Haptomime – “Màn hình cảm ứng ảo” lơ lửng trong không trung từ sóng siêu âm

Giao diện màn hình cảm ứng đang là xu hướng của thời đại, làm cho cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng các màn hình đó dễ bị dây bẩn đặc biệt là khi tay dính dầu, thêm vào đó là các nguy cơ làm phát tán vi trùng. Đó là lý do mà một nhóm nghiên cứu tại trường Đai Học Tokyo, dẫn đầu bởi Phó GS Yasuaki Monnai, đã phát triển sản phẩm với tên gọi HaptoMime. Đó là một dạng thiết bị có giao diện như máy ATM và cho phép người dùng trải nghiệm cảm giác như đang chạm vào màn hình cảm ứng dù thực sự họ không hề chạm vào cái gì cả.

Dưới đây là cách thức mà hệ thống đó hoạt động.

haptomime-0
Hình ảnh mô tả cấu tạo chung của hệ thống

 

Hệ thống có một màn hình LCD hướng mặt lên trên đặt ở dưới cùng của thiết bị. Màn hình này sẽ hiển thị một giao diện hình ảnh, có thể là một bàn phím số, một danh sách các biểu tượng hay bất kỳ các đối tượng tương tác nào khác. Phía bên trên màn hình, tạo thành một góc nghiêng 45 độ, chính là một màn hình khác gọi là Serial Imaging Plate (AIP- tạm dịch: tấm tạo hình ảnh chuỗi). Thực chất màn hình này chính là một gương hai chiều.

Khi người sử dụng nhìn vào tấm tạo hình ảnh từ phía trên, họ sẽ thấy hình ảnh phản chiếu của màn hình LCD trên đó. Hình ảnh ảo sẽ được hiển thị trên một “màn hình” lơ lửng song song ở phía trước HaptoMime, thay vì vì đặt cố định.  Thực ra màn hình này chính là một tấm màn sóng siêu âm, được thiết kế để khiến người sử dụng sẽ có cảm giác như họ đang chạm vào màn hình thực, dù rằng ngón tay của họ trên thực tế còn chưa chạm tới tấm AIP.

Để làm được điều này, nhóm phát triển HaptoMime đã tích hợp một mạng lưới các cảm biến hồng ngoại, và chuỗi phát sóng siêu âm dày đặc. Cảm biến sẽ phát hiện vị trí ngón tay của người sử dụng và các bộ phát sóng siêu âm sẽ phản ứng và tập chung các tia vào vị trí đó. Kết quả, người sử dụng sẽ cảm giác như đang chạm vào màn hình thật. Bằng cách thay đổi cường độ và mật độ tập trung của sóng siêu âm, thiết bị còn có thể tạo ra các cảm giác như đang chạm vào vật rắn hay mềm tương ứng.

Thêm vào đó, bằng cách so sánh tương quan vị trí của ngón tay người sử dụng với giao diện màn hình LCD, hệ thống cho phép người dùng có thể tương tác với các biểu tượng, bàn phím trên màn hình. Bạn đọc quan tâm có thể theo dõi trong video phía dưới. Trong đó, người dùng có thể thực hiện các thao tác như kéo và thả các biểu tượng, chơi piano hay vẽ tranh.

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng công nghệ này có thể được sử dụng để giúp những người khi làm việc, dù tay bị ướt hay bẩn vẫn có thể tương tác với máy tính mà không cần phải chạm trực tiếp vào màn hình. Cùng với đó là giới hạn khả năng phát tán vi khuẩn gây bệnh thông qua tương tác với màn hình cảm ứng (đặc biệt là khi nó được đặt ở những nơi công cộng như màn hình của máy ATM, máy bán hàng tự động…).

Nghiên cứu của nhóm đã được công bố vào đầu tháng nay tại Hội Nghị Chuyên Đề ACM về Công Nghệ và Phần Mềm Giao Diện Người Sử Dụng ACM Symposium on User Interface Software and Technology, tại Hawaii.

 


Biên dịch: Trungmaster, theo Gizmag

Link công bố:

HaptoMime: Mid-Air Haptic Interaction with a Floating Virtual Screen, Proc. ACM UIST, (2014), 663-667.


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan