TPP và ảnh hưởng tới Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước đang tiến hành các buổi hiệp nghị để tham gia vào Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương hay viết tắt là TPP (Trans-Pacific Partnership). Không chỉ Việt Nam, còn có 11 nước khác là Malaysia, Úc, Chile, Bruney, Mỹ, New Zeland, Peru, Singapor, Mexico, Canada và Nhật Bản cũng tích cực tiến hành hội thảo các vấn đề xung quanh TPP. Vậy, TPP là gì, việc tham gia TPP sẽ có tầm ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam? 

Các nguyên tắc cơ bản trong TPP

TPP là viết tắt của Trans-Pacific Partnership, tức Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương. TPP được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản là: “Bãi bỏ thuế quan”, “Thống nhất các hệ thống luật liên quan”.

Thông thường, các sản phẩm  sẽ chịu một khoản thuế nhất định khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu và mỗi quốc gia đều có chế độ kiểm tra sản phẩm riêng. Tất nhiên, các dịch vụ và các luật liên quan tới đầu tư cũng rất khác nhau giữa mỗi nước. Và TPP là hiệp định trong đó trên nguyên tắc yêu cầu các nước tham gia phải bãi bỏ toàn bộ các khoản thuế quan xuất nhập khẩu nêu trên nhằm đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông nhanh chóng giữa các quốc gia tham gia, và còn yêu cầu thống nhất các hệ thống hay luật liên quan tới dịch vụ, an toàn thực phẩm, y tế, việc làm, đầu tư…

Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định và tổ chức kinh tế khác nhau, trong đó có thể kể tới FTA, PTA, và WTO…nhưng, TPP có một điểm khác đó là, nếu là FTA hay PTA, các sản phẩm mang tầm quan trọng ảnh hưởng tới kinh tế quốc gia có thể được xem xét và loại ra khỏi các điều khoản liên quan trong hiệp định chung. Nhưng, TPP yêu cầu chặt chẽ hơn rất nhiều, hiệp định yêu cầu tất cả các sản phẩm đều phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản nêu trên.

Hơn nữa, TPP không chỉ yêu cầu bãi bỏ các thuế quan đối với sản phẩm, nó còn yêu cầu thống nhất chung giữa các nước tham gia trên rất nhiều mặt như về kiểm dịch an toàn thưc phẩm, các tài sản trí tuệ liên quan tới sản xuất thuốc men, đầu tư, dịch vụ, ngân hàng…

Thách thức đối với nền nông nghiệp 

Việt Nam đang tham gia đàm phán gia nhập TPP, có thể nói đây là một thách thức to lớn với nền nông nghiệp của nước ta.

Tuy Việt Nam là một nước có ưu thế về nông nghiệp nhờ giá nhân công vô cùng rẻ mạt và tài nguyên đất nông nghiệp rộng lớn. Tuy nhiên, không phải không có lý do mà sản phẩm nông nghiệp của chúng ta vẫn cứ “lẹt đẹt” mãi trong khu vực. Hầu hết, các sản phẩm nông nghiệp của ta không có mặt được trên bàn ăn của các gia đình của các nước phát triển như Nhật Bản. Một phần lý do là do chính sách bảo hộ nông nghiệp, yếu tố văn hóa của nước sở tại, một phần lý do là vì chúng ta không vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe về thực phẩm. TPP mở ra cánh cửa để hàng hóa nông nghiệp giá rẻ của chúng ta có thể xuất sang nước khác với giá cả vô cùng cạnh tranh. Nhưng, nó cũng yêu cầu chúng ta phải cải thiện năng suất cũng như nâng cao chất lương sản phẩm nông nghiệp. Đối với hình thái canh tác của chúng ta hiện tại, với kiểu canh tác mang tính nhỏ lẻ, không có một quy chuẩn thống nhất nào quy định cho chất lượng sản phẩm thì chúng ta sẽ rất khó khăn để phát triển thế mạnh của mình. Nhất là trong khi các thị trường như Nhật Bản hay Mỹ vốn đều có yêu cầu cao về các quy định liên quan tới an toàn thực phẩm. Tham gia TPP là thử thách để chúng ta cải thiện lại hình thái nông nghiệp quốc gia.

Tuy nhiên, nếu đứng trên mặt lợi ích của người nông dân, chúng ta khó có thể nói rằng, tham gia TPP sẽ giúp người dân giàu lên. Bởi vì, thuế quan cũng chính là tấm khiên bảo vệ duy nhất quyền lợi của người nông dân. Thuế quan là nguồn thu nhập rất quan trọng của đất nước. Thế nhưng, nếu nhìn vào giá gạo một số năm gần đây, chúng ta không thể nào nhìn thấy được, việc gia nhập TPP sẽ làm giá gạo tăng, vậy thì, người dân được lợi từ đâu ?

Biến động giá gạo trong các năm vừa qua. Nguồn: http://nocs.myvnc.com/
Biến động giá gạo trong các năm vừa qua. Nguồn: http://nocs.myvnc.com/

Nếu Việt Nam tham gia TPP, thử thách đặt ra cho chúng ta là:

* Thay đổi hoàn toàn phương thức canh tác nông nghiệp.

*Vừa giảm được giá thành sản xuất, vừa giữ được mối lợi cho người nông dân.

Tài sản trí tuệ trong sản xuất

Bản quyền trí tuệ trong sản xuất là một trong những vấn đề được các nước phát triển quan tâm nhất trong quá trình đàm phán TPP. Các nước như Mỹ hoặc Nhật yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo hộ tài sản trí tuệ trong sản xuất. Điều này sẽ khiến việc các nước đang phát triển gặp khó khăn trong quá trình sản xuất ra những máy công cụ, phương tiện sản xuất mới và có nguy cơ bị phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà sản xuất nước ngoài.

Nếu nhìn vào quá trình phát triển của Nhật Bản, họ đã từng đi mua những máy sản xuất tại Mỹ về, tháo ra và học hỏi công nghệ mới, từ đó áp dụng vào hoàn cảnh đất nước, tạo ra các loại máy sản xuất nội địa giá rẻ, và giúp đất nước phát triển. Nhưng, tham gia TPP vào thời điểm này, đối với một đất nước còn đang trong quá trình phát triển, cần tự xây dựng các công ty sản xuất máy công cụ nội địa như Việt Nam, việc kiểm tra nghiêm ngặt trong việc bảo hộ tài sản trí tuệ như một lưỡi dao gần cổ khiến các công ty dạng này khó có cơ hội phát triển. Các “ngón đòn” trong việc sử dụng “quyền bảo vệ tài sản trí tuệ” vốn được các nước tiên tiến áp dụng như một vũ khí trong việc kìm nén sự phát triển của các nước khác từ lâu. Và trong trường hợp này cũng không ngoại lệ.

Tham gia TPP có thể là cơ hội, nhưng trong đó chắc chắn tiềm ẩn nhiều thách thức, và nếu không thể vượt qua, có thể sẽ là mối nguy hại cho nền kinh tế của chính đất nước.

 


Nguyễn Xuân Truyền

Tham khảo: Nocs.myvnc, Think-TPP


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan

2 thoughts on “TPP và ảnh hưởng tới Việt Nam”

  1. xuantruyen

    Cảm ơn anh,em cũng rất quan tâm tới TPP nhưng chưa tìm hiểu kỹ. Khi nào em hiểu rõ hơn được thì sẽ có bài chi tiết và lập luận chặt chẽ hơn ạ.

  2. Quang Hưng

    Cám ơn Truyền.

    Tham gia TPP có lẽ sẽ là 1 vấn đề trọng đại với VN, nó có thể kéo theo những thay đổi không ngờ về mặt xã hội, kinh tế, chính trị. Đáng buồn là TPP hầu như rất ít được đem ra bàn thảo ở VN.

Comments are closed.