Thay đổi cách làm việc: Học tập cách làm của người Đức

Chính quyền của ông Abe đang dành nhiều nỗ lực vào “cuộc cách mạng lao động” với mục đích làm một cuộc “phẫu thuật” vào việc lao động trong thời gian quá dài của người Nhật, tìm ra các giải pháp nâng cao năng suất lao động. Về điểm này người Đức đã đi trước người Nhật. So với Nhật Bản, thời gian làm việc của người Đức ngắn hơn nhưng hiệu quả công việc lại cao hơn. Tại sao người Đức lại làm được như vậy? Bài viết của nhà báo Kumagai Touru dưới đây sẽ làm sáng tỏ điều này.

Chìa khóa của năng suất lao động cao là thời gian làm việc

Trong lúc đang uống bia cùng một doanh nhân người Nhật đang sống tại Đức, anh ta hỏi tôi: Vì sao thời gian làm việc của người Đức rất ngắn mà nền kinh tế vẫn được vận hành rất tốt?

Tôi đã làm việc ở Đức được 26 năm nhưng đến bây giờ tôi mới cảm thấy ngỡ ngàng trước việc người Đức làm việc ít và thời gian dành cho việc nghỉ ngơi nhiều.

Đức là nước có thời gian làm việc ngắn nhất trong số những nước phát triển trên thế giới. So với Nhật Bản, số ngày nghỉ được hưởng lương của Đức lớn hơn rất nhiều nhưng họ vẫn giữ vững những thành tựu trong phát triển kinh tế.

Thời gian làm việc trung bình một năm (2014)

Đơn vị: giờ

Đức 1371
Hà Lan 1425
Pháp 1473
Anh 1677
Canada 1704
Nhật Bản 1729
OECD 1770
Mỹ 1789
Nga 1985
Hy Lạp 2042
Hàn Quốc 2124
Mexico 2228
Nguồn: OECD

Cũng như Nhật Bản, Đức nhắm vào mục tiêu trở thành một “Cường quốc sản xuất”, khởi xướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bằng việc số hóa sản xuất công nghiệp sẽ thay đổi căn bản diện mạo của hoạt động sản xuất, chế tạo, cắt giảm chi phí, trở thành người dẫn đầu. Nhưng Đức không chỉ là nước có thời gian nghỉ ngơi dài. Kim ngạch xuất khẩu tăng đều đặn hàng năm, năm 2015 Đức là nước có thặng dư thương mại lớn nhất trong số những thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD. Hơn nữa, mức an sinh xã hội hơn hẳn Nhật Bản.

Theo OECD, năm 2014 năng suất lao động (GDP/giờ lao động) của Đức là 64.4 USD, so với 41.3 USD của Nhật thì năng suất lao động của Đức cao hơn 56%.

Lý do khiến cho năng suất lao động của người Đức cao hơn hẳn so với Nhật Bản là thời gian làm việc của người Đức ngắn. Đức là ví dụ minh chứng cho việc mặc dù thời gian làm việc ngắn nhưng vẫn có thể giữ vững được mức tăng trưởng kinh tế và tái phân phối của cải dựa trên hệ thống an sinh xã hội.

Đức là cường quốc “rút ngắn thời gian làm việc”. Theo OECD, năm 2014 thời gian làm việc bình quân hàng năm của một người Đức là 1371 giờ. Đây là con số thấp nhất trong số các nước OECD, ngắn hơn thời gian làm việc bình quân của các nước OECD 399 giờ, của Hàn Quốc 753 giờ.

Thời gian làm việc dài không được đánh giá cao

Ở Đức, làm việc trên 10 tiếng một ngày bị cấm. Cơ quan giám sát điều kiện lao động sẽ tiến hành việc kiểm tra đột xuất thời gian làm việc. Doanh nghiệp để cho người lao động làm việc trên 10 tiếng một ngày một cách có tổ chức sẽ bị phạt tối đa là 15,000 Euro (khoảng 1,725,000 Yên). Trong trường hợp doanh nghiệp bị phạt thì người quản lý của bộ phận để cho người lao động làm việc quá giờ sẽ phải tự bỏ tiền ra trả tiền phạt. Điều này khiến cho người quản lý, dù cho công việc cực kỳ bận rộn cũng không để người lao động làm việc trên 10 tiếng một ngày.

Trong các công ty của Đức những người lao động có thể đạt được thành quả cao trong thời gian làm việc ngắn là người được đánh giá cao. Nhân viên làm việc tăng ca mà không ra kết quả thì chẳng nhận được bất kỳ sự khen ngợi nào. Vì vậy, không như ở Nhật, Đức không có những vấn đề xã hội như tự sát, chết, căng thẳng do làm việc quá nhiều.

