Máy in đã thay đổi cách chúng ta sống và làm việc như thế nào ? (phần 1)

※ Dây chuyền lắp ghép máy photocopy số lượng lớn đầu tiên trên thế giới: Xerox 914 (Nguồn:northcountrypublicradio)

Gần đây, tôi (tác giả) đã đến cửa hàng Whisk, một cửa hàng ở Manhattan bán các vật dụng dùng trong nhà bếp. Điều làm tôi ngạc nhiên đó là bên cạnh quầy tính tiền có một thiết bị mới, nhìn rất lạ lẫm: một chiếc máy in 3D. Cửa hàng sử dụng thiết bị này để làm khuôn bánh. Nhờ có chiếc máy, những chiếc khuôn có thể mang bất kỳ hình dạng nào mà bạn nghĩ đến, chỉ cần có một bản vẽ 3D là được. Ví dụ như hình tia sét, hình một chiếc xe đua,….

Nhân viên bán hàng đã nói với tôi: “Chỉ cần khách hàng gửi mẫu đến cho chúng tôi và khuôn sẽ được hoàn thành trong khoảng 1-2 tuần”. Thậm chí khách hàng còn không cần phải tự thiết kế. Trên mạng có hàng trăm ngàn các mẫu khác nhau, miễn phí và tất cả những gì bạn cần phải làm là chọn một mẫu ưng ý mà thôi. Có thể nói trong thời đại của máy in 3D, chuyện copy và chia sẻ của con người không còn bị giới hạn trong văn bản hay hình ảnh trên giấy mà đã lan toả đến những vật thể hữu hình đã được số hoá.

Trước đây, máy in 3D khá đắt và phức tạp, chỉ có khả năng được sử dụng bởi những nhà thiết kế tầm cao, để tạo mẫu nhanh những sản phẩm như điện thoại hay linh kiện máy bay. Thế nhưng ngày nay, công nghệ này đang ngày càng thâm nhập vào xã hội nhanh hơn. Bạn chỉ cần từ 500-3000USD là đã có trong tay một chiếc máy in 3D xài được (như của những trường học, thư viện, và những người ham thích chế tạo thường sử dụng). Bạn có thể tự in những sản phẩm do mình thiết kế. Hoặc đơn giản hơn là copy những sản phẩm sẵn có bằng cách quét chúng thành file 3D thông qua camera của điện thoại di động và các thiết bị chuyên dụng khác. Dù bằng cách nào đi nữa thì bạn vẫn có thể sử dụng bản in 3D của mình nhiều lần một khi đã có file 3D trong tay.

Máy in 3D đang ngày càng rẻ hơn, vậy chúng sẽ góp phần thay đổi xã hội như thế nào?

Ý nghĩa của việc lưu trữ và in ấn các vật thể hữu hình một cách tuỳ ý với số lượng không giới hạn là gì?

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ dự đoán những điều đó thông qua việc xem xét tầm ảnh hưởng của công nghệ đầu tiên giúp con người sao chép văn bản số lượng lớn: những cỗ máy photocopy của Xerox.

Trong hàng thế kỷ trước, việc xuất bản sách của con người có thể coi là một cực hình. Từng trang sách được copy bằng phương pháp thủ công, chậm chạp và đầy gian khổ. Các nhà phát minh đương nhiên đã nghĩ đến việc chế tạo thiết bị để tự động hoá quá trình copy, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Ví dụ như Thomas Jefferson đã phát minh ra thước sao đồ, một thiết bị bằng gỗ nối chiếc bút mà ông ta viết với một chiếc bút khác. Thông qua đó, các cử động của ông được mô phỏng theo và tạo ra một bản in tương ứng. Nhà phát minh động cơ hơi nước Jame Watt thì sử dụng một phương pháp có phần thô sơ hơn. Ông tạo ra một thiết bị sử dụng một bản viết tay còn tươi mực và áp giấy trắng lên đó. Kết quả thu được một bản in mới nhưng mà chữ ngược. Đến đầu thế ký 20, những cỗ máy in ro-ne-o khá được ưa chuộng, sử dụng mực để tạo ra các một số lượng bản copy nhỏ, tuy nhiên chất lượng bản in sẽ bị giảm theo số lần copy. Chưa có công nghệ nào thật sự hoàn thiện.

Đến năm 1959, Xerox giới thiệu máy in “914”, một cỗ máy photocopy dễ-sử-dụng. Có thể nói đây là đỉnh cao của máy photocopy thời bấy giờ, sau hơn 20 năm thí nghiệm, máy cho kết quả in đẹp và “khô”. Thiết bị tạo ra một hình ảnh tĩnh điện của văn bản trên một chiếc trống xoay kim loại (rotating metal drum), và ịn mực (ở dạng bột) lên giấy. Mực in sẽ được cố định bằng phương pháp nhiệt. Qúa trình copy của máy rất nhanh, chỉ tốn khoảng 7s cho một bản in. Khi những cỗ máy bàn nặng 648-pound này được đưa đến tay của các doanh nghiệp, cũng là lúc kỷ nguyên in ấn bắt đầu.

Hay chính xác hơn, đó là cột mộc đánh dấu thời kỳ bùng nổ của việc copy văn bản. Ban đầu Xerox chỉ hy vọng các khách hàng sẽ tạo ra khoảng 2000 bản in một tháng, thế nhưng họ dễ dàng đạt mức 10,000 bản, và một vài công ty còn đạt đến mức 100,000 bản in/tháng. Trước thời điểm 914 ra mắt, toàn nước Mỹ tạo ra khoảng 20 triệu bản copy/năm. Nhưng kể từ năm 1966, Xerox đã đẩy con số này lên thành 14 tỷ bản.

David Owen, tác giả cuốn sách Copies in Seconds-nói về lịch sử của Xerox, nhận xét:” Đó là bước nhảy vọt về lượng thông tin được tạo ra”.

Tất nhiên, những cỗ máy photocopy cũng thay đổi cách mà tri thức và dòng thông tin lưu thông trong các doanh nghiệp. Trước khi có Xerox, mỗi khi có một bức thư quan trọng được gửi đến, chỉ có một số ít những người đứng đầu doanh nghiệp được ngó qua. Bức thư gốc sẽ được chuyền tay từ phòng này qua phòng khác với một hành trình xác định là ai sẽ được đọc và sau đó nó sẽ đi đâu tiếp. Nhưng khi máy photocopy xuất hiện, các nhân viên trong doanh nghiệp bắt đầu copy các bài báo, tạp chí, và các giấy tờ quan trọng để gửi đến tất cả những người cần đọc trong cùng một lúc. Cần gì phải viết ghi chú nếu bạn có thể gửi chúng đến tất cả mọi người? Máy copy giải phóng luồng thông tin, nhưng cũng rất dễ… gây nghiện.

“Những chiếc nút chỉ chờ được bấm, tiếng máy chạy, tiếng các bản copy rơi vào khay- tất cả những điều đó tạo ra một trải nghiệm kích thích lạ kỳ. Làm cho những người mới sờ vào nó chỉ muốn copy hết tất cả tài liệu mình đang có trong túi mới thoả”, John Brooks đã viết như vậy trong một bài báo trên tờ New Yorker vào năm 1967.

Nhiều nhân viên văn phòng đã từng lên tiếng về việc quá tải thông tin. Thế nhưng kẻ đáng đổ lỗi của vấn đề đó là các quy trình công nghệp, xuất bản sách, báo, tạp chí. Câu chuyện của máy photocopy thì “khác”, dù kết cục cũng như nhau. Máy photocopy cho phép những nhân viên thông thường gom hàng chồng tài liệu để làm hoang mang các đồng nghiệp. “Bạn đi họp và ôm về cả một núi tài liệu, dù có thể chẳng ai từng đọc qua một trang trong đó,” Ông Owen vừa cười vừa cho biết.

Máy photocopy cũng có nhiều ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Các nhân viên ma mãnh sẽ tìm cách sử dụng máy in cho việc riêng của họ, ví dụ như copy giấy mời, bảo hiểm, công thức món ăn mới… Những bức thư dây chuyền (kiểu thư bất hạnh, thư xui xẻo) cũng bắt đầu buộc những người nhận chúng, thay vì chuyển cho người khác thì hãy copy thành 20 bản và gửi đi. Lý do? Bởi vì bây giờ ai cũng có thể làm được điều đó. Thậm chí nhiều người còn nhanh chóng nhận ra rằng họ có thể làm bản in trên giấy của nhiều vật thế có thực khác, ví dụ như đặt tay (hay thô thiển hơn là đặt… mông) lên tấm kính của máy copy.

Việc copy này cũng có rất nhiều ý nghĩa thực tiễn. Như kiểu thay vì phải mô tả rõ ràng từng thứ trong ví của kẻ phạm tội trước khi tống cổ hắn vào nhà giam, thì công an chỉ cần ném cái ví lên 914 và bấm nút là xong.

Việc có quá nhiều thứ…vớ vẩn được sao chép như trên đôi cũng làm những ông lớn trong Xerox phải lo lắng. Sol Linowitz, CEO của Xerox International, đã nói trên tạp chí Life: “Liệu có phải chúng tôi đã góp phần làm việc sao chép những thứ rác rưởi và vớ vẩn trở nên dễ dàng hơn hay không?”


Tác giả: Clive Thompson
Biên dịch: Trungmaster, theo Smithsonianmag


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan

1 thought on “Máy in đã thay đổi cách chúng ta sống và làm việc như thế nào ? (phần 1)”

  1. Máy in đã thay đổi cách chúng ta sống và làm việc như thế nào ? (Phần 1) Máy in đã thay đổi cách chúng ta sống và làm việc như thế nào ? (Phần 2)

Comments are closed.