Bể chứa nước trong lòng sa mạc
Một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực phát triển công nghệ cho ngành nông nghiệp đó là Panasonic. Một project mới của Panasonic có tên gọi “Hightech Agriculture” với công nghệ trung tâm là “hạt cát ma thuật”. Hạt cát ma thuật là tên gọi của một loại vật liệu mới có khả năng ngăn chặn sự thẩm thấu của nước, nhờ đó nước không bị hấp thụ mà bị co lại do lực căng bề mặt.
Kỹ thuật ‘hạt cát ma thuật” này đã được phát minh trước đó và được ứng dụng trong bếp nấu điện từ để hạn chế bụi bẩn bám trên bề mặt bếp từ. Ứng dụng này được mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp, những hạt cát này sẽ được đưa vào trong lòng đất, nhờ hiệu ứng ngăn chặn nước thẩm thấu mà các lớp cát này sẽ tạo thành một bể chứa nước hoàn hảo. Nhờ đó, ngay cả những vùng đất khô cằn hay ven sa mạc cũng có thể phát triển nông nghiệp. Lượng mưa trên các khu vực sa mạc có ít hơn so với các vùng khác, nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô cạn đó là lượng nước ngầm ít và nước trên bề mặt nhanh chóng bị hấp thụ vào sâu trong lòng đất. Bằng cách áp dụng công nghệ xây “bể ngầm” này, Panasonic hy vọng sẽ tập trung được lượng nước sau những cơn mưa hiếm hoi, về lý thuyết nước sẽ chỉ bị mất đi do quá trình bay hơi và quá trình hấp thụ của thực vật.
Trong mùa hè năm nay, trung tâm nghiên cứu công nghệ cao của Panasonic đã thí điểm công nghệ này cho việc trồng cà chua, và kết quả cho thấy sản lượng thu được tăng 40%, và tiết kiệm được cả lượng phân bón cần cung cấp trong quá trình thí điểm. Năm 2018, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, Panasonic sẽ chính thức đưa công nghệ này vào hoạt động kinh doanh.
Năm 2050, dự đoán dân số thế giới sẽ đạt 9.8 tỷ dân. Biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa tại các nước đang phát triển… đang đặt ra cho nhân loại bài toán về lương thực. Quá trình sản xuất lương thực thực phẩm sẽ phải mở rộng ra cả những khu vực mà hiện tại con người vẫn chưa có khả năng canh tác như khu vực cận sa mạc.
Nước biển nhân tạo
Ngày 24 tháng 9, Campuchia đã bắt đầu nuôi tôm càng dài tại khu vực sâu trong đất liền. Tôm càng dài là nguồn nguyên liệu cho những bữa ăn cao cấp nhưng hiện nay, việc nuôi loại tôm này chỉ được tiến hành tại các khu vực ven biển. Khu vực nuôi tôm lần này tại Campuchia cách biển khoảng 200 km, vậy làm thế nào để tạo ra được môi trường sống tương đương với môi trường tại biển cho tôm càng dài? Câu trả lời chính là một loại nước đặc thù được phát minh bởi thầy Yamamoto, giảng viên trường đại học Okayama Rika. Thầy Yamamoto đã làm thí nghiệm trộn bột gồm ba thành phần chính Kali (K), Natri (Na), Canxi (Ca) vào nước tinh khiết, và thầy phát hiện ra rằng cá biển và cá sông có thể sống trong môi trường nước này. Bằng cách làm này, trong tương lai những quốc gia hay khu vực không có biển cũng dễ dàng nuôi cá và các loại hải sản bằng nước “trộn”.
Thành phần của nước không có sự biến đổi nên không cần phải thay nước thường xuyên mà vẫn đảm bảo môi trường sống ổn định, khó bị bệnh đối với các loại cá. Hiện tại kết quả nghiên cứu đã thành công với cá song và cá nóc. Việc nuôi cá biển ngay trong đất liền đã tạo cho khách hàng thưởng thức những món hải sản tươi ngon. Nhiều nhà đầu tư từ các nước Trung Đông cũng đã tới thăm phòng nghiên cứu và tìm hiểu về ứng dụng này. Theo dự đoán của liên hợp quốc và ngân hàng thế giới, đến năm 2030, 60% các loại cá trong bữa ăn hàng ngày là sản phẩm nuôi trồng, chỉ khoảng 40% là sản phẩm đánh bắt từ tự nhiên. Đây có thể sẽ lại là một bước nhảy của Nhật Bản trong lĩnh vực còn khá mới mẻ này.
Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn
Tham khảo: Nikkei ngày 5/10/2014