Đối với các bác sỹ khoa não bộ, phân biệt mô khoẻ mạnh và mô ung thư trong quá trình phẫu thuật không hề đơn giản, và hậu quả khi nhầm lẫn lại vô cùng nghiêm trọng. Để giúp các bác sỹ giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đã thiết kế một loại dao mổ thông minh trợ giúp các bác sỹ phát hiện mô đang xử lý là mô khoẻ mạnh hay ung thư.
Công cụ mới có cùng kích cỡ với dao mổ thông thường nhưng có đầu tiếp xúc rất đặc biệt (hình cầu). Bên trong đầu tiếp xúc là những cảm biến có thể đo đạc những tính chất cơ học của mô, và chỉ trong khoảng 400 mili giây, nó sẽ cung cấp cho bác sĩ phẫu thuật các thông số sức khoẻ của mô đó bằng dữ liệu hình ảnh và âm thanh.
Công nghệ của thiết bị này dựa trên nền tảng động cơ cảm ứng sử dụng thiết bị chuyển áp điện. Động cơ cảm ứng này sẽ khiến đầu thiết bị rung nhẹ. Khi đầu thiết bị chạm vào mô não, các rung động truyền vào mô, thiết bị sẽ dựa vào rung động đó để đánh giá tính chất vật lý của nó. Số liệu thu được sẽ được so sánh với số liệu chuẩn lấy từ mô não khoẻ mạnh. Nói tóm lại quá trình này sẽ giúp phân loại mô theo mức độ khoẻ mạnh.
Nếu sử dụng công nghệ MRI (chụp cộng hưởng từ) hay sóng siêu âm, các bác sĩ cũng có thể xác định vị trí của khối u trước phẫu thuật. Nhưng trong lúc phẫu thuật tồn tại nhiều yếu tố khiến họ bị lạc mất vị trí, đặc biệt với những khối u giai đoạn đầu, vốn hoàn toàn không khác nhiều so với các mô khoẻ mạnh. Khi đó, bác sĩ phải quan sát bằng kính hiển vi, hoặc sử dụng các công cụ kích thích mô để kích thích xung quanh.
Vào năm 2013, các nhà nghiên cứu tại đại học Hoàng Gia London đã phát triển một loại dao tương tự sử dụng phương pháp khối phổ để đánh giá khói bốc ra từ vết cắt laser khi mổ, nhằm phát hiện dấu hiệu ung thư. Trở lại năm 2000, các nhà nghiên cứu cũng đã phát triển một loại dao mổ phát hiện khối u ung thư bằng cách tìm kiếm hàm lượng protein bất thường trong khối tế bào.
Có thể nói dụng cụ hỗ trợ bác sỹ khoa thần kinh thực hiện phẫu thuật chính xác đã có từ trước đây khá lâu. Sau sáu năm cải tiến, đầu cắt mới nhất này đã được thử nghiệm phẫu thuật với khối u nhân tạo và não heo, kết quả đạt được vô cùng khả quan.
Theo David Olivia, người đã chế tạo chiếc dao này, cùng hợp tác với giáo sư thần kinh học TS. Ralf Stroop, chiếc dao được thiết kế đặc biệt để giải quyết những khối u trong giai đoạn non, vốn chỉ có thể phát hiện thông qua MRI chứ không phải mắt thường. Anh còn cho biết kỹ thuật này còn có thể được ứng dụng để phát hiện khối u tại các bộ phận khác trong cơ thể. Các thí nghiệm bước đầu chứng minh kỹ thuật này không gây hại cho con người.
Nguồn: Gizmag
Người dịch: Trịnh Trần Khánh Duy.