Xe motor in 3D đầu tiên trên thế giới

Tại Hội Nghị Triển Lãm Rapid 2015, công ty TE Connectivity đã giới thiệu chiếc xe máy in 3D đầu tiên có khả năng chạy được trên thế giới. Chiếc xe được thiết kế trên máy tính, in ra bằng máy 3D (vật liệu là nhựa), sau đó được gắn thêm săm lốp và động cơ. Tất nhiên, chỉ như vậy thôi thì không đủ để chiếc xe có thể hoạt động được, nhưng với concept đó cũng đủ làm cho người tiêu dùng cảm thấy thích thú. (Ảnh nguồn: TE Connectivity)

Chiếc xe được thiết kế dựa trên mẫu Harley-Davidson Softail, với chiều dài khoảng 2.4m, cân nặng 113.4 kg. Phần khung xe và vòng bi đều được in hoàn toàn bằng nhựa. Khung xe có thể chịu được trọng tải lên tới 181kg, tương đương với hai người lớn ngồi trên xe. Động cơ điện, lốp xe và các thành phần phụ như hệ thống phanh, dây điện, ắc-quy, dây đai, gương, chân chống và một vài loại bu lông,… đều được gắn ngoài.

Các bộ phận chịu tải chính được in bằng công nghệ FDM (Fused Depostion Modeling), đùn từng lớp vật liệu chồng lên nhau. Vật liệu sử dụng ở đây là nhựa ABS, hoà trộn với nhựa chống nhiệt Ultem 9085.  Hai thành phần khó gia công nhất đó là phần vành xe và vòng bi sau, do vòng bi được in đồng thời với ổ trục và líp. Một vài thành phần kim loại như đầu gắn đèn trước được in bằng nhựa với phương pháp DMLS (Direct Metal Laser Sintering), sử dụng laser để làm chảy kim loại thành các lớp hình dạng mong muốn.

te-3d-printed-motorcycle-4
Phần khung sau của xe (Nguồn: TE Connectivity)

Điểm đáng chú ý ở đây, chính là khả năng hoạt động của chiếc xe. Với động cơ điện cỡ nhỏ 1 mã lực (750W), xe có thể đạt vận tốc 24km/h và di chuyển trong vài phút. Mặc dù điều này không phải là đột phá gì to lớn, nhưng vừa đủ để trình diễn trong triển lãm. Chiếc xe được hoàn thiện sau 1000 giờ làm việc, và chi phí khoảng 25,000USD.

Thành tựu này của TE Connectivity đã mở ra những hướng phát triển hứa hẹn cho các dòng sản phẩm tương tự. Những ứng dụng của công nghệ in kim loại DMLS đã sớm được phát triển trong lĩnh vực xe hơi và hàng không. Hiện tại công ty xe hơi Ducati đã tiến hành làm việc với Stratasys, một công ty dẫn đầu trong lĩnh vực máy in 3D để tìm cách áp dụng kỹ thuật in 3D vào sản xuất. Nhờ có các nguyên mẫu được tạo bằng máy in 3D, Ducati đã cắt giảm được thời gian phát triển động cơ xe đua mới Desmosedici dành cho MotorGP từ 28 tháng, xuống còn khoảng 8 tháng. Chiếc xe oto được in 3D đầu tiên trên thế giới cũng đã được ra mắt vào năm 2014.

Những dấu hiệu này cho thấy công nghệ in 3D đang ngày càng tiến sâu hơn vào thế giới công nghiệp. Các sản phẩm in 3D đã không còn bị giới hạn trong các kết cấu tĩnh, đơn giản nữa mà đang dần chuyển mình thành các kết cấu động học. Tiềm năng về các sản phẩm công nghệ chế tạo hoàn toàn bằng phương pháp in 3D (thay vì chỉ là nguyên mẫu) đang dần hiển hiện.


Thực hiện: Trungmaster, theo Gizmag

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan