Trang trại nuôi cá chỉ lý tưởng khi còn là kế hoạch nằm trên giấy. Khi thực hiện, bạn sẽ phải đối mặt với một đống vấn đề về môi trường có thể khiến cá bệnh, cũng như lượng rác thải ra từ những trang trại ấy cũng sẽ khiến bạn đau đầu. eFishery, một công ty có trụ sở tại Indonesia, đã đưa ra một phương án giải quyết vấn đề rác thải phát sinh từ việc cho cá ăn quá nhiều hoặc quá ít bằng cách sử dụng thiết bị cho cá ăn thông minh phân phối lượng thức ăn phù hợp dựa trên hành vi của cá.
Chi phí cho cá ăn thường chiếm 50-80% tổng chi phí đội lên trong trang trại nuôi cá. Nhưng vì cho cá ăn là công việc thủ công nên khó có thể đo lường chính xác, dẫn đến một trong hai kết quả như sau: cho cá ăn quá nhiều đồng nghĩa với việc lượng thức ăn quá nhiều, gây ảnh hưởng đến chi phí trong kinh doanh cũng như môi trường nước xung quanh trang trại và sức khoẻ của cá. Còn nếu cho ăn thiếu thì cá sẽ chết.
Thiết bị cho cá ăn tự động eFishery được thiết kế để giải quyết những vấn đề nêu trên, cung cấp đúng lượng thức ăn cần thiết bằng cách sử dụng cảm ứng rung thu thập dữ liệu về cách cá di chuyển để xác định cá đang đói hay no.
Sau khi tính toán ra độ đói bụng tương đối của đàn cá, chiếc máy sẽ cung cấp một lượng thức ăn thiết đặt sẵn trong khoảng thời gian nhất định, sau đó gửi toàn bộ dữ liệu đến chiếc smartphone của người nông dân. eFishery giúp tiết kiệm trung bình khoảng hơn 21% lượng thức ăn và tỷ lệ tính toán sai lệch mức độ đói của cá chỉ vỏn vẹn 4% (phần lớn là do thời tiết thay đổi).
Gibran Chuzaefah Amsi El Farizy, nhà đồng sáng lập và là CEO của eFishery, cho biết: ” Vấn đề mà chúng tôi nỗ lực giải quyết ở đây chính là hiệu suất trong việc cho cá ăn tại các trang trại nuôi. Bản thân tôi cũng đã từng là chủ trang trại cá, vì thế đã nhận ra vấn đề này. Chính vì những người chủ trang trại và người lao động không có kỹ thuật để kiểm soát lượng thức ăn nuôi, dẫn đến hậu quả kém hiệu suất như vậy. Chúng tôi tạo ra sản phẩm này để giúp ngành kinh doanh này hiệu suất, tiện lợi và có lời hơn.
Trang trại cá có quy mô rất lớn tại các nước Châu Á, đặc biệt là tại Indonesia, nơi có sản lượng thuỷ sản lớn nhất trên thế giới với 9.45 triệu tấn thuỷ sản được thu hoạch trong năm 2012. El Farizy cho biết anh không nắm rõ rượng số liệu chính xác lượng rác thải mọi khu vực trên khắp cả nước, nhưng chỉ tính riêng tại Lake Toba (tỉnh thuộc Indonesia), thì rác thải nông nghiệp bao gồm cả lượng nước ô nhiễm do lượng thức ăn cá dư thừa chiếm đến 60% tổng số các chất gây ô nhiễm, cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm lớn nhất.
Hơn nữa, sử dụng thiết bị cho cá ăn tự động này còn giúp cho môi trường sống của cá được cải thiện, giúp cá khoẻ mạnh, ít bệnh chết và người nuôi còn có thể cắt giảm chi phí mua thuốc kháng sinh cho cá.
Thiết bị này hiện có thể sử dụng cho cá chép, cá da trơn, cá rô phi, cá hồng, và tôm thẻ. Vì các loài cá khác nhau có tập tính sinh hoạt khác nhau nên cần nghiên cứu và thu thập dữ liệu thêm nếu muốn mở rộng phạm vi sử dụng cho các loài cá khác.
Các bạn có thể xem video quảng cáo về sản phẩm này của công ty dưới đây:
Biên dịch: Trịnh Trần Khánh Duy
Nguồn: Inc