Xây dựng kỹ năng mềm

Từ lâu các phương tiện truyền thông đại chúng của chúng ta đều đang kêu gào rằng sinh viên Việt Nam thiếu kỹ năng mềm trầm trọng. Thế nhưng, tính tới thời điểm hiện tại, rất nhiều sinh viên Việt nam tôi gặp đều không có định nghĩa chính xác về kỹ năng mềm. Họ đều cho rằng, kỹ năng mềm thiên về năng lực quản lý nguy cơ trong cuộc sống, đối phó với sự bất an trong công việc, kỹ năng thuyết trình… Điều này hoàn toàn ngược lại so với phương châm mà kỹ năng “mềm”, cái mà tôi gọi là kỹ năng con người – human skill đòi hỏi.

Kỹ năng mềm mà đa số người nhầm lẫn, đó là họ cho rằng nếu họ giỏi việc thuyết trình, giỏi quản lý nguy cơ, quản lý thời gian cá nhân hay giỏi ngoại ngữ, thì là họ đã có kỹ năng mềm. Nhưng tất cả những thứ đó chỉ là một phần của kỹ năng con người. Kỹ năng mềm rộng hơn, hay kỹ năng con người, đòi hỏi lớn nhất của nó chính là năng lực giao tiếp và làm việc giữa con người và con người. Và thật đáng ngạc nhiên, chỉ cần bạn chú ý một chút là có thể trang bị cho mình kỹ năng này.

Quan niệm sai lầm về kỹ năng mềm
Quan niệm sai lầm về kỹ năng mềm

Phải nói rằng, tất cả các yếu tố như, năng lực quản lý nguy cơ, bất an trong cuộc sống, kỹ năng thuyết trình,… đều chỉ xoay quanh cá nhân bản thân bạn. Thế nhưng, nếu chỉ như vậy thì nó có khác gì nhiều với kỹ năng chuyên môn đâu ?

Bạn cần nhìn nhận lại vấn đề này, xã hội là tổng hòa của các nhân tố, trong đó mỗi con người đều là một nhân tố trong đó. Để thành công, bắt buộc bạn phải hòa hợp với các nhân tố khác trong đó, và để làm được điều đó, kỹ năng con người đóng vai trò tối quan trọng.

Kỹ năng con người ở đây, cụ thể hơn là kỹ năng giao tiếp. Giao tiếp không phải chỉ giúp cho hai bên hiểu vấn đề của nhau, mà còn cần tạo mối quan hệ giữa hai bên, mối thiện cảm cho đối phương.

Ví dụ, trong một công ty có hai nhân viên A, B và một giám đốc C, cả hai nhân viên đều có trình độ chuyên môn cao, nhưng người A lại có cách nói chuyện không để ý tới tâm trạng của giám đốc, trong khi người B kia biết “nói lúc cần thiết và không nói khi không cần thiết” và quan hệ xởi lởi chiếm được cảm tình cấp trên. Chắc chắn người B sẽ dễ thăng tiến hơn người A.

Kể cả cho dù trong trường hợp người B có trình độ kém hơn so với A một chút đi chăng nữa, nhưng trong quá trình làm việc, nhờ quan hệ rộng rãi, thu được nhân tâm mà được chỉ bảo, chắc chắn trình độ của B sẽ tăng dần và có thể vượt qua A.
Nếu bạn thực hiện được những điều dưới đây, bạn sẽ tăng được kỹ năng con người cho chính mình đó:

Kỹ năng con người - con người: Kỹ năng mềm chân chính
Kỹ năng con người – con người: Kỹ năng mềm chân chính

A. Chú ý tới kỹ năng giao tiếp bằng lời nói:

Những lời chào hỏi có thể tuy rất bình thường và tưởng như đơn giản nhưng lại mang tầm quan trọng to lớn. Mỗi khi gặp người khác, việc chào hỏi có thái độ đúng mực, giong nói rõ ràng sẽ làm bạn ghi điểm được trong mắt đối phương. Thông thường, khi các sinh viên mới vào công ty họ đều được chỉ đạo rõ ràng về cách chào hỏi, nhưng dần dần đại bộ phận cảm thấy phiền phức với việc chào hỏi này và thậm chí, một trong số họ không có thái độ đúng mực nữa. Nếu bạn vẫn giữ được thái độ chào hỏi đúng mực, chắc chắn bạn sẽ được nhiều người ưu ái.

B. Báo Cáo – Liên Lạc – Trao đổi

3 năng lực này là cần thiết với tất cả mọi người. Bạn cần biết phải báo cáo vào lúc nào, như thế nào, liên lạc giải quyết vấn đề ra sao, trao đổi như thế nào để nhận được trợ giúp. Thế nhưng, đa phần người tôi đã gặp đều không thực hiện được 3 kỹ năng này một cách chính xác. Hãy đừng xông vào phòng sếp trong lúc ông ta đang bận tối đầu tối mũi xử lý công việc khác. Trong trường hợp này, hãy sử dụng phương pháp báo cáo ngắn gọn qua văn bản, ví dụ như tóm tắt lại sự việc và trình lên để ông ta xem sau.

Hãy đứng trên địa vị người khác để suy nghĩ.

C. Trả lời mạch lạc

Đừng vòng vo vấn đề, việc này sẽ gây ra ấn tượng rất xấu.

D. Biết cách xin lỗi

Hãy mạnh dạn nhận lỗi khi làm sai.

E. Biết quan tâm tới người khác:

Khi thấy người khác bận rộn, thay vì cười trên sự đau khổ của họ, sao bạn không đến lại gần và thử ngỏ lời muốn giúp đỡ. Có thể họ sẽ từ chối, nhưng suy nghĩ về bạn trong mắt họ sẽ trở nên khác hẳn.

Khi bạn đứng trên lập trường người khác và suy nghĩ, bạn đã hoàn thành được một nửa việc trang bị cho mình kỹ năng con người rồi đó.

Một số hành động khác sẽ giúp bạn nhanh chóng tạo cho mình kỹ năng “mềm” :

A. Tập cách xếp thứ tự ưu tiên cho công việc.

B. Tập ghi chép, không hỏi nhiều lần cùng một câu hỏi.

C. Không phạm một sai lầm nhiều lần.

D. Không chờ chỉ thị mà tích cực lập kế hoạch, đưa ý kiến.

E. Đừng tỏ vẻ ra bạn biết trong khi thực sự là bạn không hiểu vấn đề.

F. Cố gắng không nổi quạu lại khi bị chỉ trích.

G. Không tỏ thái độ ra bề ngoài cho dù cảm thấy khó chịu.


Nguyễn Xuân Truyền
Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan

4 thoughts on “Xây dựng kỹ năng mềm”

  1. Nguyen Van Bach

    báo cáo là anh Truyền đã sửa lại rồi nhé^^

  2. mactuen

    báo cáo-liên lạc-tâm sự mà anh Truyền nói trong bài viết theo tiếng Nhật có phải là 報-連-相 không nhỉ!? nếu thế thì em nghĩ nên dịch là báo cáo-liên lạc-trao đổi thì hay hơn.

  3. xuantruyen

    Cảm ơn em 😀 Nhưng anh vẫn thấy nó như mớ bòng bong à =))
    Các anh em cho ý kiến để anh sửa lại với nhé.

  4. Trinh Tran Khanh Duy

    bài viết này chất lượng lắm anh Truyền, đi vào trọng tâm chính với quan điểm rõ ràng và gây hứng thú với người đọc

Comments are closed.