gia đình của nhân viên cũng không thể thiếu được”.
Bí quyết của ông giám đốc đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam là cố gắng sắp xếp thời gian để chia vui chia buồn cùng gia đình nhân viên trong những dịp cưới hỏi ma chay. Ông chia sẻ nếu cự ly di chuyển có thể thực hiện trong một ngày thì nhất định ông sẽ tham gia, còn nếu xa hơn mà phải tá túc lại một ngày thì ông cũng vẫn cố gắng ưu tiên để đến chia vui chia buồn cùng gia đình của những người nhân viên.
Tại Việt Nam ma chay cưới hỏi thường được tổ chức linh đình với sự tham gia của rất nhiều người. Tất nhiên đây cũng là dịp để thể hiện “tình cảm gia đình, bạn bè”. Nếu ông giám đốc nào làm được điều này thì cá rằng người nhà của những người nhân viên sẽ tấm tắc khen rằng công ty đấy tốt thế, ông giám đốc đó sống thật có tình có lý và đương nhiên nó cũng là cái khó cho người nhân viên khi muốn chuyển việc. Khổ vậy đấy, người Việt sống vì cái tình, ai mà tóm được cái tình thì khó dứt ra được lắm.
Bí kíp số 2: Học tiếng Việt khó nhưng học hát karaoke thì đơn giản hơn nhiều
Khi tiến hành đầu tư làm kinh doanh tại nước ngoài, đương nhiên cần phải hiểu và quen với phong tục, tập quán của người dân bản địa. Nếu một ông Nhật có thể nói được tiếng Việt thì điều này thật tuyệt vời nhưng thực tế tiếng Việt chẳng đơn giản để học một chút nào nhất là đối với những người chẳng có mấy thời gian như những ông giám đốc đấy.
Thay vì luyện nói tiếng Việt, một CEO của một công ty làm về lĩnh vực dịch vụ đã chia sẻ, ông đã dành thời gian để học một số bài hát tủ bằng tiếng Việt để cùng hát với những người nhân viên trong công ty. Ông kể về sự phấn khích của những người nhân viên khi đi hát cùng ông, họ vô cùng bất ngờ khi ông hát được tiếng Việt, và càng bất ngờ hơn khi ông hát cực hay tới tận bốn bài.
Một ông giám đốc khác chia sẻ, ông dành thời gian xem những bộ phim truyền hình Việt Nam. Lý do cho điều này đó là trong những câu chuyện của bộ phim truyền hình ông có thể đọc được phần nào phong tục tập quán của người Việt Nam. Bởi vậy ông cũng không tiếc thời gian vào dịp cuối tuần để đi xem phim, đặt chân tới nhà hát…
Nói đi cũng phải nói lại. Người Việt chuyển việc khá nhiều nhưng nhìn tổng thể chủ yếu là những người thuộc khu vực lao động phổ thông. Người Nhật còn truyền tai nhau câu chuyện, chỉ cần lương của hai công ty lệnh nhau khoảng 10 đô một tháng, người lao động cũng sẵn sàng chuyển việc. Tuy nhiên đối với những người đã lên đến mức quản lý và những người đã lập gia đình thì khuynh hướng chuyển việc có phần ít hơn và họ khá thận trọng khi đưa ra quyết định. Tất nhiên, không chỉ ở Nhật mà ngay cả ở Việt Nam, đất lành chim đậu, những công ty làm việc thoải mái, môi trường thân thiện thì người Việt Nam cũng sẵn sàng gắn bó lâu dài. Ở đây khái niệm đất lành không chỉ bao gồm lương lậu mà tư thế của công ty và hình ảnh ông giám đốc cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.
Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn
Tham khảo: Nikkei News (ngày 17/12/2015)