Trái tim tự điều tiết nhân tạo đầu tiên được thử nghiệm trên người bệnh

Ngày thứ 4 tuần trước (18/12) tại Paris, một người đàn ông 75 tuổi đã chính thức trải qua cuộc phẫu thuật để ghép một trái tim nhân tạo. Tất nhiên, điều đó cũng không hẳn là điều gì quá mới mẻ, khi những thiết bị tương tự cũng đã được sử dụng khá nhiều kể từ đầu thập niên 80. Trong thường hợp này, Carmat là trái tim mô phỏng sinh học nhân tạo đầu tiên được cấy ghép vào cơ thể người. Theo bác sĩ phẫu thuật tim Alain Carpentier- người sáng chế ra trái tim này, thì nó là trái tim nhân tạo đầu tiên trên thế giới có khả năng tự điều tiết.

Cụm từ “tự điều tiết”, có nghĩa là trái tim này có khả năng tự tăng hoặc giảm tốc độ đập dựa trên các yêu cầu sinh lý từ người bệnh. Ví dụ, khi người bệnh thực hiện các hoạt động thể chất mạnh, thì chỉ trong khoảnh khắc, trái tim sẽ phản ứng và đập nhanh hơn. Điều này được thực hiện nhờ các cảm biến thu nhỏ được gắn trong Carmat, và các thuật toán độc quyền được xử lý bởi một vi xử lý tích hợp.Phần lớn các trái tim nhân tạo hiện nay chỉ có thẻ hoạt động ở một nhịp cố định. Điều đó đồng nghĩa với việc các bệnh nhân hoặc là phải tránh xa các hoạt động nặng, hoặc chấp nhận bị khó thở hoặc mệt mỏi chỉ sau một thời gian ngắn.

Theo nhật báo Reuters, mặc dù Carmat có kích thước khá tương đồng với trái tim của một người trưởng thành trong tự nhiên, thế nhưng thực tế thì nó vẫn khá lớn. Do đó, Carmat có thể được ghép vào trong cơ thể của 86% nam giới, nhưng đối với nữ giới thì con số chỉ còn 20%. Công ty sản xuất Carmat hiện vẫn đang phát triển mẫu sản phẩm nhỏ hơn để khắc phục điều này. Ngoài ra trái tim nhân tạo này cũng nặng hơn trái tim thực khoảng 3 lần, xấp xỉ 900 grams.

carmat-2
Hình ảnh mặt cắt cho thấy bên trong của trái tim nhân tạo Carmat (Nguồn: Gizmag)

Năng lượng để cho trái tim hoạt động được cung cấp từ một bộ pin lithium-ion được bệnh nhân đeo bên ngoài và một bộ pin nhiên liệu bên trong. Theo các nhà sản xuất, trái tim có thể hoạt động liên tục trong ít nhất 5 năm (khoảng 230 triệu nhịp đập) dù là với thử nghiệm trên người đầu tiên này. Thành công hay thất bại sẽ được kết luận dựa trên việc trái tim này có thể giúp người bệnh sống sót trong ít nhất một tháng hay không. Cần phải nói thêm rằng, người tính nguyện tham gia cuộc phẫu thuật hiện đang ở trong giai đoạn cuối của bệnh suy tim.

Người bệnh nhân cô độc này được cho biết là đã hồi phục sau quá trình chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Georges Pompidou European Hospital tại Paris, và có thể nói chuyện bình thường. “Chúng tôi thực sự rất vui mừng với lần cấy ghép đầu tiên này, mặc dù vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận dựa trên một cuộc phẫu thuật riêng lẻ. Và chúng ta vẫn còn đang trong giai đoạn hậu phẫu,” CEO của Carmat Marcello Conviti cho biết.

Giả sử các thử nghiệm diễn ra tốt đẹp, Carmat sẽ được thương mại hóa ở Liên Minh Châu Âu vào đầu năm 2015, với giá từ 140,000 đến 180,000 euros.

Giáo Sư Carpentier đã hợp tác với công ty hàng không vũ trụ EADS của Pháp để phát triển trái tim này.


Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan