Điện thoại biến hình MorePhone tự uốn để thông báo cuộc gọi

Các nhà nghiên cứu thuộc phòng nghiên cứu Phương Tiện Truyền Thông Con Người (Human Media) của Đại Học Queen đã phát triển một nguyên mẫu điện thoại thông minh (smartphone) có thể sử dụng khả năng thay đổi hình dạng để thông báo cho người sử dụng biết rằng đang có cuộc gọi đến, tin nhắn hay email.

Được xây dựng trên nền tảng màn hình di điện/biến điện  (electrophoretic display – hay còn có tên là màn hình e-ink, để biết thêm chi tiết về màn hình này xin mời đọc link luận văn liên quan ở dưới) uốn dẻo và siêu mỏng sản xuất bởi Plastic Logic, điện thoại MorePhone có thể tự uốn vặn toàn bộ cơ thể của nó để báo hiệu có một cuộc gọi đến, hoặc gấp 3 góc độc lập để báo hiệu một thông điệp đặc biệt nào đó.

Tính năng uốn quăn của MorePhone được cung cấp bởi chuỗi dây hợp kim có khả năng ghi nhớ hình dạng , ép bên dưới màn hình dẻo và sẽ co lại khi có cuộc gọi, tin nhắn hay email đến. Khả năng uốn quăn này cũng có thể được tinh chỉnh bởi người sử dụng, ví dụ cho quăn ở góc phải bên trên để báo hiệu tin nhắn đến hoặc quăn ở góc trái bên dưới để báo hiệu email… Các góc cũng có thể làm quăn và không quăn (co giãn) liên tục để báo hiệu những thông điệp quan trọng (tùy vào độ ưu tiên).

Gập góc trên bên phải để báo hiệu có tin nhắn
Gập góc trên bên phải để báo hiệu có tin nhắn

“ Người sử dụng thường quen với việc nghe chuông điện thoại hoặc cảm nhận điện thoại rung ở chế độ yên lặng” Tiến Sĩ Vertegaal cho biết “ Nhưng một vấn đề của cách thức thông báo ở chế độ yên lặng hiện tại đó là người dùng thường bị lỡ các thông báo khi không cầm điện thoại trong tay. Với MorePhone, người dùng có thể đơn giản ném điện thoại ở trên bàn và quan sát những thay đổi trực quan của hình dạng khi có ai đó đang muốn liên lạc với họ”.

Điện thoại MorePhone được phát triển bởi Antonio Gomes và Andrea Nesbitt, sinh viên của Khoa Máy Tính, dưới sự chỉ dẫn của Tiến Sĩ Roel Vertegaal, trưởng phòng nghiên cứu Phương Tiện Truyền Thông Con Người. Tiến Sĩ Roel Vertegaal cũng là người chịu trách nhiệm của dự án máy tính bảng Paper Tab, và điện thoại thông minh PaperPhone, với tính năng tương đối giống MorePhone, nhưng được xây dựng trên nền tảng màn hình chạm E-ink uốn dẻo của Plastic Logic.

Trong khi Tiến Sĩ Vertegaal dự kiến điện thoại thông minh có thể gập, uốn sẽ đến tay người tiêu dùng trong 5-10 năm tới, thì những khách tham quan của hội nghị ACM CHI2013 (Hội Nghị Tương Tác Con Người- Máy Tính) tại Paris, có thể sẽ nắm bắt chút gì đó khái niệm về điều này khi sản phẩm nguyên mẫu được hé lộ vào tuần này.

Những ai không thể đến hội nghị để thử nghiệm MorePhone thì có thể xem tạm qua video dưới đây.

**Phụ lục***

Giải thích về cách thức hoạt động của màn hình E-ink. Có khá nhiều nguyên lý về hoạt động của màn hình e-ink, nhưng dưới đây tôi xin trình bày nguyên lý cơ bản nhất:

Cấu tạo và nguyên lý màn hình e-ink
Cấu tạo và nguyên lý màn hình e-ink

Màn hình electrophoretic display  thường có cấu tạo gồm 2 điện cực, trong đó có 1 điện cực trong suốt (để quan sát), 1 điện cực bên dưới có thiết kế ma trận điện cực phức tạp và dung dịch điện di ở giữa. Bằng cách sử dụng ma trận động, từng pixel có thể được định nghĩa , chuyển đổi từ cực dương thành cực âm và ngược lại. Dung dịch điện di ở giữa là dung dịch điện di được nạp sẵn các hạt đen (carbon) và hạt trắng (Ti2O), khi có một hiệu điện thế đi qua 2 điện cực (bên trên) sẽ gây ra lực hút tĩnh điện khiến các hạt này di chuyển tạo thành hình ảnh. Khi điện cực ở bên dưới mang dấu dương thì nó sẽ hút hạt đen và đẩy hạt trắng, hạt trắng sẽ phản xạ toàn bộ ánh sáng chiếu tới tạo thành màu trắng. Hiện tượng này ngược lại khi điện cực bên dưới mang dấu âm, hạt đen sẽ hấp thụ toàn bộ ánh sáng tạo thành màu đen.

Vì sử dụng nguyên lý phản xạ ánh sáng nên màn hình e-ink không bị lóa, khó sử dụng dưới ánh sáng mặt trời như các loại màn hình LCD thông thường, tiêu thụ ít năng lượng, kèm độ tương phản tốt .  Độ phân giải của màn hình này cũng không thua kém gì màn hình LCD.

——————————————————————————————————————————–

Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag

Link luận văn về màn hình electrophoretic tại đây

——————————————————————————————————————————–

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan