10 kỹ năng lãnh đạo không bao giờ hiệu quả

Một điểm chung giữa những doanh nhân thành công đó là khả năng lãnh đạo. Thế nhưng không phải vì bạn đột nhiên được cất nhắc vào vị trí lãnh đạo có nghĩa là bạn có những tố chất hay khả năng đó đâu nhé. Khi tôi bắt đầu vị trí lãnh đạo trong lần khởi nghiệp đầu tiên, phải nói là vô cùng tệ hại. Không có ai giải thích cho tôi phải làm sao, những gì tôi làm có thực sự có ích hay không hay là ngược lại tôi đang phá hoại chính công ty do mình tạo dựng lên.

Ngày hôm nay, tôi xin chia sẻ với các bạn 10 kỹ năng tồi mà tôi tin rằng chính nó đã bóp chết công ty của tôi chỉ trong vài tháng. Hy vọng các bạn sẽ tránh được điều này.

1. Thiếu tầm nhìn

Những nhà lãnh đạo không có khả năng xác định một tầm nhìn rõ ràng, chính xác về tương lai thì sẽ chỉ có một nhóm luôn bị chậm kế hoạch, lỡ mục tiêu mà thôi. Không có tầm nhìn, những nhà lãnh đạo đó sẽ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy, khơi nguồn cảm hứng cho các thành viên trong nhóm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả khả năng làm việc và giá trị thương hiệu chung. Tầm nhìn không tưởng, tầm nhìn hạn hẹp, hay những tầm nhìn dễ bị thay đổi thường xuyên, những người lãnh đạo như vậy sẽ chẳng thể đưa ra một đích đến cụ thể nào, và lại càng không có khả năng định hướng toàn nhóm một cách đúng đắn khi có vấn đề xảy ra.

Thay vì ngồi một chỗ và nhìn, một nhà lãnh đạo hiệu quả sẽ luôn thông tin cho mọi thành viên trong nhóm về con đường mà họ đang đi, đích đến là gì, và làm sao để đến được đó. Với dự án khởi nghiệp gần đây nhất của tôi, tôi đã phải giải thích cặn kẽ từng khía cạnh của công ty cho từng thành viên liên quan. Có thể nói chúng tôi lên cùng một con thuyền và đều đã cùng nhau chuẩn bị sẵn sàng đón nhận sóng gió trước khi tiến hành. Đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn chia sẻ với nhau hầu như tất cả mọi thứ.

2. Kém giao tiếp

Giao tiếp kém sẽ là cản trở lớn nhất, ngăn cản nhà lãnh đạo tiến xa hơn cùng với nhóm của mình. Nếu một nhà lãnh đạo không có khả năng trình bày rõ ràng về mục tiêu, đối tượng và đưa ra các câu hỏi, thì việc nắm bắt những gì đang xảy ra với các thành viên cũng như toàn thể công việc là một thử thách đáng gờm.

Một nhà lãnh đạo nên giao tiếp thông qua nhiều cách và môi trường khác nhau. Các bạn nên nhớ quy tắc 70-20-10 trong giao tiếp như sau: 70% lắng nghe, 20% đặt câu hỏi (đi kèm với vận động thương hiệu), và 10% theo dõi (tổng hợp, kết nối thông tin).

3. Hăm dọa

Nếu bạn muốn làm suy giảm tinh thần và trải nghiệm sự bất mãn cao độ thì cứ việc bắt nạt và hăm dọa các nhân viên. Một nhà lãnh đạo thường xuyên đe dọa sẽ sa thải người khác chỉ vì công việc không như ý muốn, mắng nhiếc vì khả năng giới hạn của họ, hay chỉ trích các đặc điểm cá nhân của nhân viên, sẽ chỉ tạo ra một môi trường làm việc tiêu cực.

Thật đấy, hãy dừng lại. Bạn đang giết dần giết mòn công việc kinh doanh của mình với mỗi vấn đề mà bạn nêu ra với nhân viên. Hãy chỉ cho nhân viên biết bạn đang mong đợi điều gì, và nếu điều đó chưa xảy ra, hãy giúp họ biết nó thành sự thực. Đấy mới là kết quả mà bạn cần cơ mà, đúng không ?

4. Quản lý vi mô

Nếu bạn không thể cưỡng lại ham muốn nhúng mũi vào bất kỳ lĩnh vực, khía cạnh nào trong công việc của nhân viên, thì bạn có thể đợi phản hồi từ nhân viên như “ông là một kẻ kiêu căng, không dám giao trách nhiệm cho người khác”. Những người cuồng-quản-lý như vậy, hay có xu hướng cảm thấy bất an và thậm chí bị mắc chứng “rối loạn hành vi cưỡng chế”. Điều này về lâu dài có thể khiến họ từ chối nhận trách nhiệm, thay vào đó là đưa ra những “vật tế thần” khác.

Những nhà lãnh đạo hiệu quả luôn biết khi nào thì buông quản lý và trao quyền cho các nhân viên. Tôi nhận ra một điều rất thú vị là, tôi càng tạo ra nhiều nhà quản lý trong nội bộ tổ chức, thì tôi lại càng trở thành một nhà quản lý tốt hơn (hoặc ít nhất là tôi cảm thấy như vậy).

5. Không có chính sách khoan dung

Điều này không có nghĩa là bạn phải làm ngơ trước những thành viên làm việc không tốt hay gây ra sai lầm. Thế nhưng chích sách cai trị hà khắc, không có tính khoan dung sẽ không cho bạn nhiều hiệu quả trong quản lý. Loại bỏ những thành viên kém không phải là một phương án hay. Nhưng một nhà lãnh đạo tài giỏi sẽ dạy cho toàn bộ thành viên biết những sai sót và giúp họ trưởng thành từ chúng thay vì phũ phàng buông lời chia tay.

6. Đóng vai ông-biết-tuốt

Không có ai ưa ông-biết-tuốt. Những người lãnh đạo chỉ suốt ngày kể về những chiến công của bản thân và khoe khoang về điều đó sẽ khiến người khác cảm thấy rằng họ không muốn và không sẵn sàng học hỏi và thay đổi. Thay vì thế, một nhà lãnh đạo cần phải luôn tìm tòi, và đừng bao giờ nghĩ rằng anh ấy hay cô ấy là người thông minh nhất trong đội.

7. Đưa quá nhiều ưu đãi

Người ta thường tin rằng, nếu người lãnh đạo cung cấp cho các thành viên trong nhóm tiền bạc, những ngày nghỉ hay các bữa nhậu nhẹt thì sẽ làm tăng khả năng làm việc của họ. Thật không may, một nghiên cứu đăng trên Harvard Business Review đã chứng minh rằng “Những người luôn trông đợi được phần thưởng sau khi hoàn thành một nhiệm vụ thường sẽ có hiệu suất kém hơn những người hoàn toàn không mong có phần thưởng nào cả”. Thay vì đưa ra quá nhiều ưu đãi, hay cho các thành viên những phản hồi chân thành và sự tôn trọng thì sẽ tốt hơn.

8. Giữ lại những thông tin có ích

Tất nhiên, một nhà lãnh đạo không phải lúc nào cũng bô bô đi khai hết mọi thứ, nhưng việc giữ lại những thông tin có ích không để những thành viên khác biết lại là một sai lầm lớn. Hành động này làm các nhân viên mất niềm tin vào người lãnh đạo, và đương nhiên là hiệu quả làm việc cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Đừng ngần ngại chia sẻ bất kỳ thông tin gì nếu các thành viên đang cần, hay có thể sử dụng nó để hoàn thiện công việc của mình. Đôi lúc, hãy tin tưởng nhóm của mình hơn.

9. Tranh công của người khác

Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu có ai đó tự nhận về mình thứ mà anh ta hay cô ấy không xứng đáng được hưởng ? Một nhà lãnh đạo mà lại đi tranh công của người khác ư, đó là một thằng ăn cắp. Thêm vào đó, yếu kém trong việc nhìn nhận và đánh giá thành tựu của các thành viên sẽ chỉ làm các thành viên nghĩ rằng bạn là đứa ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Một nhà lãnh đạo, cần phải biết khen ngợi và trao thưởng cho thành viên khi họ có công lao xứng đáng.

10. Quản lý bằng cách đi vòng quanh văn phòng

Trở về những năm 80, có một kiểu quản lý rất lạ, đó là “quản lý bằng cách đi tuần quanh phòng”. Một vài nhà lãnh đạo cho rằng đây là phương pháp hiệu quả bởi vì thông qua đó họ có thể tương tác một chút với các nhân viên. Bạn đã xem phim Office Space chưa ? Nếu chưa thì hãy xem và rút ra kết luận cho mình nhé.

Hãy chủ động tham gia thảo luận, xem, lắng nghe và bổ sung ý kiến với các thành viên. Coi mình là một phần của nhóm và khiến các thành viên có cảm giác bạn luôn có mặt ở đó 24/7, không phải để giám sát mà để giúp họ hoàn thành công việc.

Lời kết

Thật khó để có thể thành một nhà lãnh đạo hoàn hảo. Bản thân tôi cũng thường xuyên mắc sai lầm, nhưng đừng từ bỏ, hãy học và tự cải thiện chính mình. Bạn các học nhiều từ sai lầm thì bạn càng ra dáng lãnh đạo hơn đấy.


Tác giả: John Rampton
Biên dịch: Trungmaster, theo Inc.


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan