Ông Tsukayoshi chủ tịch hội đồng quản trị công ty thực phẩm Ina, đã chia sẻ:
Dọn vệ sinh là công việc có ý nghĩa rất sâu xa. Nơi làm việc hay toàn bộ khu đất của công ty, tất cả nhân viên của công ty chúng tôi đều góp tay để cùng nhau làm sạch. Dọn vệ sinh, công việc tưởng chừng có giá trị gia tăng thấp khiến mọi người dễ lầm tưởng là một sự lãng phí, nhưng thực tế không phải là vậy. Đừng vội giao việc dọn vệ sinh cho các công ty bên ngoài nhé.
Nếu coi dọn dẹp là lãng phí và coi thường việc dọn dẹp, bạn sẽ đánh mất nhiều thứ.
Khi cần nhắc tới việc nâng cao hiệu suất làm việc, một trong những điều mà nhiều công ty thường làm đó là nhờ những công ty dọn dẹp bên ngoài tới dọn vệ sinh công ty.
Xét về hiệu suất làm việc, nếu nhân viên không phải lo dọn vệ sinh thì về lý thuyết, họ sẽ có thêm thời gian tập trung cho công việc, ở một khía cạnh nào đó sẽ giúp cho hiệu suất được nâng cao. Tuy nhiên tôi công ty chúng tôi không làm như vậy. Dọn dẹp thực tế là một công việc có ý nghĩa rất sâu xa, việc để cho nhân viên tự bắt tay vào dọn dẹp sẽ có nhiều lợi điểm mà chúng ta ít nhận ra.
Cội nguồn của việc nuôi dưỡng sự nhạy bén (kizuki)
Điểm lợi thứ nhất ai cũng có thể thấy đó là nơi làm việc trở nên sạch sẽ, mọi người sẽ thoải mái đối với công việc. Tự mình dọn dẹp nên tay chân cũng phải vận động, do đó sau khi dọn dẹp không chỉ thoải mái về tinh thần mà cả cơ thể cũng thoải mái hơn.
Điểm lợi thứ hai đó là góp phần phát triển năng lực của nhân viên. Nghe có vẻ ít liên quan nhưng thực tế, khi tự mình dọn dẹp, nhân viên phải quan sát xem chỗ nào sạch chỗ nào bẩn, qua việc dọn dẹp, trong vô thức sẽ nuôi dưỡng được sự nhạy bén giúp quan sát phát hiện vấn đề. Đặc biệt, đối với những người chăm chỉ dọn dẹp sẽ có khuynh hướng nhanh chóng nhìn ra những khó khăn mà khách hàng gặp phải, từ đó có những cách tiếp khách một cách khéo léo.
Không chỉ có nâng cao sự nhạy bén, năng lực phát hiện vấn đề, mà dọn dẹp còn nuôi dưỡng khả năng đưa ra những ý tưởng. Khi dọn dẹp, nhân viên sẽ phải suy nghĩ làm cách nào để dọn sao cho thật sạch sẽ, và sau đó thử áp dụng vào thực tế để kiểm nghiệm.
Điểm lợi thứ 3 đó là nuôi dưỡng “tình cảm dành cho đồ vật” của nhân viên. Khi tự tay mình dọn dẹp đồ vật, làm sạch không gian làm việc, tự nhiên chúng ta sẽ coi trọng chúng hơn. Theo hiệu ứng cơn sóng, người ý thức tới việc dọn dẹp sẽ không chỉ coi trọng đồ vật mà còn có khuynh hướng quan tâm và để ý tới những người xung quanh hơn.
Công ty thực phẩm Ina của chúng tôi có diện tích sàn vào khoảng 99,000 m2. Mặc dù, diện tích sản lớn như vậy nhưng chúng tôi không ỷ lại vào công ty dọn vệ sinh bên ngoài. Từ hội đồng quản trị cho tới nhân viên, chúng tôi cùng hợp sức để dọn dẹp. Tất cả nhân viên cùng nhận thức được rằng, dọn dẹp không chỉ vì công ty mà còn cả vì chính sự phát triển của bản thân. Do đó, ngày thường, nhân viên thường đến công ty trước 8h và khởi động một ngày mới bằng việc tự mình bắt tay vào dọn dẹp công ty.
Dọn dẹp không chỉ đơn thuần là cầm chổi quét sàn hay quét lá rụng. Chúng tôi dùng máy cắt lá, xe cẩu để cắt những cành cây phát triển quá khổ. Để mắt tới từng góc nhỏ, từng chút, từng chút chúng tôi dọn dẹp cho tới từng góc nhỏ của công ty. Không chỉ có nam nhân viên, mà ngay cả nữ nhân viên cũng nỗ lực học lấy bằng lái xe cẩu để tự mình điều khiển xe và cắt tỉa cành cây trên cao.
Công ty cũng rất tích cực trong việc đầu tư những thiết bị, công cụ hỗ trợ dọn dẹp, hay hỗ trợ nhân viên học bằng lái, lấy giấy chứng nhận sử dụng các thiết bị, máy móc dọn dẹp. Nếu nhân viên có mong muốn sử dụng những công cụ này để dọn dẹp vườn nhà, công ty cũng sẵn sàng cho mượn. Nếu những việc này có thể giúp ích cho nhân viên thì công ty không hề tiếc.
