Bài hôm nay VietFuji sẽ giới thiệu với các bạn về một người Nhật say mê với việc chế tạo Robot và cũng đang rất thành công trong lĩnh vực này, anh Takahashi Tomotaka . Bài viết được tổng hợp dựa trên bài phát biểu của anh tại hội nghị về “Công nghệ tương lai” được tổ chức tại Nagoya ngày 4/3/2014.
Tiểu sử
Takahashi sinh ra tại thành phố Osaka vào ngày 27/3/1975, hồi còn nhỏ được nuôi dưỡng tại Canada. Sau khi tốt nghiệp trường đại học Ritsumeikan năm 1998, anh đã được nhiều công ty nhận vào làm việc , tuy nhiên công ty anh ưng ý có nhiều vấn đề hoạt động kinh doanh. Niềm say mê với việc chế tạo robot đã khiến anh suy nghĩ lại về con đường tiến thân của mình. Bỏ ra một năm theo học trường dự bị năm 1999 anh thi đỗ vào ngành công của trường đại học Kyoto. Dám theo đuổi ước mơ của mình Takahashi đã học đại học 2 lần và anh chính thức rời trường đại học sau 8 năm đèn sách.
Hiện tại mặc dù còn rất trẻ nhưng hiện tại anh đang làm giám đốc công ty ROBO GARAGE, giảng viên đặc nhiệm của trường đại học Tokyo, giảng viên trường đại học Osaka Denkitsusin, đại học Fukuoka và đồng thời là cố vấn cho nhiều cơ quan tổ chức liên quan tới việc nghiên cứu và sản xuất robot. Takahashi đã trở nên quen thuộc trong giới sản xuất Robot khi anh liên tục cho ra mắt những chú robot “siêu” tiết kiệm năng lượng. Trong project quảng cáo EVOLTA của Panasonic, chắc hẳn giới công nghệ sẽ không thể quên được hình ảnh chú robot leo núi bé nhỏ đã lập kỷ lục thế giới khi leo được 530.5m chỉ với một quả pin khô. Không dừng ở đó, Takahashi tiếp tục với những thử thách mới và một lần nữa anh làm cả giới công nghệ xúc động với chú robot đạp xe bền bỉ suốt 24 giờ với “lương thực” cũng chỉ là một quả pin khô.
Tiếp sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về suy nghĩ của anh liên quan tới ngành sản xuất Robot
1. Xuất phát từ ý tưởng của bản thân, không đi theo lối mòn
Anh Takahashi chia sẻ về những khó khăn khi bắt tay vào lĩnh vực sản xuất robot. Vốn dĩ từ hồi còn là học sinh tiểu học anh đã say mê với cuốn chuyện tranh Astroboy và mong muốn tự chế tạo cho mình những chú robot. Vì vậy khi học tại trường đại học Kyoto, anh cũng đã tự mày mò và chế tạo ra những chú robot theo ý tưởng cá nhân, kể cả sau này khi thành lập công ty anh cũng không chế tạo robot theo đơn đặt hàng. Chia sẻ về những khó khăn trong cách làm đậm tính cá nhân “nhất quyết không chịu làm theo đơn hàng” anh có nói “với cách làm này bạn sẽ phải tự bỏ tiền ra trước và cá cược với sự thành bại, nhưng bù lại bạn sẽ có sự đam mê với những sản phẩm hoàn toàn theo mong muốn của mình. Rủi ro sẽ lớn nhưng khi bạn có thể đưa những sản phẩm phù hợp với xu thế thị trường có khả năng chú robot của bạn sẽ trở thành sản phẩm mang tính đột phá”. Quả là với cách làm mang phong cách cá nhân, đi ngược lại lối mòn này chứa đựng nhiều rủi ro nhưng anh đã thành công, có lẽ vì sự đam mê và những tài năng thiên bẩm trong lĩnh vực robot của mình.
2. Tôi khởi đầu với một công ty không có nhân viên
Nghe có vẻ hơi lạ đối với công ty sản xuất Robot nhưng đó lại là sự thật trong trường hợp của anh Takahashi. Năm 2003 sau khi tốt nghiệp khoa vật lý cơ học đại học Kyoto anh đã thành lập công ty Venture mà nhân viên và giám đốc chỉ là một người duy nhất. Nhận được sự hỗ trợ từ trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của trường anh theo học, đồng thời kết hợp với số tiền thưởng “kếch xù” khi anh tham gia vào các cuộc thi sáng tạo robot và cuộc thi ý tưởng cho những chú robot, anh đã có đủ tiền cho việc vận hành công ty theo đúng nghĩa của riêng mình. Chia sẻ về điều này, anh có nói việc lập công ty với nhiều nhân viên đồng nghĩa với việc anh sẽ phải làm giám đốc, vì vậy anh sẽ phải chia lượng thời gian ít ỏi của mình cho việc quản lý nhân viên do đó anh sẽ không có nhiều thời gian cho việc đắm chìm trong việc chế tạo robot, đó là chưa kể anh sẽ phải trả lương cho những nhân viên của mình. Anh vui vẻ kể về những ngày đầu mở công ty. Một lý do nữa khiến anh quyết định lập công ty một thành viên là khi hoạt động theo hình thức này anh dễ dàng tiếp cận tới những sự giúp đỡ của những công ty lớn hơn, và sự thật anh đã có được sự giúp đỡ từ các ông lớn như Toyota hay Panasonic.
3. Chế tạo robot quan trọng là phải có mục tiêu rõ ràng
Chắc hẳn những ai say mê với việc chế tạo robot đều không thể quên được chú robot VisiON trong cuộc thi ROBO CUP được tổ chức tại Mỹ, 6 lần tham gia chú robot đá bóng của anh đã 5 lần vô địch liên tiếp. Sức mạnh của chú robot một lần nữa khẳng định vị thế số một của Nhật về lĩnh vực đầy tính sáng tạo này. Chia sẻ về điều này anh có nói, đối với robot đá bóng việc làm thế nào để chặn bóng (thủ môn) và làm thế nào để đá được quả bóng vào khung thành (robot tiền đạo) đã được vạch ra rất rõ ràng vì vậy việc chế tạo trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Trong chế tạo robot càng có mục tiêu rõ ràng cụ thể thì việc chế tạo càng trở nên đơn giản.
Quá trình làm ra những chú robot của anh cũng hết sức thú vị. Không có hình vẽ mô phỏng trên các phần mềm 3D, với bất kỳ chú robot nào anh đều bắt đầu với những ý tưởng và vẽ phác thảo qua bằng bút chì. Anh có nói, những chú robot được vẽ hình mô phỏng hay xây dựng trên 3D chỉ phù hợp với những đội nghiên cứu những chú robot đặc thù, việc làm ra những chú robot mang phong cách cá nhân sẽ gặp khó khăn nếu dựa vào những khối hình 3D cứng rắn ấy. Vậy quá trình chế tạo robot của anh là gì?
Rất đơn giản anh nói, tôi bắt đầu với bản vẽ phác thảo và sau đó bắt tay vào chế tạo thân hình robot bằng cách chế tạo từng bộ phận một. Những vật liệu anh dùng là nhựa, gỗ thậm chí là những bộ phận bỏ đi của máy hút bụi… Nhựa và gỗ là những vật liệu dễ tạo hình cắt gọt nên dễ dàng thay đổi hình dáng. Sau khi hoàn thành những chi tiết (thông thường một chú robot cần tới hàng chục chi tiết riêng lẻ) anh bắt đầu lắp ghép chúng lại và tạo hình 3D cho chúng. Ưng ý hay không chính là ở giai đoạn này, sai thì sửa quá trình được lặp đi lặp lại cho tới khi chú robot trở thành hình dạng mà anh mong muốn. Anh tâm đắc và giới thiệu với mọi người về chú robot FT có hình dáng của một thiếu nữ, rất uyển chuyển và đầy sức hấp dẫn trong màn biểu diễn như một người mẫu thời trang.
FT cô người mẫu Robot (Nguồn: rawfish)4. Robot của Nhật khác với Robot của Âu-Mỹ
“Nói đến robot người ta nói tới Nhật và khi nói tới Nhật ta liên tưởng tới Robot”. Điều đặc biệt những chú robot của Nhật có vị trí nằm giữa con người và máy móc. Chúng ta có thể thấy được rõ điều này qua những tập truyện tranh Doremon, Astroboy… Ngược lại tại các nước Âu-Mỹ, robot được đặt ở hai cực giống người thì giống hẳn, giống máy thì giống hẳn, tức là có sự phân biệt hết sức rõ ràng. Sự khác biệt này có lẽ được lý giải bởi sự khác nhau về văn hóa. Giới trẻ Nhật Bản đã nhận những ảnh hưởng từ những bộ phim hoạt hình, những tập truyện tranh về robot ngay từ những năm là học sinh tiểu học.
Không phải ngoại lệ, Takahashi cũng là một fan cuồng của tập truyện Astroboy và con đường đến với robot cũng được bắt đầu từ những tập truyện tranh ấy. Anh cũng chia sẻ, Nhật có được sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp robot như hiện nay là nhờ vào sức mạnh trong ngành sản xuất. Cũng giống như máy tính Robot cũng có hai phần, phần cứng và phần mềm. Nói tới Nhật không có quốc gia nào có thể theo kịp trong lĩnh vực hardware (phần cứng) nhưng nếu nói về software (phần mềm) thì đây lại là điểm yếu của Nhật. Anh có nói nếu đề bài là tự nghĩ ra một chú robot hoàn toàn mới thì Nhật sẽ không hề thua ai nhưng đề bài là chế tạo phần mềm cho những chú robot có sẵn thì Nhật thua thảm hại các nước như Singapore hay Mỹ.
5. Sản phẩm không đơn thuần được tạo ra từ nhu cầu sẵn có
Trước đây ngành sản xuất có được sự phát triển là nhờ đi sâu vào khai thác thị trường sẵn có. Công ty khi muốn sản xuất một sản phẩm nào đó sẽ đi vào tìm hiểu xem hiện tại khách hàng đang gặp khó khăn gì, làm thế nào để sản phẩm làm ra trở nên tiện lợi hơn và người dùng dễ sử dụng hơn, từ những ý tưởng ấy các công ty sẽ tìm cách để tạo ra những sản phẩm mới, cải thiện để làm hài lòng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên từ giờ trở đi, quá trình sản xuất sẽ dần chuyển sang một giai đoạn mới sẽ không đi từ việc tìm hiểu khách hàng mà là tạo ra sản phẩm và lôi kéo khách hàng, hay nói cách khác là tự tạo ra nhu cầu cho sản phẩm.
Việc sản xuất robot cũng hoàn toàn tương tự. Khác với những chú robot làm việc trong nhà máy được sản xuất theo những đơn hàng, những chú robot trong tương lai sẽ là những sản phẩm giống như chiếc iPhone hiện tại. Ai cũng muốn có vì nhà sản xuất đã biết tạo ra “sự thích thú” cho khách hàng thay vì đuổi theo những đòi hỏi của những khách hàng truyền thống. Muốn làm được điều này anh Takahashi có nói việc sản xuất phải xuất phát từ “cái tâm biết chơi” tức từ những niềm say mê mà mình theo đuổi, từ đó giới thiệu tới đông đảo công chúng, tiếp cận khách hàng sao cho sản phẩm được phổ cập với công chúng, bước tiếp theo mới là sản xuất, cuối cùng khách hàng có thể tự do sử dụng sản phẩm theo sở thích của mình.
6. Sau iPhone sẽ là Robot, dự đoán iPhone 9 sẽ có đầu và tay chân
Hiện tại chiếc iPhone đã trở nên quá đỗi quen thuộc với chúng ta, mỗi lần đưa ra mẫu mới chiếc iPhone lại được trang bị những chức năng hết sức hấp dẫn người dùng nhưng những chức năng của một chiếc “máy” đã chuẩn bị đến giới hạn. Tiếp theo sau đó sẽ là sự ra đời của những chú robot. Tất nhiên với giao diện như hiện tại của iPhone con người có thể kết nối được với thiết bị điện trong gia đình, thiết bị an ninh, thông tin, phương tiện đi lại, kết nối con người với con người nhưng chiếc iPhone vẫn không hơn không kém nó chỉ là một cái máy mà thôi. Vậy nấc tiếp theo mà con người hướng tới sau sự tiện ích là gì? Đó chính là Humanity (nhân tính), không đơn thuần là một chiếc máy tiện ích, con người sẽ dần đòi hỏi những thiết bị thông minh nhưng lại gần gũi với mình không có gì khác đó chính là robot. Đó cũng chính là lý do iPhone 9 có thể sẽ có đầu và tay chân.
Gần đây chúng ta đã bắt đầu nghe tới sự thâm nhập thị trường robot của những ông lớn. Amazon với ý định sử dụng robot cỡ nhỏ vào vận chuyển bằng đường không, Google mua hàng loạt các công ty Venture của các trường đại học của Nhật, Softbank từ một nhà mạng cũng bước chân vào thị trường robot, tất nhiên Toyota, Honda cũng không ngừng đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển robot theo những hướng khác nhau.
Theo anh Takahashi dự đoán trong 10 năm tới, những chiếc iPhone sẽ dần được thay thế bằng những chú robot, thời đại mỗi người một chú robot đang dần tiến tới, vậy bạn có ý tưởng gì cho một tương lai mới này hay không?
__________________________________________________________________________________________________________________
Tổng hợp từ hội nghị “Công nghệ tương lai – Nagoya 04/3/2013”
Thực hiện : Nguyễn Sinh Côn