Những công việc mới sẽ cần trải qua quá trình liên tục thử nghiệm và lỗi (trial and error) cho nên có thất bại cũng là chuyện đương nhiên.
Chuyên gia huấn luyện Hashimoto Wataru của Toyota trong thời gian còn làm trưởng phòng, đã từng đảm nhận công việc phun sơn trong dây chuyền sản xuất xe Lexus. Khi đó dây chuyền xe Lexus vừa mới được hoàn thiện cho nên sử dụng rất nhiều kỹ thuật tân tiến. Trong lĩnh vực sơn, dây chuyền này yêu cầu sử dụng kỹ thuật sơn mới, gọi là “sơn hai thành phần”.
Đúng như tên gọi, đây là phương pháp hoà trộn hai loại sơn vào với nhau. Tuy phương pháp này đã được sử dụng ở nhiều công xưởng của Châu Âu, nhưng vẫn thường xuyên gặp các vấn đề như sơn bị đặc, tắc ở đầu van, khó kết hợp hoà trộn. Từ đó dẫn đến việc khó ổn định chất lượng. Tại công đoạn kiểm tra sau khi sơn, người ta đã phát hiện nhiều chỗ sơn bị mờ dị thường. Tỷ lệ trộn vào thời điểm đó là 7:3, sau này đã được điều chỉnh thành 8:2, 9:1.
Ông Hashimoto đã nhìn lại sự việc khi đó như sau.
“Nếu quan sát bằng mắt thường thì chỉ có thể nhận thấy vấn đề ở khoảng hơn 30 xe. Có ý kiến cho rằng những chiếc Lexus khác quan sát bằng mắt thường không thấy có vấn đề thì cứ mặc kệ là ổn rồi. Nhưng trong cùng một ngày tác nghiệp không thể nào không xuất hiện sản phẩm lỗi tương tự. Kết quả chúng tôi tìm thấy 88 chiếc xe Lexus khả nghi không đạt chất lượng. Chúng tôi quyết định rằng Lexus là mẫu xe cao cấp, do đó chỉ cần có khả năng xuất hiện hàng lỗi thôi thì tức là chưa thể bán ra thị trường được.”
Thất bại cũng được nhưng phải biết đứng lên
Kết cục, khi nhóm của ông Hashimoto truy tìm nguyên nhân cốt lõi, họ xác định được nguyên nhân là do ống dẫn của tay robot phun sơn bị vỡ, dẫn đến dung dịch sơn bị rò rỉ ra ngoài. Họ đã cải thiện bằng cách đưa ống dẫn của tay robot ra bên ngoài, để khi có điều bất thường có thể ngay lập tức kiểm tra. Bí quyết (know-how) sơn xe Lexus này sau đó đã được truyền bá đến mọi công xưởng ở trong và ngoài nước. Kết quả chất lượng tổng thể của dây chuyền sản xuất Lexus được ổn định.
Những công việc mới, lần đầu tiếp nhận thì thất bại là chuyện thường. Nhưng điểm quan trọng là biết suy nghĩ đối sách để tránh lặp lại thất bại đó. Thông qua việc tích luỹ những thất bại và triển khai hàng ngang, phổ biến chúng, chất lượng công việc của bạn sẽ được tăng lên đáng kể.
[divider]
Biên dịch: Trungmaster, theo cuốn Thất Bại Học của Toyota