Hiện nay, nền kinh tế của Đức đang phát triển khá tốt. Tháng 8 năm nay, tỉ lệ thất nghiệp của Đức là 4.2%, thấp thứ 2 sau Séc trong khối EU. Các doanh nghiệp sản xuất phía nam luôn luôn thiếu lao động có kỹ năng. Vì thế nếu việc doanh nghiệp để người lao động làm việc trong thời gian dài bị thông báo trên truyền thông thì không thể tuyển được những người có tài. Người Đức rất coi trọng “work-life balance” (cân bằng giữa cuộc sống và công việc) vì thế nếu muốn giữ nhân tài các doanh nghiệp không được để bị đánh giá là nơi có điều kiện lao động không tốt.

Người Đức cũng không có cách nghỉ ngơi nửa vời. Phần lớn những nhân viên làm việc trong những công ty của Đức đều sử dụng triệt để 30 ngày nghỉ có lương trong năm (Về mặt luật pháp, nhân viên được hưởng ít nhất là 24 ngày nghỉ có lương một năm nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều dành cho nhân viên 30 ngày nghỉ có lương). Ngoài ra, phần thời gian làm việc vượt mức thời gian theo quy định có thể tính để nghỉ bù mỗi năm trên dưới 10 ngày.

Nhân viên bình thường, không giữ các chức vụ quản lý có thể dồn ngày nghỉ để nghỉ liên tục 2-3 tuần. Trong thời gian nghỉ không có nghĩa vụ phải kiểm tra email liên quan đến công việc. Nhân viên thay đổi nhau để nghỉ nên không có chuyện tị nạnh nhau, cũng không cần thiết phải mua quà lưu niệm để tặng các đồng nghiệp.

Mọi người đều hiểu rằng nghỉ ngơi là quyền lợi đương nhiên phải có nên không cần phải ngại ngùng. Làm việc ngày chủ nhật và ngày nghỉ lễ bị cấm. Ngoài ra nếu muốn làm việc tại văn phòng vào thứ 7 phải được sự cho phép của cấp trên.

Nghỉ có lương và nghỉ ốm được tách biệt nhau. Theo luật pháp quy định, nếu nhân viên bị ốm, bị thương mà không thể làm việc thì được nghỉ tối đa là 6 tuần. Tức là, ngoài 30 ngày nghỉ có lương mỗi năm, nhân viên được nghỉ thêm tối đa là 6 tuần trong trường hợp bị ốm. Nếu bị ốm khi đang ở nơi nghỉ phép thì chỉ cần báo với bộ phận nhân sự, sau khi trở về nộp giấy khám bệnh của bác sỹ thì số ngày bị ốm đó coi như là nghỉ ốm, không bị trừ vào số ngày nghỉ phép có lương. Với người Đức thì nghỉ có lương tức là nghỉ trong tình trạng khỏe mạnh, không phải là nghỉ ốm.

Ở Nhật cũng có nhiều doanh nghiệp cho phép nhân viên nghỉ ốm được hưởng lương tối đa là 90 ngày. Nhưng trên thực tế nhiều người lại xin nghỉ theo hình thức nghỉ phép có lương. Ở Nhật Bản chuyện mà “trong 2 tuần nghỉ phép có lương thì thực sự chỉ nghỉ có 1 tuần, 1 tuần còn lại coi như là nghỉ ốm” xảy ra thường xuyên. Có lẽ là vì có nhiều vị quản lý cho rằng “nhân viên chỉ nghỉ phép, không nghỉ ốm là nhân viên trung thành, tận tụy với doanh nghiệp”.

Ở Đức nghỉ phép có lương và nghỉ ốm hoàn toàn tách biệt với nhau. Bị ốm thì xin nghỉ ốm là chuyện bình thường. Nếu không phải là người nghỉ ốm thường xuyên thì chẳng có quản lý nào nghi ngờ về lòng trung thành, tận tụy của nhân viên chỉ vì người đó xin nghỉ ốm dài ngày.

Khách hàng không phải là Thượng Đế

Người Nhật chúng ta làm thế nào để rút ngắn thời gian làm việc và tận dụng triệt để 100% số ngày nghỉ phép có lương? Đây quả là một vấn đề khó.

Văn hóa doanh nghiệp, thói quen làm việc, kinh doanh không giống nhau nên khó đưa nguyên chế độ làm việc của Đức áp dụng cho Nhật Bản. Ở Đức người mua và người bán có quan hệ bình đẳng với nhau, không giống như Nhật lúc nào cũng coi khách hàng là Thượng Đế. Vì thế không cần thiết phải tăng ca quá nhiều để làm thỏa mãn khách hàng. Ở Đức, tính hiệu quả được đặc biệt chú trọng. Trong đầu họ luôn nghĩ về một điều: chi phí thực hiện dịch vụ và tính lợi nhuận.

Đức: Công việc là thứ thuộc về doanh nghiệp

Ở Đức, công việc không phải là thứ thuộc về cá nhân mà là thuộc về doanh nghiệp. Ví dụ khi khách hàng gọi điện liên lạc mà người phụ trách lại đang trong kỳ nghỉ dài, không có mặt tại đó thì cũng không làm mất lòng khách hàng. Chỉ cần đồng nghiệp trả lời đúng yêu cầu của khách hàng là được. Trong các doanh nghiệp của Đức không có kiểu suy nghĩ như: công việc này phải là người này thì mới được.

So với Đức, tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ của Nhật cao hơn nhiều. Đằng sau điều này là cách suy nghĩ: công viêc này thì phải là tôi mới làm được. Khách hàng sẽ ngay lập tức nổi giận nếu biết là người phụ trách đang nghỉ phép trong vòng 2 tuần.

Những điều kiện lao động tốt ở Đức là thành quả có được từ sự chiến thắng của công đoàn lao động trong cuộc thương lượng gay gắt với chính phủ và các công ty từ những năm 1970. Công đoàn lao động ở Đức có sức ảnh hưởng và tính tự chủ mà các công đoàn ở Nhật không thể so sánh được. Đến bây giờ vẫn còn những cuộc đình công xảy ra ở các công ty như hàng không, đường sắt, bưu điện… Những công đoàn mà đến cả vài chục năm nay chưa từng tổ chức một cuộc đình công nào như của Nhật thì khó mà có được sức ảnh hưởng như thế.

Thay đổi cách làm việc ở Nhật, việc đầu tiên cần làm là…

Nhật Bản và Đức khá khác nhau về văn hóa kinh doanh, môi trường xã hội, tâm lý khách hàng, sức ảnh hưởng của công đoàn…. Ở Nhật, những điều này không thể nào thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng không phải vì thế mà tuyệt vọng, nên tìm cách thay đổi từ những gì có thể trước. Nếu thế thì điều đầu tiên có thể làm phải chăng là thay đổi cách nhìn của toàn xã hội rằng: công việc không phải là thứ thuộc về cá nhân mà là thuộc về doanh nghiệp?

Bước đầu tiên để làm việc đó là số hóa toàn bộ văn bản, email liên quan đến công việc trong các phòng ban, tạo thành các file dữ liệu chung sao cho bất cứ ai trong bộ phận đó cũng đều có thể sử dụng được. Công việc không giao cho một người, nếu có đồng nghiệp cùng làm thì dù bản thân không có mặt tại công ty vẫn có người khác có thể đảm nhận việc đối ứng với khách hàng. Nếu không có một hệ thống như thế thì không thể thực hiện được việc rút ngắn thời gian làm việc và kéo dài ngày nghỉ.

Ở Đức, nếu công việc đang bận rộn mà lại bị giao thêm nhiệm vụ mới thì có thể thẳng thắn nói với cấp trên: với số lượng công việc như vậy thì không thể hoàn thành trong thời gian 10 giờ làm việc của một ngày. Trên cơ sở đó cấp trên phải tìm ra đối sách nào đó như đảm bảo đủ số người làm việc để hoàn thành công việc. Đa số người Đức nếu là việc ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân thì họ sẽ chọn cách kiến nghị thằng lên cấp trên là hãy tìm cách gì đó để giải quyết. Tiếng Đức không có từ nào có nghĩa là “Cố gắng”.

Cần một sự chuyển biến lớn về tư tưởng

Ở Nhật Bản, trước hết cần một sự thay đổi về mặt tư tưởng từ phía các doanh nghiệp. Cách suy nghĩ “Nhân viên làm việc tăng ca nhiều là người trung thành, tận tụy với doanh nghiệp” cần phải cho vào quá khứ. Khi đánh giá nhân viên thì nhân viên không cần tăng ca mà vẫn đạt kết quả cao phải được đánh giá cao hơn là nhân viên cần phải tăng ca nhiều mới mang lại kết quả.

Hơn thế nữa, để khuyến khích nhân viên nghỉ ngơi, làm mới bản thân thì phải làm sao tạo điều kiện cho nhân viên được dồn phép để được nghỉ dài. Có nhân viên người Nhật đã từng làm việc trong công ty ở Đức một thời gian đã rất xúc động nói rằng: lần đầu tiên kể từ khi sinh ra được nghỉ phép liên tục trong 2 tuần.

Ở Nhật có rất nhiều người kể cả khi đang nghỉ phép cũng không thể ngừng nghĩ về công việc của công ty. Lý do có thể lý giải cho điều này là vì thời gian nghỉ quá ngắn. Nếu chỉ nghỉ 1 tuần thì không thể nào bỏ công việc của công ty ra khỏi đầu. Nhiều người Đức nói rằng: Để thực sự thay đổi tâm trạng thì cần phải nghỉ ít nhất là 2 tuần. Với họ thì tuần đầu tiên có thể chuyện công việc vẫn còn vương vấn trong đầu nhưng đến tuần thứ hai thì sẽ quên được. Hoặc là phải cấm việc đọc và kiểm tra email liên quan đến công việc trong thời gian nghỉ.

Khi đã nghỉ ngơi thì hãy nghỉ cho thoải mái, giải tỏa mọi căng thẳng, đến khi làm việc thì tập trung vào công việc. Để không làm giảm những giá trị gia tăng có được nhờ lao động thì phải bỏ đi những lãng phí không cần thiết cho công việc, phải làm việc một cách có hiệu quả. Năng suất lao động tăng sẽ có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Cuộc sống rất ngắn ngủi, con người chỉ sống có một lần. Người Nhật chúng ta đã đến lúc phải nghĩ nhiều hơn về tính hiệu quả.

Chính phủ phải tạo động lực thúc đẩy từ phía sau bằng chính sách và pháp luật

Trong số độc giả hẳn sẽ có nhiều người nghĩ rằng “Nói thì nói vậy nhưng công việc thì chất cao như núi, khách hàng thì đang đợi, không làm thêm giờ thì làm thế nào. 30 ngày nghỉ có lương, mỗi ngày làm việc dưới 10 tiếng đúng là chuyện trong mơ”

Nhưng trên thế giới đã có những quốc gia như Đức áp dụng những điều kiện lao động rất nhân bản mà vẫn thu được thành công. Nếu cứ nghĩ rằng Nhật Bản không thể thay đổi thì mãi mãi cũng không thay đổi được. Tôi thì cho rằng nếu cải thiện được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc thì động lực làm việc của người lao động sẽ tăng, GDP tính trên đầu người cũng sẽ tăng. Làm việc quá sức trái lại sẽ đem lại những hậu quả đáng tiếc. Thay đổi tinh thần, giải tỏa sự căng thẳng sẽ tốt hơn cho công việc. Những hậu quả như chết do lao động quá sức, tự tử vì quá căng thẳng cũng sẽ giảm.

Một Nhật Bản với dân số già, cũng sẽ như Đức, trong tương lai sự thiếu hụt lao động sẽ ngày càng trầm trọng. Rồi đây các doanh nghiệp từ các nước sẽ phải cạnh tranh với nhau để có được những người tài, nhân viên có tay nghề, kỹ thuật cao. Doanh nghiệp của những nước có điều kiện lao động tốt, hấp dẫn chắc chắn sẽ dành được lợi thế trong việc thu hút và giữ nhân tài.

Với những người làm kinh doanh thì việc đầu tiên nên làm là phân loại các công việc trong một ngày, đâu là những công việc cần thiết phải làm (tức là những công việc có giá trị sáng tạo) với những việc không cần thiết (những công việc không mang lại giá trị). Với những công việc không cần thiết thì phải loại bỏ triệt để.

Tất nhiên, những cơ quản quản lý, giám sát lao động phải thực thi pháp luật một cách nghiêm khắc. Tiến hành kiểm tra những điều kiện lao động một cách thường xuyên, liên tục. Xử lý nghiêm khắc những doanh nghiệp để cho người lao động làm việc trong thời gian quá dài một cách có tổ chức và công bố kết quả điều tra ra công luận.

Chính phủ phải áp đặt nghĩa vụ tới các doanh nghiệp để cho người lao động được hưởng số ngày nghỉ phép có lương tối thiểu phải có. Về số ngày nghỉ, khó có thể ngay lập tức làm như Đức là 24 ngày. Đầu tiên hãy lấy một nửa số đó là 12 ngày và để nhân viên hưởng trọn số ngày nghỉ đó thì tôi nghĩ là có thể được.

[divider]

Nguồn: 働き方改革 ドイツに学ぶべき点はここだ (Yomiuri online 11/10/2016)

Tác giả: Kumagai Touru

Người dịch: Nguyễn Khuyên

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan