Cùng với việc Hội Đồng Chung Châu Âu (EU) đã chính thức thông qua việc hỗ trợ kinh phí cho dự án nghiên cứu về não người (Human Brain Project), nhân loại đang từng bước đến gần hơn tới một tương lai tự nhân bản chính bản thân mình. Bà Danica Kragic, một nhà nghiên cứu về Robot học và là giáo sư chuyên ngành Khoa Học Máy Tính tại Học Viện Công Nghệ Hoàng Gia KTH (KTH Royal Institute of Technology) ở Stockholm, Thụy Điển đã nhận định rằng: Viễn cảnh con người sống chung với robot thường khiến chúng ta gợi về những kịch bản tồi tệ như trong các tiểu thuyết viễn tưởng. Nhưng trên thực tế, cách thức con người ứng phó với những tiến bộ trong ngành Robot học sẽ còn rắc rối và tinh vi hơn rất nhiều.
Bà Kragic cho biết “Robot sẽ thách thức những suy nghĩ, những cảm giác của chúng ta về máy móc nói chung. Và một xã hội hoàn toàn khác sẽ dần được định hình.”
Dự án Human Brain Project có sự tham gia của 87 trường đại học trên toàn thế giới trong việc mô phỏng các tế bào, các hóa chất và các liên kết trong não trên một siêu máy tính. Để từ đó khám phá ra các cấu trúc, tổ chức, chức năng và sự phát triển của bộ não. Dự án cũng bao gồm cả việc thử nghiệm các robot với các bộ não nhân tạo (brain-enabled robots).
“ Nếu chúng ta có thể tạo ra được một bộ não- thì chúng ta cũng có thể tạo ra được ..một con người chứ ? Tại sao lại không nhỉ ? Còn thứ gì có thể cản chúng ta được sao ?”, bà Kragic đặt vấn đề.
Tất nhiên, những robot ở mức độ người tiêu dùng phổ thông có thể mua được vẫn còn khá xa vời. Cũng phải nói thêm là bà Kragic hiện đang làm giám đốc Trung Tâm Hệ Thống Tự Động (Centre for Autonomous Systems) của KTH, và là người đứng đầu phòng nghiên cứu về Computer Vision and Active Perception (tạm dịch: Nhận thức chủ động và tầm nhìn máy tính). Theo bà, để robots có thể cung cấp giá trị nào đó cho các gia đình thực sự, các nhà nghiên cứu và phát triển sẽ phải vượt qua rất nhiều các thử thách khó khăn về công nghệ. Robot sẽ cần phải có khả năng đa nhiệm (làm nhiều việc một lúc), thậm chí phải được lập trình tích hợp khả năng biểu lộ cảm xúc vào quá trình xử lý logic.
Bà cho biết: “Robot hành động dựa trên trạng thái của môi trường xung quanh và những gì mà chúng ta hy vọng vào chúng. Do đó, chúng ta muốn hành động của chúng phải hợp lý và dễ được con người chấp nhận. Thế nhưng có rất nhiều việc mà chính chúng ta làm cũng không hoàn toàn dựa trên những sự kiện thực tế (mà thiên về cảm tính và cảm xúc nhiều hơn –lời người dịch). Vậy, liệu một cỗ máy, có nên bằng cách nào đó mô phỏng cảm xúc của con người hay không ? Dù là có hay không, thì chúng ta cũng không thể biết được điều đó sẽ tác động đến tương tác giữa chúng và con người như thế nào.”
Bà Kragic dự đoán robots sẽ có những đóng góp tích cực to lớn cho xã hội. Nhưng chúng cũng sẽ đồng thời làm dấy lên những vấn đề mà con người vẫn còn có rất ít tài liệu tham khảo, ví dụ như: sẽ có những chuẩn mực nào của xã hội cho việc ứng xử giữa người và robot chả hạn ?
Thực tế, các nhà khoa học đã có nhiều cuộc thảo luận về đạo đức robot và cách thức mà con người nên đối xử với chúng. Thế nhưng thật khó để nói rằng hành động nào là đúng và hành động nào là sai, trừ phi bạn thực sự bị đặt vào một tình huống mà tại đó bạn cần tự vấn lương tâm và tự vấn cảm xúc của mình về một cỗ máy. Tất nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra, đó là cảm xúc của bạn sẽ bị chi phổi thế nào nếu bạn biết hoặc không biết rằng “đó là một cỗ máy”.
Một trong những ứng dụng ở mức độ tiêu dùng phổ thông của robot, theo bà Kragic, sẽ là làm “quản gia”. Chúng sẽ quán xuyến hết việc nhà và giúp bạn có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Robot cũng có thể làm những việc đòi hỏi phải lặp đi lặp lại, như lái xe bus hoặc làm việc trong các nhà hàng… Mặt khác, ngành công nghiệp robot cũng sẽ không ngừng mở rộng và tạo ra thêm ngày càng nhiều việc làm.
Bà Kragic tỏ ra nghi ngờ giả thuyết về khả năng một ngày nào đó robot sẽ phản lại con người. Một cuộc nổi loạn của robot- đó ắt hẳn là một bối cảnh khoa học viễn tưởng tuyệt vời cho …phim ảnh. Và điều đó buộc chúng ta phải suy nghĩ một cách thức nào đó để kiềm chế các robot, ví dụ như Three Rules of Robotics (ba điều luật về Robot học ) của tác giả Isaac Asimov. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng, con người cũng có những điều luật nhưng cũng chính con người có thể phá vỡ những điều luật đó. Không có ai đảm bảo sự an toàn 100% (kể cả khi được sự bảo trợ của pháp luật) và điều đó cũng có thể xảy ra với các cỗ máy.
Bối cảnh con người nổi loạn chống lại robot xem chừng có nhiều khả năng xảy ra hơn. Điều đó sẽ chỉ ra rằng, dù thái độ đối với các thiết bị tự động hóa của xã hội đã được tiến triển qua nhiều thế hệ, nhưng mâu thuẫn về việc con người có quyền “đóng vai Chúa” hay không thì vẫn còn tiếp diễn. Sẽ có những người thừa nhận và cũng sẽ có những người chống đối lại điều đó. Thế nhưng việc đẹp trai … à không , tạo ra một con người có gì là sai ? Có lẽ cái sai của chúng ta là đã được nuôi lớn trong một xã hội cho rằng đó là điều đó không đúng, là “đóng vai Chúa” hoặc bất cứ thứ gì tương tự như thế.
“ Những thế hệ kế tiếp có thể sẽ có cái nhìn khác hơn”, bà Kragic kết luận.
Tìm hiểu thêm về dự án Human Brain Project:
[vimeo link=”http://vimeo.com/53109450″ width=”590″ height=”332″]
Người dịch: Trungmaster, theo Sciencedaily