Truyền thống thiết kế robot từ trước đến nay thường dựa trên cơ sở kế thừa những hình mẫu chuyển động của động vật trong tự nhiên. ATRIAS cũng không phải là một ngoại lệ, robot hai chân có kích thước tương đương với người thật này gợi cho chúng ta về cử động của các sinh vật hai chân họ chim, như đà điểu.
ATRIAS là một dự án của Phòng Nghiên Cứu Động Lực Học Robot (Dynamic Robotics Laboratory) của Đại Học Oregon State, được xây dựng để nghiên cứu về khoa học cử động, đi, đứng, chạy. Mục tiêu của dự án là tạo ra một robot có khả năng vượt qua được thử thách ở những bề mặt di chuyển gồ ghề, kể cả khi “đứng” tại chỗ. Thiết kế của ATRIAS dựa trên hai chân được gắn lò xo, tương tự như con nhún- một món đồ chơi khá phổ biến của trẻ em tại Mỹ. Nhưng thay vì làm cho robot bật tưng tưng từ chỗ nào qua chỗ khác, cặp chân được gắn lò xo vừa đóng vai trò là hệ thống chống đỡ, vừa là cơ cấu tích trữ năng lượng, làm cho robot linh hoạt và hiệu quả hơn theo lý thuyết.
Thật ra ATRIAS trông khá là buồn cười. Nó không có “chân” thực theo định nghĩa của người hay động vật, phần tiếp xúc chỉ là những điểm nhỏ. Robot “đứng” tại chỗ thông qua việc không ngừng chuyển động các chân để cân bằng.
Nhóm nghiên cứu đằng sau ATRIAS ví nó với một chiếc xe thể thao, mọi cơ cấu đều được thiết kế và tinh chỉnh để làm việc với hiệu suất cao nhất. Thế nhưng, họ phải công nhận là ATRIAS không hề dễ điều khiển chút nào. Mặc dù được thiết kế để gần với hệ thống lò xo-khối lượng nhất có thể (ATRIAS- Assume The Robot Is A Sphere- Giả Định Robot Là Một Khối Cầu), các thuật toán thường sử dụng để giúp robot đi lại không hoạt động tốt với ATRIAS. Điều đó buộc các nhà nghiên cứu phải tạo ra cashc thức điều khiển mới cho nó.
Mục tiêu của ATRIAS không chỉ là tạo ra một robot có khả năng đi lại, mà còn có khả năng phản ứng, phục hồi sau khi tương tác với các “chướng ngại” bất ngờ. Bạn có thể xem trong clip cuối bài, ATRIAS có khả năng chịu được tác động của một “cơn mưa” bóng ném, và chỉ chịu dừng lại khi nút dừng khẩn cấp bị bấm trúng. Nếu được gia cố thêm về kỹ thuật, không chừng ATRIAS có thể là một “thủ môn” cự phách.
Ngoài phòng nghiên cứu Oregon State, nguyên mẫu của ATRIAS cũng được sử dụng để nghiên cứu tại Đại Học University of Michigan và Carnegie Mellon University.
Biên dịch: Trungmaster, theo Gizmag