Robot mini – “di động hóa” công việc in ấn

※Ảnh minh họa: Gizmag
Một máy in robot di động có thể làm việc bằng cách lượn qua lại trên bề mặt của một tờ giấy, đó chính là sản phẩm đang gây vốn cộng đồng trên Kichstarter, và đã đạt chỉ tiêu 400,000$. Sản phẩm này được thiết kế bởi phòng nghiên cứu Zuta tại Israel, với mục đích giúp người sử dụng có thể in ấn ở bất kỳ đâu, hay nói một cách khác nó chính là một chiếc máy in “di động” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Máy in Robot di động mini là sản phẩm đã được Tuvia Elbaum, một doanh nhân đến từ Jerusalem và cũng là người sáng lập Zuta thai nghén từ lâu. Ý tưởng này được nảy ra khi ông thường xuyên phải làm việc với điện thoại di động, máy tính bảng, máy tinh khi đang đi du lịch… và ông rất muốn có một cách nào đó để in ấn tài liệu ngay lập tức thay vì phải đợi đến khi về nhà hoặc đi đến văn phòng.

Ông Elbaum cho biết “Khi tôi tìm kiếm trên mạng một sản phẩm máy in di động, tất cả những gì tôi thấy là những chiếc máy in hoặc quá lớn để có thể mang đi mang lại, hoặc quá nhỏ để có in ở kích thước chuẩn A4”. Ông nhận ra rằng, tất cả các máy in đều cần được nhét giấy vào trong thiết bị, do đó kích thước giấy sẽ bị giới hạn theo thiết bị và ngược lại. Vậy tại sao lại không đặt mực in lên một con robot và để nó tự chạy hết tờ giấy? Rõ ràng đây là giải pháp thích hợp nhất để có một chiếc máy in vừa đủ nhỏ nhưng vẫn in được hầu hết mọi loại giấy.

Elbaum và các đồng sự đã tìm kiếm rất nhiều các phương án khác nhau cho máy in, kể cả việc sử dụng một chiếc xe điều khiển bằng sóng radio, sử dụng đường ray từ robot để giữ giấy và tạo thành khung di chuyển, hoặc táo bạo hơn là để robot bay lượn ngay phía trên mặt giấy… Một vài ý tưởng thậm chí còn không được chuyển thành nguyên mẫu, nhưng ít nhất chúng cũng giúp cho Elbaum và các đồng sự hướng đến thiết kế hiện nay của sản phẩm. Mỗi phiên bản lại dựa trên một bài học của sản phẩm trước đó.

Ông Elbaum cũng giải thích hai nguyên tắc mà ông và các đồng sự luôn giữ gìn khi phát triển máy in đó là: giữ cho sản phẩm nhỏ nhất và đơn giản nhất có thể. Robot sử dụng một ống in phun để in (hiện nay mới chỉ có thể in được đen và trắng), một cổng Bluetooth để kết nối với các thiết bị khác. Ngoài ra, robot còn được trang bị một cảm biến quang độ phân giải cao, thường được sử dụng trong các con chuột máy tính cao cấp, một pin sạc với chế độ bật tắt. Thời gian hoạt động liên tục là một giờ đồng hồ và thời gian sạc khoảng ba giờ. Robot có thể tiến hành in trên mọi loại kích thước giấy.

zuta-labs-printer-3(gizmag)
Hình ảnh thiết kế, mô tả cấu tạo sản phẩm trên máy tính (Nguồn: Gizmag)

 

Bộ phận cử động của robot là hệ thống bánh xe omni, cho phép nó di chuyển chính xác trên mặt giấy. Tốc độ in của robot khoảng 1,2 trang/phút, và mẫu robot hiện tại có độ phân giải lên tới 96×192 dpi. Tất nhiên, sản phẩm cuối khi được ra mắt người dùng có thể sẽ có độ phân giải cao hơn. Kích thước ngoài của robot là 10×11.5cm và nặng khoảng 300g.

Kể từ lúc được đặt lên trang web gây vốn cộng đồng Kickstarter, sản phẩm đã đạt 40% chỉ tiêu chỉ trong 24 tiếng đồng hồ. Số tiền này sẽ được sử dụng để đặt mua các chi tiết cần phải chế tạo riêng và xây dựng phiên bản cuối của robot trước tiến hành sản xuất hàng loại. Theo Elbaum, kể cả khi không đạt được chỉ tiêu đã đặt trên Kickstarter, thì Zuta vẫn sẽ tiếp tuc sản xuất nhờ có sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư, và “một vài công ty công nghệ lớn”. Trong tương lai, Elbaum hy vọng thiết bị sẽ có khả năng in màu và in ấn trên nhiều loại bề mặt chứ không chỉ là giấy.

Bạn có thể xem hoạt động của máy in trong thực tế trong clip dưới đây:

[youtube link=”https://www.youtube.com/watch?v=IjyGjd40cMU” width=”590″ height=”315″]


Biên dịch: Trungmaster, theo Gizmag


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan