Bạn biết gì về tế bào gốc ? (phần 3/3)

phần đầu của loạt bài viết nàychúng ta đã tìm hiểu về các khái niệm cơ bản của tế bào gốc. Và trong phần trước, chúng ta đã biết thêm về bốn nguồn gốc của tế bào gốc thường dùng. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về một loại tế bào gốc khác, đó là tế bào  gốc trưởng thành,  và ứng dụng của tế bào gốc trong lĩnh vực giải phẫu thần kinh hiện nay.

Tế bào gốc trưởng thành

Tuy tế bào gốc vạn năng có vẻ rất hứa hẹn với các liệu pháp trị bệnh ở người, nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành lại có một số tiềm năng nhất định. Việc thu thập các tế bào gốc trưởng thành có vẻ dễ dàng hơn và tránh được một số vấn đề đạo đức thường gặp với tế bào gốcphôi thai. Tất nhiên các tế bào này cũng có những vấn đề của riêng chúng. Tế bào gốc trưởng thành vẫn chưa được xác định trên mọi cơ quan của cơ thể, chúng là những tế bào đa năng, và khó được xác định, cô lập cũng như bóc tách.

Đến nay đã có một số thành công với tế bào gốc trưởng thành từ tủy xương, máu cuống rốn và trong vùng não hải mã. Các tế bào gốc trưởng thành, ví dụ như tế bào gốc tạo máu trong tủy xương (hematopoietic stem cells-HSCs) hiện là loại tế bào gốc duy nhất được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị bệnh ở người. HSCs đã được sử dụng trong các ca cấy ghép tủy xường từ hơn 40 năm nay. Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong việc thu thập HSCs hiện cũng được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu (leukemia), ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) và một số bệnh về máu có tính di truyền khác.

Một hạn chế đáng kể trong quá trình điều trị đó là thiếu tế bào cần thiết cho việc cấy ghép, bởi vì khi được nuôi trên đĩa nuôi cấy, chúng không có khả năng nhân bản trong thời gian dài. Các nhà nghiên cứu cũng chưa thành công trong việc hướng các tế bào đó đến các chức năng tương đương với tế bào chuyên biệt. Nghiên cứu gần đây đã phát hiện đặc tính biến đổi của tế bào gốc trưởng thành. Một số tế bào gốc trưởng thành đã cho thấy khả năng hình thành các loại tế bào chuyên biệt của mô khác nhau. Một mẫu thử nghiệm về tính biến đổi với sự tham gia của tế bào gốc trưởng thành từ tủy xương đã tạo thành các tế bào tương tự như tế bào thần kinh –thành phần chức năng của hệ thần kinh tìm thấy trong bộ não và cột sống.

Các tế bào nguyên bản

Một tế bào nguyên bản (tế bào tiền thân- precursor cell), có thể tìm thấy trong mô trưởng thành và mô bào thai, là một tế bào chuyên biệt cục bộ, có thể tạo ra thêm nhiều tế bào nguyên bản hoặc hai tế bào chuyên biệt khi phân chia. Ngược lại, khi một tế bào gốc phân chia, một trong hai tế bào mới có thể tự nhân bản lần nữa. Các tế bào nguyên bản có thể thay thế tế bào bị tổn thương trong hệ thần kinh (tại đây chúng được gọi là tế bào nguyên bản thần kinh) hoặc tại các bộ phận khác.

Nhiều nghiên cứu trước đây đã báo cáo về việc thu thập tế bào nguyên bản thành công từ nhiều vùng trên não bộ (trong đó chủ yếu là vùng cạnh não thất bên- subventricular), nuôi cấy chúng trong phòng thí nghiệm và chuyển hóa chúng thành các tế bào thần kinh chức năng. Một thách thức đó là xác định tốt hơn những tế bào nguyên bản đó cũng như hiểu rõ cơ cấu phát triển và chuyên biệt hóa của chúng từ tế bào gốc phôi thai. Cả tế bào thần kinh nguyên bản của bào thai và người lớn đều cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc phục hồi não bộ. Trong những thí nghiệm gần đây, các tế bào đó đã cho thấy sự tồn tại và biệt hóa trong não động vật bị bệnh sau khi bị tổn thương. Có vẻ như bộ não chủ tiếp nhận các tế bào này, cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các tế bào mới. Tiềm năng của lĩnh vực nghiên cứu này vẫn còn rất lớn.

Các tế bào thần kinh xuất phát từ dòng tế bào ung thư cũng đã được nghiên cứu rộng rãi và thử nghiệm trên người. Nghiên cứu thực hiện trên động vật bình thường và sau khi bị tổn thương cho thấy các tế bào hoạt động tốt và có liên quan đến quá trình phục hồi của một số suy giảm thần kinh. Những thử nghiệm đầu tiên trên người với các bệnh nhân bị đột quỵ nhẹ, dẫn đến liệt, hiện vẫn đang được tiếp tục.

Ứng dụng của tế bào gốc trong giải phẫu thần kinh

Ngành giải phẫu thần kinh phục hồi hiện đại bắt đầu từ khoảng 30 năm trước, khi các nhà giải phẫu thần kinh và các nhà thần kinh học hình dung về tiềm năng của việc thay thế các tế bào thần kinh bị tiêu biến trong những bệnh nhân mắc các bệnh như Parkinson, Huntington. Tại thời điểm đó, người ta tin rằng tế bào thần kinh không có khả năng tái tạo- một học thuyết đã bị bác bỏ vào những năm 1990. Do đó, các thử nghiệm lâm sàng ban đầu thường dựa trên phương pháp tiếp cận trực tiếp, với mục tiêu thay thế các chất dẫn truyền thần kinh bị thiếu trong não thay vì tái tạo mạch thần kinh bị tương tổn. Gần đây, với sự ra đời của các phác đồ điều trị phát triển từ các công trình thử nghiệm với tế bào gốc và tế bào nguyên bản, chúng ta có thể hy vọng rằng đích đến cuối cùng của lộ trình tái tạo đường dân truyền thần kinh có thể sẽ đạt được. Mục tiêu của lĩnh vực này có thể tóm tắt trong “thay thế”, “giải phóng”, và “tái sinh”. Có nghĩa là, các tế bào thần kinh chết cần phải được thay thế, các mô ghép phải có khả năng giải phóng ra các chất dẫn truyền thần kinh, và các mạch thần kinh phải được tái xây dựng lại. Tất nhiên, những mục tiêu đó chỉ có thể được đáp ứng khi các nhà khoa học hiểu được về cơ cấu của bệnh và cập nhật thường xuyên với tốc độ phát triển của các chiến lược công nghệ sinh học mới.

Các mô ghép hiện nay từ mô bào thai, dòng tế bào ung thư và tế bào gốc đã được cấy ghép. Những thành công trên mô hình động vật đã đưa tới những thử nghiệm cấy ghép trên người để chữa trị bệnh Parkinson, bệnh Huntington, tổn thương cột sống và đột quỵ. Với các tiến bộ của việc nghiên cứu trên mô hình động vật, các cấy ghép thử nghiệm có thể đặt tiền đề cho việc chữa trị bệnh sơ cứng rải rác ( multiple sclerosis), chấn thương sọ não, bại não, xơ cứng cột bên teo cơ (ALS), Alzheimer, và nhiều chứng rối loạn khác.

<Hết>


Thực hiện: Trungmaster, hợp tác với website yhoccongdong.com
Tham khảo:
http://www.aans.org/en/Patient%20Information/Conditions%20and%20Treatments/Stem%20Cell%20Research.aspx
http://stemcells.nih.gov/info/basics/pages/basics1.aspx
http://www.news-medical.net/health/Stem-Cell-Types-(French).aspx

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan