Thần kỳ Nhật Bản (P1): Thoát khỏi trói buộc về tài nguyên

Chắc hắn không ít học sinh, sinh viên Việt Nam đã từng được học câu chuyện liên quan tới “thần kỳ Nhật Bản”. Bị tàn phá trong chiến tranh thế giới II, Nhật Bản còn phải chịu gánh nặng chu cấp cho toàn bộ quân Mỹ chiếm đóng. Kéo theo đó là niềm tin của dân chúng về tương lai đất nước bị dao động sau khi phải đầu hàng không điều kiện quân Đồng Minh. Thế nhưng, Nhật bản đã đứng dậy, đạt được những bước phát triển thần kỳ về kinh tế những năm sau đó. Có thể một số người cho rằng, lý do chủ yếu cho sự phục hồi của Nhật Bản là nhờ vào những đơn đặt hàng quân sự khổng lồ của Mỹ trong hai cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam. Nhưng, cơ hội chỉ là thứ yếu. Nhật Bản, một nước không có tài nguyên nào đáng kể, họ đã làm thế nào để phục hồi lại đất nước? Tôi không được biết. Nhưng, tôi biết họ đang viết một câu chuyện khác. Câu chuyện về ngành sản xuất Nhật Bản đang cố gắng và kiên trì trong việc giảm đi sự trói buộc về tài nguyên, để giữ được ngôi vương trong nền khoa học công nghệ thế giới.  

1. Nhật Bản có bao nhiêu tài nguyên ? 

Tàu siêu trọng chở khí gas LNP của Nhật - http://pds.exblog.jp/
Tàu siêu trọng chở khí gas LNP của Nhật – http://pds.exblog.jp/

Tài nguyên tôi muốn nói tới ở đây là những tài nguyên năng lượng cần thiết cho sản xuất công nghiệp, không tính tới tài nguyên con người, như các loại quặng sắt, than đá, khí đốt, dầu mỏ, tài nguyên nước, địa nhiệt… Thực tế, trong hầu hết những loại trên, Nhật Bản không có tài nguyên nào đáng kể, họ phải dựa vào việc nhập khầu hoàn toàn các loại tài nguyên chính từ nước ngoài. 

Chúng ta có thể kể đến một số tài nguyên chính mà Nhật Bản phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài như:

a. Than đá: Cần thiết để sản xuất điện, sản xuất sắt thép. Sau cú shock dầu mỏ (1973), Nhật Bản ngày càng cần nhiều than đá hơn. Hiện tại, họ nhập khầu hoàn toàn than đá từ nước ngoài: từ Úc chiếm 57%, từ Indonesia chiếm 16%, từ Trung Quốc là 13%.

b. Dầu mỏ: Lệ thuộc vào nhập khẩu 99.7%. Trong đó từ các nước Trung Đông là 90%. Việc nhập khẩu dầu mỏ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tình hình chính trị các nước này.

c. Khí thiên nhiên: Lệ thuộc vào nhập khẩu 96.3%. Được sử dụng trong sinh hoạt ở các hộ gia đình, trong sản xuất công nghiệp và một số nhà máy phát điện. Nhập khẩu nhiều nhất từ Malaysia.

d. Các loại quặng khoáng: Các loại quặng khoáng kim loại lệ thuộc vào nhập khẩu 100%. Nhật bản chỉ có thể tự cung cấp quặng khoáng phi kim như các loại quặng dùng trong xây dựng, sản xuất xi măng. Quặng sắt nhập khẩu nhiều nhất từ Úc (62%), Brazil (21%), Ấn Độ (8%). Quặng nhôm (bauxite) nhập khẩu 100% từ các nước như Ấn Độ (13%), Indonesia (37%) và Úc (45%). Quặng đồng cũng nhập 100% từ các nước: Chile (21%), Úc (10%), Indonesia (19%).

(Dữ liệu tham khảo từ SGK Địa lý Nhật bản).

Dựa trên các dữ liệu trên, ta có thể thấy Nhật Bản là một nước không có nhiều tài nguyên để làm đòn bẩy cho phát triển công nghiệp.

2. Câu chuyện về kim loại hiếm (rare metal)

Kim loại xuất hiện mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta. (Nguồn: www.dowa-ecoj.jp)
Kim loại xuất hiện mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta. (Nguồn: www.dowa-ecoj.jp)

Định nghĩa về kim loại hiếm: Là những chất có số lượng tồn tại rất ít trên Trái Đất, hoặc khó có thể tách ra kim loại tinh khiết từ quặng khoáng, hoặc những chất có tính chất vật lý chưa rõ ràng, chưa được khám phá. Kim loại hiếm gồm 31 chủng loại và 47 nguyên tố khác nhau. Kim loại hiếm đóng vai trò rất quan trọng trong các ngành khoa học kỹ thuật của Nhật bản. Chúng không thể thiếu trong ngành sản xuất ôtô, công nghiệp bán dẫn, sản xuất điện gia dụng.

Ví dụ:

Nikel, Crom, Tungsten, Mangan cần thiết để sản xuất thép đặc thù chịu lực. Indi, đất hiếm (như Xeri) cần để sản xuất màn hình tinh thể lỏng dùng cho tivi, điện thoại. Galium cần cho công nghiệp bán dẫn. Neodymi cần để sản xuất nam châm dùng cho động cơ cỡ nhỏ. Lithium, Cobalt cần cho sản xuất pin điện thoại, máy vi tính, ô tô điện. Tunsgten, Vanadi cần để sản xuất mũi khoan, vật liệu siêu cứng dùng trong gia công. Platin dùng để làm sạch khói thải công nghiệp…

Nhật Bản phải nhập khẩu đất hiếm 100%. Trong đó, 90% sản lượng đất hiếm và Tungsten trên thế giới được sản xuất từ Trung Quốc. 80% lượng Platin , 40% lượng Crom, Pd , 20% lượng Mangan được sản xuất từ Nam phi.

Thế nhưng, kim loại hiếm rất cần thiết cho việc phát triển công nghiệp, và không phải chỉ mỗi Nhật Bản có nhu cầu. Vì vậy, từ những năm 2009 trở đi, Trung Quốc đã bắt đầu thiết lập hàng rào để hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm ra khỏi lãnh thổ. Điều này khiến cho các ngành sản xuất chủ lực của Nhật Bản như điện tử, ôtô, điện gia dụng… vô cùng khốn đốn. Không chỉ Nhật Bản gặp khó khăn, các nước như Mỹ, Liên hiệp EU đã quyết định kiện Trung Quốc lên Tổ chức kinh tế thế giới WTO vì việc giới hạn xuất khẩu đất hiếm.

3. Nhật Bản không đầu hàng.

Phát triển bền vững - bớt phụ thuộc vào tài nguyên là quốc sách của Nhật bản. (Nguồn: omh2013.umin.jp)
Phát triển bền vững – bớt phụ thuộc vào tài nguyên là quốc sách của Nhật bản. (Nguồn: omh2013.umin.jp)

Từ những năm trước khi quy chế xuất khẩu của các nước có lượng sản xuất kim loại hiếm bị thắt chặt, Nhật Bản đã có những quốc sách chiến lược để giải quyết vấn đề này. Việc Trung Quốc giới hạn xuất khẩu kim loại hiếm, chắc chắn đã gây cho Nhật Bản nhiều khó khăn, nhưng, nó cũng gia tốc cho việc phát triển khoa học kỹ thuật của Nhật Bản để thoát khỏi sự lệ thuộc vào tài nguyên – một việc mà người Nhật luôn giỏi hơn các nước khác. Dưới đây tôi xin kể ra một số biện pháp mà Nhật Bản đã và đang tiến hành để thoát khỏi sự lệ buộc về tài nguyên trong việc phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật.

Biện pháp đầu tiên: Nhằm tránh khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc – quốc gia nay đã trở thành đối thủ của Nhật Bản trên chiến trường khoa học công nghệ. Nhật Bản bắt đầu để ý tới các nước cũng có một phần trữ lượng kim loại hiếm để làm đối tác nhập khẩu mới. Trong đó có thể kể tới Ấn Độ,Kazakhstan, Việt Nam,… Theo dự kiến, Ấn Độ trong vòng những năm tới có thể cung cấp tới 14% lượng kim loại hiếm mà Nhật Bản cần. Các nước như Ấn Độ hay Việt Nam vốn có mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản, nên việc xuất khẩu kim loại hiếm bị ảnh hưởng bởi lý do chính trị sẽ khó xảy ra, các nước này cũng sẽ cung cấp cho Nhật Bản nguồn kim loại hiếm ổn định.

Biện pháp thứ hai: Khai thác kim loại hiếm từ đáy biển. Với công nghệ khai thác tài nguyên biển tiên tiến của mình, Nhật Bản đã lần đầu tiên tìm thấy những dấu hiệu trong việc tồn tại một trữ lượng rất lớn tài nguyên kim loại hiếm dưới đáy biển, cách mặt biển khoảng 1 kilomet tại vùng vịnh Okinawa. Chúng ta đều biết rằng, mặt biểm chiếm gần 70% diện tích bề mặt Trái Đất. Và trong tương lai, với công nghệ khai thác tài nguyên dưới biển tiên tiến của mình, Nhật bản có thể trở thành nước xuất khầu tài nguyên!

Biện pháp thứ ba: Thu hồi kim loại hiếm để tái sử dụng. Biện pháp này được đặt trọng tâm trong ngành sản xuất của Nhật Bản. Những kim loại như vàng, bạc, thép được tái chế và sử dụng lại trong các sản phẩm công nghệ của đất nước.  Tuy nhiên, cách này khó có thể áp dụng để thu hồi các nguyên tố thuộc họ đất hiếm, vốn rất quan trọng trong việc phát triển công nghiệp cũng như nền khoa học Nhật Bản.

Biện pháp thứ tư: Tiến hành phát triển kỹ thuật mới không phụ thuộc vào kim loại hiếm. Các kỹ thuật mới của Nhật Bản phát triển chủ yếu nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào kim loại hiếm của nền công nghệ nước này. Và họ đã đạt những thành công nhất định:

Trong công nghệ màn hình tinh thể lỏng, Indium vốn là nguyên tố không thể thiếu. Từ năm 2005, công nghệ mới sử dụng ZnO được giáo sư Yamamoto Tetsuya nghiên cứu và phát triển thành công làm giảm lượng Indium cần thiết sử dụng xuống 45%. Các công ty sản xuất khác của Nhật Bản đang tích cực sử dụng công nghệ mới và hy vọng công nghệ sử dụng ít Indium có thể phổ biến trong vòng 2 năm tới.

Dysprosium vốn được sử dụng trong ngành công nghệ sản xuất ô tô lai (hybrid), Nhật bản đã giảm được lượng dysprosium cần thiết xuống 30%.

Tungsten đã giảm được 30%. Platin cần thiết giảm đi 50%. Cesium giảm đi 50%. Terbi giảm đi 80%.

Với những biện pháp tổng hợp trên, nhất là với việc chúng đều được đưa lên tầm chính sách của quốc gia, tôi chắc chắn rằng, vị trí độc tôn của Nhật Bản trong nền khoa học công nghệ thế giới sẽ còn kéo dài.


Nguyễn Xuân Truyền
Tổng hợp từ SGK Địa Lý Nhật Bản, Nikkei.


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan

2 thoughts on “Thần kỳ Nhật Bản (P1): Thoát khỏi trói buộc về tài nguyên”

  1. xuantruyen

    Bạn comment rất chính xác. Rất cảm ơn bạn đã chỉ trích bài viết của mình. Nhật Bản từng khai thác than đá, nhưng cost performance và tình hình dân số già đi khiến họ gặp khó khăn trong khai thác tài nguyên. Mong bạn sẽ tiếp tục theo dõi báo, và tiếp tục nêu ra ý kiến bản thân. Chúng mình rất hoan nghênh những ý kiến đóng góp như vậy.

  2. KTN

    Bài viết khá hay, tổng hợp chi tiết về tình hình tài nguyên và sử dụng hiệu quả nguồn Tài nguyên của Nhật Bản.
    Trên quan điểm cá nhân của mình, Nhật Bản có bao nhiêu Tài nguyên thì chúng ta hoàn toàn khong biết chắc được vì các số liệu trên SGK đôi khi chưa hẳn đã chính xác. Trong quá khứ, Nhật Bản đã từng khai thác than đá, nhưng các hoạt động khai thác mỏ đã giảm hoặc ngừng hẳn. Còn về KL quý, ko hẳn là Nhật không có chẳng qua là khai thác KL quý sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường trong khi mua về và chế biến đem bán thì có lợi hơn rất nhiều, vừa đảm bảo thu lợi nhuận mà còn không gây ô nhiễm. Thử hỏi một đất nước với địa hình đồi núi và đất hình thành đa phần là đát núi lửa thì nói rằng không cí Kim loại quý có phù hợp hay không?

Comments are closed.