Câu chuyện về một người tu nghiệp sinh

Tình cờ đọc trên tờ tạp chí tại thư viện Toyota, tôi bắt găp bài báo viết về anh Trung, một người tu nghiệp sinh Việt Nam trên đất Nhật. Sau khi hoàn thành ba năm tu nghiệp tại nhật, giờ anh trở về Việt Nam và đang xây dựng và phát triển nhà máy về lĩnh vực mà anh đã học được tại Nhật, đó là gia công chính xác. Nhưng có phải ai cũng có thể làm được như anh? Những khó khăn của những người tu nghiệp sinh sau khi về nước là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết về câu chuyện của một người tu nghiệp dưới đây.

1. Về nước mà không phát huy được công việc

Hiện tại, số lao động sang Nhật từ tất cả các quốc gia vào khoảng 150 nghìn người, trừ ngành xây dựng sẽ được làm việc 5 năm, các ngành khác các bạn tu nghiệp sinh sẽ làm việc trong vòng 3 năm, sau đó phải về nước theo quy định của pháp luật. Tiền lương hàng tháng theo tiêu chuẩn làm việc tại Nhật đối với đối tượng tu nghiệp dao động trên dưới 15 vạn yên, tương đương với khoảng 30 triệu đồng. Các bạn tu nghiệp sinh hiện tại làm việc chủ yếu trong lĩnh vực gia công cơ khí, may mặc, và chế biến thực phẩm. Số lượng tu nghiệp sinh đang hoạt động tại Nhật theo số liệu năm 2013 là 150.000 người, trong đó đông nhất là Trung Quốc, tiếp tới là Việt Nam và Indonesia.

Tỷ lệ tu nghiệp sinh các nước tại Nhật (theo JITCO Data)

 

Sau khi hoàn thành ba năm tu nghiệp tại Nhật, các bạn có nhiều cơ hội sử dụng thành thạo những dụng cụ, máy móc trong các công xưởng. Đối với những bạn đứng máy hoặc được giao những công việc quan trọng hơn sẽ có được trong tay những kỹ thuật cơ bản nhất định. Nếu bạn nào chăm chỉ học thêm tiếng, sau ba năm ít nhiều cũng giao tiếp được ở mức cơ bản.

Nhưng điều gì xảy ra khi các bạn về nước, tất nhiên đối với doanh nghiệp Việt Nam các bạn khó có cơ hội được trọng dụng, còn các doanh nghiệp Nhật thì sao? Thật tiếc, phần nhiều các doanh nghiệp Nhật vẫn có cách phân biệt trong khâu lựa chọn nguồn nhân lực, các bạn tu nghiệp sinh dù có kinh nghiệm làm việc, có biết một chút tiếng Nhật nhưng vẫn không được xếp vào đội ngũ nhân công đại học. Phần nhiều họ chỉ được đối đãi như lao động phổ thông tốt nghiệp cấp 3. Do đó số bạn về Việt Nam nhận mức lương trên 6 triệu đồng không thực sự nhiều.

Nếu đứng trên lập trường của các bạn tu nghiệp sinh, các bạn cũng sẽ có những tự mãn riêng. Cũng đúng, bởi ba năm cố gắng tại đất khách quê người, các bạn đã học được nhiều điều cả trong văn hoá làm việc lẫn kỹ thuật, vậy nên sẽ khó có thể chấp nhận mức đãi ngộ giống với những công nhân khác, những người chưa có kinh nghiệm làm việc trong các công ty Nhật.

Sự không ăn khớp với nhà tuyển dụng đã khiến không ít những bạn tu nghiệp sinh đã lựa chọn con đường có thể phát huy được năng lực “phụ” của mình với nguồn thu nhập và điều kiện làm việc dễ chịu hơn. Đó chính là công việc của một phiên dịch viên, hoặc chuyển sang làm trong các ngành dịch vụ… Cũng không ít những bạn về quê, bị xoáy theo dòng xoáy của cuộc sống, nhiều người đã xa dần với khỏi cuộc sống của những người lương thiện. Thật là đau đớn, bởi đối với những trường hợp này, những khó khăn trải nghiệm của các bạn khi làm việc tại xứ người lại trở thành vật cản đường trong cuộc sống của họ.

2. Cuộc gặp mặt tình cờ

Một ngày nọ, văn phòng JETRO (Tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài) đón anh Trung, một tu nghiệp sinh tại Nhật tới thăm. Sau khi hoàn tất khoá tu nghiệp ba năm, giờ anh đang mở công ty sản xuất chi tiết máy chính xác, anh muốn bán những chi tiết máy cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nên nhờ JETRO tư vấn, giới thiệu doanh nghiệp Nhật Bản cho anh. Ông Nakanishi lúc đó là người tiếp anh Trung, ông đã làm việc tại trung tâm hợp tác quốc tế Nhật Bản – ASEAN, ông chia sẻ: “ Từ trước tới nay ông chưa thực sự gặp một doanh nghiệp Việt Nam có chí tiến thủ, nên lần này khi nghe anh Trung nói chuyện, ông đã thực sự cảm động”.

3. Những ngày tu nghiệp tại Nhật

Anh Trung qua Nhật và tu nghiệp tại một công ty gia công chính xác với quy mô chưa tới 10 người, kể cả người làm thêm. Ngoài anh Trung, công ty còn nhận thêm một người Việt Nam nữa trong cùng khóa tu nghiệp. Công ty nhỏ nên mối quan hệ giữa giám đốc và nhân viên nhờ đó cũng trở nên vô cùng thân thiết. Buổi sáng anh tới công ty, cùng với giám đốc dọn dẹp, cùng tập thể dục buổi sáng, trong ngày chăm chỉ làm việc trong xưởng, tối đến đi uống cùng khách hàng hoặc giám đốc. Chẳng mấy chốc, ba năm tại Nhật kết thúc, khoảng hơn một năm trước anh trở về Việt Nam. Đây cũng chính là ngã rẽ trong cuộc đời anh, lúc rời Nhật Bản giám đốc nói với anh rằng: “Cậu hãy mang một số máy này về và lập thử xưởng ở Việt Nam xem thế nào?”. Đây chính là cơ hội để anh phát huy những kiến thức đã dùi mài suốt ba năm tại Nhật.

Tỷ lệ tu nghiệp sinh phân bố trong các ngành tịa Nhật (theo JITCO Data)

 

4. Công ty mẹ tại Nhật cấp vốn và công việc trong những ngày đầu

Để khởi nghiệp nếu không có đủ ba yếu tố vốn, kỹ thuật và khách hàng thì sẽ khó có thể bắt đầu được, ở Việt Nam điều đó cũng không phải ngoại lệ. Trường hợp của anh Trung, anh khá may mắn khi được giám đốc hỗ trợ một phần vốn, phần còn lại anh tự huy động từ gia đình và người thân. Về kỹ thuật anh đã chăm chỉ học được sau ba năm tại Nhật, những máy móc anh sử dụng khi còn ở Nhật cũng được mang về Việt Nam. Về đầu ra cho thời gian đầu, những sản phẩm làm ra giám đốc công ty nhận anh vào tu nghiệp hứa sẽ mua hết. Như vậy điều kiện để khởi nghiệp đã được hội tụ đầy đu và giờ chúng ta có thêm một công ty ra đời.

Nếu nhìn từ công ty mẹ tại Nhật, họ cũng là người có lợi. Với quy mô nhỏ chưa tới 10 nhân viên, việc đầu tư ra nước ngoài là việc không hề đơn giản, việc tìm kiếm đối tác hợp tác trong quá trình gia công cũng không phải chuyện có thể thực hiện được trong một sớm một chiều. Như trường hợp của anh Trung, anh đã làm việc cùng giám đốc trong suốt 3 năm, về con người và tính cách chắc chắn cả hai đã hiểu nhau được phần nào. Đối với người Nhật, điều quan trọng nhất là chữ tín, khi có chữ tín thì các công việc khác mới có thể tiếp tục được. Nếu làm theo cách truyền thống, công ty này khó có thể đầu tư ra nước ngoài được, nhưng nay khi đầu tư vào yếu tố con người dường như họ đã có một phân nhánh tại nước ngoài.

Tới đây, tôi mới nhớ lại trong một buổi phiên dịch cho hội thảo giới thiệu môi trường đầu tư Việt Nam. Tại đây tôi có gặp một bác ăn mặc bộ áo công nhân đã khá cũ, chỉ khi trao đổi danh thiếp tôi mới biết bác là giám đốc của một công ty sản xuất thiết bị điện cơ. Bác nói, công ty bác nhỏ, nhưng giờ muốn mở rộng hoạt động sang Việt Nam, bác cũng đã nhờ người quen tìm được một bạn tu nghiệp sinh, bác sẽ đón sang và chỉ bảo công việc trong thời gian ba năm sau đó bạn tu nghiệp sinh sẽ về mở công ty tại Việt Nam.

Nhật Bản là quốc gia của sản xuất, ngoài những doanh nghiệp lớn còn có rất nhiều những doanh nghiệp nhỏ theo sau. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến các doanh nghiệp phải tìm cách đầu tư và mở rộng sản xuất ra nước ngoài, trước để khai thác thị trường mới, sau để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ và điều phối sản phẩm gần với nơi cung cấp. Có nhiều cách làm nhưng số doanh nghiệp vừa và nhỏ lựa chọn cách làm thông qua đội ngũ tu nghiệp sinh sẽ có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. Thiết nghĩ, cùng với sự tăng lên về số lượng như hiện nay, chỉ cần một bộ phận các tu nghiêp sinh Việt Nam, sau khi về nước tiếp tục theo đuổi ngành sản xuất thì nước ta sẽ có sự thay đổi rất nhiều, bởi sự phát triển bền vững phải được xây dựng trên nền tảng sản xuất.


Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan