Theo các bạn thì quản trị là những gì học từ thực tại hay sách vở? Học từ bạn bè hay tích lũy từ bản thân? Đó là học từ quá khứ hay vấn đề hiện đại? Nhiều nhà quản trị thường hay quên mất rằng một trong những cách học tốt nhất là học từ quá khứ. Những người bênh vực cho tư tưởng hiện đại thì cho rằng lịch sử không liên quan gì đến vấn đề mà các nhà quản trị đang phải đối phó hiện nay, nhưng thực ra các nhà quan trị ngày nay vẫn dùng những kinh nghiệm và lý thuyết quản trị đã hình thành trong lịch sử và nghề nghiệp của mình.
Quả không sai khi nói rằng quản trị cùng tuổi với văn minh nhân loại. 5000 năm trước công nguyên người Sumerian (vùng Iraq hiện nay) đã hoàn thiện một hệ thống phức tạp những quy trình thương mại với hệ thống cân đong. Người Ai Cập thành lập nhà nước 3000 năm trước công nguyên và những kim tự tháp là dấu tích cho thấy trình độ kế hoạch, tổ chức, kiểm soát. Người Trung Hoa cũng có những định chế chính quyền chặt chẽ cho thấy một trình độ tổ chức cao. Châu Âu, những kỹ thuật và phương pháp quản trị bắt đầu được áp dụng trong kinh doanh từ thế kỉ 16, khi thương mại phát triển mạnh. Trước đó trình độ quản trị gói gọn ở quy mô nhỏ, lý thuyết quản trị chưa được phát triển mạnh.
Đến thế kỉ 18, cuộc cách mạng công nghiệp với sự ứng dụng của máy móc cơ khí đã chuyển sản xuất từ phạm vi gia đình sang nhà máy. Đây là những hình thức tổ chức sản xuất khác hẳn với tổ chức sản xuất trong gia đình. Quy mô và độ phức tạp gia tăng, việc nghiên cứu quản trị bắt đầu trở nên cấp bách. Nhưng sự chú ý cũng chỉ tập trung vào khía cạnh kĩ thuật sản xuất hơn là nội dung của hoạt động quản trị.
Đến thế kỉ 19, mối quan tâm của những người trực tiếp quản trị các cơ sơ sản xuất kinh doanh và của những nhà khoa học đến các hoạt động quản trị mới thực sự bùng phát. Robert Owen đã đặt nền móng cho các công trình nghiên cứu quản trị. Và Federic W. Taylor ở thế kỉ 20 đã phát triển lý thuyết quản trị hiện đại.
A. Các lý thuyết cổ điển về quản trị
Các lý thuyết cổ điển về quản trị là thuật ngữ được dùng để chỉ những ý kiến về tổ chức và quản trị được đưa ra ở châu Âu và Hoa Kỳ vào những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.
Trong quá trình hình thành các lý thuyết cổ điển có công đóng góp của rất nhiều tác giả. Nhìn chung có thể đưa ra 2 dòng lý thuyết quản trị cổ điển chính: “Lý thuyết quản trị học” và “Lý thuyết quản trị hành chính quan liêu”.
1. Lý thuyết quản trị học
Có rất nhiều tác giả viết về dòng lý thuyết này. Chẳng hạn như Charles Babbage (1792-1871): Ông là một nhà toán học người Anh tìm cách tăng năng suất lao động. Cùng với Adam Smith ông chủ trương chuyên môn hóa lao động, dùng toán học để tính toán cách sử dụng nguyên vật liệu tối ưu nhất. Ông cho răng, các nhà quản trị phải nghiên cứu thời gian cần thiết để hoàn thành một công việc đưa ra việc thưởng cho những công nhân vượt tiêu chuẩn. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra phương pháp chia lợi nhuận để duy trì quan hệ giữa công nhân và người quản lý.
Frank & Lillian Gilbreth: Frank B. Gilbreth (1868-1924) và Lillian m. Gilbreth (1878-1972) là những người tiên phong trong việc nghiên cứu thời gian – động tác và phát triển lý thuyết quản trị khác hẳn Taylor. Hai ông bà nghiên cứu động tác làm việc của những người thợ nề đã cho thấy rằng, có nhiều cử động của họ (cúi, với, khom lưng, cầm bay san vữa) có thể kết hợp lại hay loại bỏ dựa trên quá trình nghiên cứu và quan sát này hai ong bà đã phát triển 1 hệ thống các thao tác để hoàn thành 1 công việc và đưa ra 1 hệ thống xếp loại bao trùm các động tác như cách nắm đồ vật… hệ thống các động tác khoa học nêu lên những tương quan giữa loại động tác và tần số với sự mệt nhọc trong lao động, xác định những động tác dư thừa làm phi phạm năng lực, loại bỏ những động tác dư thừa, chú tâm vào những động tác thích hợp giảm mệt mỏi tăng năng suất lao động.
Henry L. Gantt (1861-1919): Ông vốn là một cộng tác viên gần gữi với Taylor và là một kĩ sư chuyên về hệ thống kiểm soát trong các nhà máy. Cũng như Taylor và 2 vợ chồng Gillbreth, ông quan tâm đến những vấn đề về nâng cao năng suất lao động ở cấp phân xưởng. Đóng góp quan trọng của ông đó là sơ đồ mô tả dòng công việc cần để hoàn thành 1 nhiệm vụ, vạch ra những giai đoạn của công việc theo kế hoạch, ghi cả thời gian hoạch định và thời gian thực sự. Ngày nay, sơ đồ này được mang tên ông và được sử dụng rộng rãi. Ông tin rằng trình độ nghề nghiệp là tiêu chí duy nhất để thực hiện quyền lực và rằng, các nhà quản trị có nghĩa vụ đạo lý là ra những quyết định bằng phương pháp khoa học chứ không phải theo cảm nghĩ của mình. Ông cũng mở rộng phạm vi của quản trị khoa học bằng việc đưa vào công việc của các nhà quản trị một mục dành riêng cho việc phân tích.
Tuy nhiên đại diện ưu tú nhất cho trường phái này là Frederick Winslow Taylor (1856-1915) được gọi là “cha đẻ” của phương pháp quản trị khoa học. Tên gọi của lý thuyết này xuất phát từ nhan đề trong tác phẩm của Taylor “Principles of scientific management” xuất bản lần đầu ở Mỹ vào năm 1911. Theo kinh nghiệm quản trị của mình ở các xí nghiệp, nhất là các xí nghiệp luyện kim ông đã nêu ra 4 nguyên tắc quản trị khoa học như sau:
+ Phát triển khoa học thay thế phương pháp kinh nghiệm cũ cho từng yếu tố công việc của mỗi người.
+ Tuyển chọn một cách khoa học, huấn luyện, dạy và bồi dưỡng công nhân (trước kia công nhân tự lựa chọn công việc cho mình và ra sức tập luyện)
+ Hợp tác với công nhân để đảm bảo chắc chắn rằng, mọi việc đều được làm đúng theo khoa học và đã được phát triển.
+ Thừa nhận rằng, hầu như bao giờ cũng có sự chia đều công việc và trách nhiệm giữa những nhà quản trị và công nhân. Những nhà quản trị đảm nhận tất cả những công việc thích hợp với mình hơn so với công nhân (trước kia gần như toàn bộ công nhân việc và phần lớn trách nhiệm đều phó thác cho các công nhân)
Tóm lại: Trường phái quản trị khoa học có nhiều đóng góp có giá trị cho sự phát triển về tư tưởng quản trị, họ phát triển kỹ năng quản trị qua phân công và chuyên môn hóa quá trình lao động, hình thành qui trình sản xuất dây chuyền. Tuy nhiên, trường phái này chỉ áp dụng tốt trong trường hợp môi trường ổn định, khó áp dụng trong môi trường phức tạp nhiều thay đổi. Tiếp đến, họ quá đề cao bản chất kinh tế và duy lý của con người mà đánh giá thấp nhu cầu xã hội và tự thể hiện của con người, do vậy vấn đề nhân bản ít được quan tâm.
Cuối cùng trường phái này cố áp dụng những nguyên tắc quản trị phổ quát cho mọi hoàn cảnh mà không nhận thấy tính đặc thù của môi trường và họ cũng quá chú tâm đến vấn đề kỹ thuật.\
2. Trường phái quản trị hành chính quan liêu
Trường phái này phát triển những nguyên tắc quản trị chung cho cả một tổ chức. Đây là tên gọi để chỉ các ý kiến về cách thức quản trị xí nghiệp do Max Weber ở Đức và Henry Fayol ở Pháp nêu lên.
Max Weber (1864-1920): Là một nhà xã hội học người Đức, có nhiều đóng góp vào lý thuyết quản trị thong qua việc phát triển một tổ chức “quan liêu” bàn giấy là phương thức hợp lý tổ chức một công ty phức tạp. Những đặc tính về chủ nghĩa quan liêu của Weber là:
+ Phân công lao động rõ ràng và hợp pháp hóa như nhiệm vụ chính thức
+ Các chức vụ được thiết lập theo hệ thống chỉ huy, mỗi chức vụ nằm dưới một chức vụ khác cao hơn
+ Nhân sự tuyển dụng qua thi cử, huấn luyện và kinh nghiệm
+ Các quyết định phải thành văn bản
+ Quản trị tách rời với sở hữu
Henry Fayol (1841-1925): Là một nhà quản trị hành chính người Pháp. Fayol đã đề ra 14 nguyên tắc quản trị như sau:
+ Phải phân công lao động
+ Phải xác định rõ mối quan hệ giưuã quyền hành và trách nhiệm
+ Phải duy trì kỷ luật
+ Mỗi công nhân phải nhận lệnh từ một cấp chỉ huy trực tiếp duy nhất
+ Các nhà quản trị phải thống nhất ý kiến khi chỉ huy
+ Quyền lời chung luôn luôn phải được đặt trên quyền lợi riêg
+ Trả thù lao thỏa đáng
+ Quyền quyết định trong xí nghiệp phải tập trung về một mối
+ Hệ thống thong tin thong suốt
+ Sinh hoạt trong xí nghiệp phải có trật tự
+ Sinh hoạt trong xí nghiệp phải có công bình
+ Công việc của mỗi người trong xí nghiệp phải ổn định
+ Chủ động trong công việc
+ Xí nghiệp phải xây dựng cho được tinh thần tập thể
Hạn chế của trường phái này là các tư tưởng được thiết lập trong một tổ chức ổn định, ít thay đổi, quan điểm chính trị cứng rắn, ít chú ý đến con người và xã hội nên dẫn tới việc xa rời thực tế
<còn tiếp>
Bài báo do độc giả Trịnh Thảo Phương từ Việt Nam đóng góp
Tài liệu tham khảo: Quản trị học: Nguyễn Liên Diệp, Phan Thăng. Quản trị nhân sự: Nguyễn Thanh Hội
Bài viết rất hay và bổ ích
[…] bài trước chúng tôi đã đề cập về các lý thuyết cổ điển về quản trị, bài viết […]