Gần đây có một chuyện khiến tôi càng nhận thấy được vai trò của dọn dẹp trong việc phát triển nhân viên. Chuyện là vào tháng 5, trong kỳ nghỉ lễ vàng (golden week tại Nhật kéo dài vào khoảng một tuần từ cuối tháng tư đến đầu tháng 5) có một trận mưa to và gió lớn đi qua, tôi lo gió lớn sẽ làm cho một lượng lá lớn sẽ rụng xuống làm mất mỹ quan của công ty. Sớm hôm sau, mặc dù vẫn trong kỳ nghỉ, nhưng tôi đến công ty từ rất sớm khoảng 7h sáng để xem tình hình thế nào. Và rồi đến nơi, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy có mấy người nhân viên cũng cùng suy nghĩ giống tôi, họ đã đến đây trước 7h và đang cầm chổi quét lá rụng. Chúng tôi cùng nhau dọn dẹp, làm sạch khu cây xanh và sau đó quay về nhà tiếp tục kỳ nghỉ.
Công ty chúng tôi rất quan tâm tới không gian trong công ty. Chúng tôi đặt tên cho khu cây xanh trong công ty là “Company Garden”, tại đây chúng tôi cũng cho xây những nhà hàng, và cả phòng trưng bày mỹ thuật, người ngoài cũng có thể ra vào được sử dụng được.
Những nhà hàng này ngày nghỉ lễ vẫn hoạt động bình thường. Sau cơn mưa, nếu lá rụng nhiều, cành cây rơi xuống sẽ làm ảnh hưởng tới khách hàng, có lẽ nhân viên của chúng tôi đã lo lắng và đã đến dọn dẹp cùng tôi. Tôi phải cúi đầu trước sự nhạy bén, linh hoạt và năng lực chuyển suy nghĩ thành hành động của những người nhân viên tuyệt vời này.
Dọn dẹp và đối ngoại
Dọn dẹp cũng phát huy hiệu quả với hoạt động đối ngoại. Dọn dẹp tôi gọi là “người làm công tác đối ngoại trong yên lặng”. Khi có khách tới công ty, nếu công ty được dọn dẹp sạch sẽ tới từng ngóc ngách chắc chắn sẽ tạo được ấn tượng tốt và mang lại sự tin tưởng đối với họ.
Ví dụ, nếu khách tới thăm công ty đi vệ sinh, nếu nhà vệ sinh và sàn nhà được lau dọn thật sạch sẽ thì chẳng có ai cảm thấy khó chịu cả đâu.
Công ty chúng tôi cũng đã từng có được khách hàng mới nhờ vào việc dọn dẹp này. Có một giám đốc của một công ty tới thăm công ty và ngỏ ý được tham quan một vòng công ty. Tất nhiên chúng tôi đồng ý và cho người hướng dẫn vị giám đốc thăm quan hết một vòng công ty. Vị giám đốc đã rất ấn tượng với cách làm vệ sinh của chúng tôi và ngay ngày hôm sau có điện thoại gọi tới, ông nói quyết định mong muốn bắt đầu giao dịch với chúng tôi.
Vị giám đốc không chỉ đánh giá sự sạch sẽ mà còn đánh giá cao sự đồng lòng của toàn thể nhân viên, sự thống nhất giữa lý tưởng và hành động thực tế của công ty. Lý tưởng của công ty chúng tôi là “Xây dựng công ty tốt, mạnh về thể chất, mềm mỏng về tinh thần”. Để xây dựng công ty tốt điều đầu tiên cần làm đó là dọn dẹp sạch sẽ. Lý tưởng không phải biển hiệu để treo, nó đã được chuyển thành hành động và khách hàng đã đánh giá chúng tôi như thế.
Không chỉ dọn dẹp, những công việc tưởng chừng như không liên quan trực tiếp tới hoạt động chính của công ty dễ liệt vào danh sách nhờ bên ngoài. Nhưng tôi cho rằng không nên phán đoán một cách dễ dàng và vội vàng như vậy, hãy cân nhắc xem việc nhờ cậy bên ngoài có làm giảm đi cơ hội phát triển bản thân của nhân viên hay không. Đây cũng là một trong những tâm đắc của tôi trong hoạt động kinh doanh.
[author title=”Giới thiệu tác giả:” image=”http://img01.moeruhito.com/usr/info/%E3%81%A4%E3%81%8B%E3%81%93%E3%81%97.jpg”]Ông Tsukakoshi Hiroshi sinh năm 1937 tại tỉnh Nagano, Nhật Bản. Do mắc bệnh liên quan tới phổi, ông bỏ dở việc học cấp 3 giữa chừng. Năm 1958 ông vào làm việc cho công ty thực phẩm Ina. Năm 1983 ông trở thành giám đốc, năm 2005 ông giữ vai trò chủ tịch hội đồng quản trị. Công ty thực phẩm Ina chuyên sản xuất và cung ứng cho thị trường sản phẩm liên quan tới thạch rong biển, thực phẩm dinh dưỡng, chăm sóc sắc đẹp…Ina cũng là công ty trong suốt 48 năm liên tục kinh doanh có lãi. [/author]
Nikkei Top Leader tháng 9/2016
Biên dịch: Nguyễn Sinh Côn