NASA tiến hành thử nghiệm tàu lượn trên sao Hỏa

Nếu như các thí nghiệm của NASA thành công tốt đẹp, thiết bị bay đầu tiên có mặt trên sao Hỏa sẽ là một chiếc tàu lượn với tên gọi Prandtl-m. Theo dự kiến chiếc tàu lượn này sẽ được phóng trong nhiệm vụ khám phá sao Hỏa tiếp theo (2022-2024) với nhiệm vụ do thám tầm thấp. (Ảnh minh hoạ: NASA)

Đến nay, nhiệm vụ khám phá sao Hỏa (Mars missions) thường được thực hiện ở hai mức độ là: không gian và trên mặt đất. Thứ mà NASA cảm thấy còn thiếu chính là những hình ảnh, thông tin đo đạc ở tầm thấp nhằm cung cấp dữ liệu cho dự án đổ bộ của con người trong tương lai. Và đó cũng là lý do Prandtl-m được ra đời.

Thiết kế của Prandtl-m tương đối đơn giản, với vật liệu tổng hợp, sải cánh 61cm và khối lượng 1.8kg (trên Trái Đất). Thiết bị sẽ được đóng gói và đổ bộ xuống sao Hoả thông qua hệ thống gồm ba vệ tinh nhân tạo mini CubeSat có kích thước chỉ 10cm của NASA.

Một điểm thú vị đó là ở giai đoạn hiện tại thiết kế của Prandtl-m đang được tinh chỉnh chủ yếu bởi một nhóm các bạn sinh viên. Mô hình của Prandtl-m sẽ được thả rơi ở nhiều hướng khác nhau trước khi tiến hành bay thử nghiệm để kiểm tra khả năng mở của đôi cánh. Sau khi giai đoạn này được hoàn thiện vào cuối năm nay, NASA sẽ tiến hành ba chuyến bay thử nghiệm trong điều kiện môi trường mô phỏng trạng thái hoạt động trên sao Hoả. Các độ cao được thử nghiệm gồm có 30,500m và 137,000m.

Ông Al Bowers, người phụ trách chương trình phát triển Prandtl-m cho biết: “Chúng tôi hy vọng thiết bị sẽ hoạt động ổn định, mở cánh trên khí quyển của sao Hoả, bay lượn và tiếp đất an toàn. Thông qua chuyến bay của Prandtl-m qua một số khu vực hạ cánh tiềm năng (cho các nhiệm vụ với phi hành gia của tương lai), chúng tôi mong muốn nhận đượ các hình ảnh địa hình có chất lượng cao để các nhà khoa học có thể đưa ra các đánh giá và dự đoán.”


Biên dịch: Trungmaster, theo Gizmag


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan