Hầu như bất cứ ai khi nghĩ đến việc học kỹ thuật thì đều tưởng tượng đến những cá nhân “quên mình” trong thư việc hoặc phòng thí nghiệm máy tính. Phần lớn các sinh viên đều ngưỡng mộ hình ảnh các bậc đàn anh “cú đêm” trong tối ngày thứ 6 (máu chảy về tim) để hoàn thành nốt bài tập lớn trong lúc những người bạn ở ngành khác (kinh tế, kinh doanh chả hạn) đang tiệc tùng chè chén ở đâu đó. Tôi (tác giả) cũng đã từng như vậy. Thậm chí có hôm chúng tôi còn thức suốt đêm để chạy ba máy tính mô phỏng song song chỉ để có kết quả nộp bài đúng hạn. (Ảnh minh hoạ: Theguardian)
Thử hỏi bất kỳ người “trong nghề” nào xem, ắt hẳn bạn sẽ nhận được câu trả lời: nếu muốn điểm cao, hãy quên tiệc tùng đi. Còn nếu bạn muốn chơi bời xã hội, hãy tập làm quen với suy nghĩ “Đủ qua là được”. À, còn nếu bạn muốn ngủ ngon, xin lỗi nhé trường kỹ thuật không phải nơi dành cho bạn (ngủ trên giảng đường thì có thể).
Đấy là cuộc sống. Đấy là những gì mà chúng ta phải đánh đổi để đạt được thành tựu. Chúng ta phải dồn thời gian, tâm lực, nghiền ngẫm, và cuối cùng lấy trót lọt tấm bằng tốt nghiệp. Nhưng liệu chúng ta có bắt buộc phải lựa chọn giữa “bạn bè”, “điểm số” và chính “bản thân” mình (như hình trên) hay không? Theo tôi, KHÔNG.
NGUYÊN LÝ CÂN BẰNG
Tôi và một người bạn cùng lấy môn Truyền Nhiệt. Khi đến hạn nộp bài, cả tôi và anh đó đều đúng hạn, và nhận điểm gần tương đương nhau. Sự khác biệt ở chỗ, suốt thời gian học, tôi vừa đi làm thêm, vừa tập gym, vừa làm bài tập, vừa ngủ đủ giấc và vừa làm báo cáo cho môn Triết Học. Còn anh bạn của tôi, tất nhiên là anh ý hoàn thành bài tập về Truyền Nhiệt, và … hừm, còn lại thì tôi cũng không rõ anh ấy làm gì với cô bé tôi bắt gặp ở phòng khách lắm (dù sao cũng không phải chuyện của mình).
Nhưng bí quyết nào để tôi không phải đánh đổi bất kỳ điều gì mình muốn làm mà vẫn hoàn thành bài tập như vậy ? Hai điều:
Định lý 1. Tôi hiểu “luật chơi” và nguyên tắc để vượt qua nó
Định lý 2. Tôi có rất ít thời gian
Hãy để tôi giải thích.
Định lý 1: Trường kỹ thuật cũng chỉ là một trò chơi. Và cũng như bao trò chơi khác, bạn cần phải học cách chơi.
Mọi người thường cằn nhằn rằng trường đại học không nên chỉ toàn xoay quanh bài tập về nhà và điểm kiểm tra. Thay vì thế nó phải tập trung vào học tập, giúp con người ta được giáo dục và mở mang tầm mắt..blar blar.
Nhưng theo tôi, nếu bạn học để mà học (theo đúng nghĩa) thì bài kiểm tra là cần thiết. Bởi vì đấy là một công cụ để đánh giá mức độ tiến bộ của bạn, đánh giá khối lượng kiến thức bạn hấp thụ được, và quan trọng nhất là đánh giá xem ai đủ tư cách để nhận bằng cử nhân. Bài kiểm tra là một điều tuyệt vời, ít nhất thì nó cho bạn một mục tiêu đủ cụ thể để vươn lên. Hãy coi đó như một trò chơi, bạn có một mục tiêu để đạt đến, và cái cần làm trước đó là xây dựng chiến lược.
Tất nhiên, mọi trò chơi đều có luật (kỳ hạn, sự trung thực), thử thách (câu hỏi trắc nghiệm, bài kiểm tra, bài tập lớn), và điểm số (điểm GPA của bạn đó). Nhìn trường kỹ thuật dưới góc độ này giúp bạn cảm giác những nỗ lực của mình có hiệu quả hơn nhiều so với những người khác thường nghĩ.
Có hàng triệu thứ bạn có thể học từ các chủ đề trong các môn học. Làm thế nào để bạn lựa chọn chủ đề nào nên tập trung, chủ đề nào không ?
Đặt lăng kính “game thủ” của bạn lên và sẽ thấy mọi thứ đều rõ ràng:
1. