Quy nạp và suy luận là hai phương pháp tư duy đại diện cho tư duy logic. Tuy vậy không phải lúc nào tư duy logic cũng mang lại hiệu quả cao. Bởi tư duy logic khó cho ra được ý tưởng độc đáo giàu tính sáng tạo. Gần đây có một số phương pháp tư duy mới đã được đề xuất để bù lấp lại những điểm yếu trong phương pháp tư duy cổ điển.
Sau khi đọc hiểu và ứng dụng những phương pháp được giới thiệu trong loạt bài này, bạn có thể cho ra được kết luận mà không cần phải phân vân và đi đường vòng. Khi suy nghĩ đã được sắp xếp, bạn có thể nâng cao tính thuyết phục cho bài luận, hay bài nói chuyện, tăng độ tin tưởng và hiệu quả truyền đạt cho bản kế hoạch hay bản đề xuất.
Có khi nào bạn đặt câu hỏi tại sao có những người xung quanh mình vô cùng thông minh không? Trong vô thức, những người thông minh là những người đã và đang áp dụng những phương pháp tư duy sẽ được giới thiệu sau đây.
Loạt bài gồm 4 phần, mỗi phần VietFuji sẽ chia sẻ 2 phương pháp tư duy. Riêng phần 4 tập trung vào cách tư duy bao quát tổng thể phù hợp với tầng lớp quản lý. Phần 1-3 ai trong số chúng ta cũng đều có thể tham khảo và áp dụng. Loạt bài được tham khảo và lược dịch từ tạp chí Top Leader số báo tháng 4 của thời báo kinh tế Nhật Bản (Nikkei).
Phương pháp tư duy “chia đôi”
Chia đại khái thông tin, vấn đề thành 2 phần để suy nghĩ được thông suốt.
Phương pháp này có thể áp dụng khi bạn đang ôm đồm quá nhiều vấn đề và chúng đang rất lộn xộn, bạn có thể áp dụng phương pháp suy nghĩ này.
Đây là phương pháp chia đôi một lượng lớn vấn đề chưa được chỉnh lý. Với cách làm này, vấn đề khó cũng có thể được sắp xếp một cách dễ dàng, không cần thiết tới tư duy logic. Tiêu chuẩn để phân chia tùy theo nội dung và mọi người tự quyết.
Giả sử khi suy nghĩ về trường hợp cân nhắc tìm phương án để đạt mục tiêu lợi nhuận, nếu bắt đầu đi thẳng vào vấn đề, trong thoáng chốc trong đầu sẽ nổi lên nhiều ý tưởng, khiến cho suy nghĩ bị phân tán không đi đến kết luận. Trường hợp này phương pháp tư duy chia đôi sẽ phát huy hiệu quả. Bạn có thể phân chia suy nghĩ theo 2 hướng, hướng “tăng doanh số bán hàng” và hướng “giảm chi phí sản xuất”. Chia suy nghĩ thành 2 phần sẽ giúp chúng ta dễ dàng suy nghĩ hơn.
Bí quyết
Đối với vấn đề nhìn có vẻ phức tạp cũng đừng sợ. Trước hết hãy biến chúng thành thứ đơn giản bằng cách chia thành 2 hướng để suy nghĩ, sắp xếp thông tin.
[divider style=”solid” top=”20″ bottom=”20″]
Phương pháp tư duy Q
Biến câu hỏi thành đầu mối để tìm ra phương án giải quyết vấn đề. Bạn có thể sử dụng phương pháp này khi không thể nào suy nghĩ ra được ý tưởng mới.
Phương pháp Q (question) là phương pháp biến câu hỏi, nghi vấn trở thành điểm xuất phát cho tư duy. Câu hỏi thường được dùng là “tại sao?”, “nếu…thì sao?”, “làm thế nào để…?”. Phương pháp này là cách suy nghĩ không bị bó buộc bởi những gì đã có nên thường dễ cho ra những điều mới mẻ mang tính cách tân.
Ví dụ bộ phận của bạn đang làm việc có vấn đề “thời gian tăng ca nhiều”. Đừng vội dẹp bỏ vấn đề một cách dễ dàng bằng lý do tưởng như khá hợp lý “do không đủ nhân lực”. Hãy đặt câu hỏi “tại sao thời gian tăng ca lại nhiều vậy?”. Sau đó đặt ra giả thiết cho phương án giải quyết ví dụ như “giả sử giảm 1/3 số buổi họp thì thời gian tăng ca có giảm không?”. Bước tiếp theo là làm thử để kiểm chứng giả thiết. Ví dụ thử giảm 1/3 số buổi họp, thay vào đó tăng thời gian liên lạc qua email…Sau khi thực hiện giả thiết thì quay lại kiểm chứng xem phương án giải quyết có hiệu quả hay không?
Bí quyết
– Lặp lại câu hỏi “tại sao?” cách làm này giống như sự hiếu kỳ của trẻ em, luôn đặt câu hỏi tại sao với mọi vấn đề.
– Khi suy nghĩ giả thiết (phương án giải quyết giả định), không bị bó buộc bởi những gì đã có..
– Không cần phải dành quá nhiều thời gian để cân nhắc, nếu có giả thiết hãy mạnh dạn thực hiện để kiểm chứng.
[divider style=”solid” top=”20″ bottom=”20″]
Biên dịch: Nguyễn Sinh Côn
Theo “Top Leader” Nikkei – tháng 4/2017