Trong Kaizen, làm thử quan trọng hơn ngồi nghị luận
Chỉ dùng lời nói có thể không làm người khác hiểu được vấn đề. Nhưng nếu cho họ quan sát hình mẫu thì họ sẽ nhận ra sự khác biệt, cách làm này cũng giúp họ dễ dàng góp ý cho sản phẩm như “sửa chỗ này như thế này thì tốt hơn”.
Cách làm tốt nhất khi có ý tưởng đó là bắt tay vào làm thử. Mọi người sẽ hiểu rõ hơn khi quan sát vật mẫu nên cũng dễ dàng đưa ra câu trả lời “yes” “no” và quan trọng là tạo điều kiện để mọi người góp ý.
Cách làm tệ nhất là chỉ ngồi thảo luận, không tận mắt xác nhận tại hiện trường mà ngồi chỉ trích rồi nói “không thể thực hiện được”. Có ý tưởng thì hãy làm thử, việc phán đoán tốt xấu, đúng hay sai hãy để dành về sau. Cách suy nghĩ này là một phần trong suy nghĩ Genchi – Genbutsu (hiện trường – hiện vật), một trong những kỷ luật thép của phương thức Toyota.
“Suy nghĩ tốt được sinh ra từ sản phẩm tốt, ngược lại sản phẩm tốt cũng sinh ra suy nghĩ tốt. Sản phẩm tốt và suy nghĩ tốt là một thể thống nhất”.
Ông Honda chia sẻ: “Dù là ý tưởng gì thì bắt tay vào làm thử là quan trọng nhất. Sau khi tự mình làm thử, ý tưởng sẽ trở thành một phần của mình. Đừng làm một mình, hãy làm cùng những người bạn. Làm được như thế thì sẽ tuyệt vời hơn đấy”.
Cố gắng biến ý tưởng thành thực tế, chúng ta sẽ nhìn thấy những vấn đề trước đây chưa thấy. Nhìn thấy vấn đề sẽ thúc đẩy chúng ta suy nghĩ “phải làm gì để giải quyết những vấn đề này”. Từ đó, ý tưởng ban đầu tiếp tục được mài giũa. Giả sử có thất bại đi chăng nữa nhưng nếu truy ra “nguyên nhân” thì vẫn có thể tích luỹ được kinh nghiệm quý báu.
Steve Jobs là người cực kỳ ghét việc chỉ ngồi nghe giới thiệu hoặc xem bản vẽ, giấy tờ. Ông thường yêu cầu nhân viên làm các sản phẩm mẫu. Ông nhìn tận mắt, sờ tận tay và cảm nhận, sao đó đưa ra góp ý chỗ nào tốt, chỗ nào có vấn đề cần khắc phục.
Một sản phẩm hoàn hảo ở giai đoạn thiết kế, sau khi làm thử vẫn có thể trở thành một thứ tầm thường. Ví dụ ngược lại, những sản phẩm làm thay đổi thế giới như Iphone, Ipod được sinh ra từ những lần làm thử chứ không phải từ các cuộc tranh luận.
Đừng than thở khi ý tưởng không được chấp nhận, trước tiên hãy lảm thử.
Nguyễn Đăng Vũ
Trích “Nghệ thuật kaizen tuyệt vời của Toyota”