Các công ty IT đang làm thay đổi các cánh đồng lạc hậu tại Việt Nam

※Ảnh minh họa: cánh đồng ở Đà Lạt, tác giả :D. Myles Cullen, U.S. Army
Các công ty về công nghệ thông tin tại Việt Nam đang tiến hành các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp để giúp nông dân tăng sản lượng thông qua hợp lý hóa và hiện đại hóa phương pháp canh tác truyền thống.

Dân số Việt Nam hiện tại vào khoảng 90 triệu người, trong đó có đến 68% là nông dân (số liệu năm 2013). Đến năm 2014, giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước đạt 617 ngàn tỷ (28,8 tỷ USD), tăng hơn 2.9% so với năm trước đó.

Trong năm nay, chính phủ Việt Nam dự định triển khai kế hoạch lớn để thúc đẩy nông nghiệp. Trong đó việc hiện đại hóa nông nghiệp và ngư nghiệp được đánh giá là vấn đề chính yếu.

Các công ty Nhật Bản hiện cũng đang dần thâm nhập vào ngành sản xuất nông nghiệp của quốc gia Đông Nam Á này. Vào tháng 12 năm 2014, nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp Yanmar đã thiết lập một công ty chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, FPT hiện đang liên kết với công ty công nghệ Nhật Bản, Fujitsu để phát triển mô hình trồng trọt trong nhà kính với ưu thế sử dụng số liệu và cảm biến.

Công ty FPT sẽ tiến hành xây dựng một nhà kính thử nghiệm tại Hà Nội vào tháng 4 để tìm điều kiện tốt nhất cho việc canh tác, thông qua việc đo đạc nhiệt độ, độ ẩm trong nhà kính cũng như số thời gian ánh nắng chiếu vào. Những dữ liệu này sẽ được so sánh, tham khảo với các dữ liệu được thu thập ở các khu vực khác.

Tại Nhật Bản, vào năm 2012, Fujitsu đã giới thiệu hệ thống canh tác dựa trên điện toán đám mây Akisai, cho phép các nông dân nâng cao năng suất lên đến hơn hai lần.

FPT sẽ tiếp tục tiến hành thử nghiệm cho đến hết năm nay và dự định bắt đầu cung cấp dịch vụ cho nông dân vào đầu năm 2016. Dịch vụ của họ sẽ bao gồm cảm biến, mạng nội bộ (local-area network-LAN), dữ liệu và chế độ bảo trì, bảo dưỡng.

Hệ thống mạng nội bộ cho phép người nông dân thao tác trên nhiều nhà kính từ xa. Điều này có thể giúp bồi dưỡng những nhà nông nghiệp tầm cỡ lỡn của Việt Nam, vốn còn rất ít ỏi so với tỷ lệ nông dân hiện tại.

Viettel, tập đoàn viễn thông trực thuộc bộ Quốc Phòng Việt Nam, cũng đã giới thiệu “Agri.One”, một dịch vụ thông tin có thu phí cho nông dân. Người sử dụng sẽ đăng ký vào một dịch vụ tin nhắn ngắn, thường xuyên báo cáo cho họ về tình hình sâu bệnh, thời tiết, công nghệ sản xuất nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu và giá thị trường của sản phẩm.

Hiện tại công ty cung cấp thông tin trong phạm vi 13 tỉnh ở đồng bằng sông Mekong, bao gồm cả Long An và Cần Thơ. Trong năm nay, công ty sẽ mở rộng phạm vi thêm 11 tỉnh thành.

Dịch vụ của Viettel có chi phí 500 VND/ngày. Mặc dù thông tin chính xác về số khách hàng của Viettel được giữ kín, nhưng công ty cho biết ngày càng nhiều người nông dân ưa chuộng dịch vụ của hãng, do chi phí khá hợp lý.

Viettel hiện tại cũng đang tích lũy thông tin từ chính người nông dân trong cơ sở dữ liệu, qua đó có thể chọn lọc và nâng cao độ hữu ích của thông tin khi cung cấp đến các khách hàng.

Một công ty công nghệ thông tin lớn khác là Hanoi Electronics hay Hanel, cũng đang cân nhắc bán các sản phẩm nông nghiệp online và tự động hóa việc canh tác.

Chìa khóa để mở rộng ngành nông nghiệp dựa trên công nghệ thông tin tại Việt Nam chính là sự cân bằng giữa mức đầu tư công nghệ thông tin và giá của sản phẩm nông nghiệp. Bởi vì hiện nay chỉ có rất ít sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể bán giá cao (như các loại hoa quả đặc sản).


Biên dịch: Trungmaster, theo Asia-nikkei


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan