Bạn có hay xem phim trinh thám, hình sự không? Nếu bạn là fan của dòng phim này hoặc là một người có hiểu biết kha khá về hóa học bạn sẽ biết rằng cyanide (hay còn gọi là Xyanua) là một chất độc vô cùng nguy hiểm. Một người chỉ có thể chết ngay trong vòng 30 phút nếu bị phơi nhiễm. Thật xui xẻo cho những ai “có thể” bị phơi nhiễm vì các xét nghiệm phơi nhiễm tiêu chuẩn hiện tại thông thường kéo dài đến tận…24 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, hiện thực đó có thể sẽ thay đổi. Một nhà khoa học tại Đại Học South Dakota State University đã phát triển một cảm biến cho phép phát hiện cyanide trong mẫu máu với thời gian chỉ vỏn vẹn 70 giây.
Nguyên mẫu của thiết bị này được tạo ra bởi Phó Giáo Sư Brian Logue.
Khi mẫu máu hoặc nước được đưa vào trong thiết bị, acid trong thiết bị sẽ làm cho cyanide chuyển hóa thành dạng khí gas. Khí gas này sau đó được khóa trong một loại vật liệu nền và tương tác với các chất hóa học, làm cho nó phát huỳnh quang (fluoresce) dưới ánh sáng. Bằng cách đo cường độ phát quang, mật độ cyanide có thể được tính ra.
Trên thử nghiệm trên thỏ, cảm biến cho thấy độ chính xác 100% trong việc phát hiện phơi nhiễm cyanide, kể cả khi nồng độ thấp hơn nồng độ gây nguy hiểm đến 200 lần.
Hiện tại dự án đang hy vọng sẽ được thử nghiệm trên động vật có kích thước lớn hơn, đồng thời giảm kích thước thiết bị và được cấp giấy phép của FDA. Phó Giáo Sư Logue hy vọng có thể tiếp tục làm giảm thời gian đo đạc và tính toán của thiết bị xuống còn dưới một phút, đồng thời tìm cách phát hiện cyanide qua mẫu nước bọt. Lý do là bởi thông thường chất độc này hay thâm nhập vào cơ thể qua đường miệng hoặc mũi.
Thiết bị này được phát triển hướng đến những người phải làm việc ở môi trường độc hại cao như lính cứu hỏa, dễ bị phơi nhiễm khi dập lửa tại các khu công nghiệp. Hiện tại, nếu có nghi ngờ bị phơi nhiễm, các người lính sẽ được đưa vào phòng cách ly và điều trị ngay lập tức bất kể là có thực sự bị phơi nhiễm hay không.
Biên dịch: Trungmaster, theo Gizmag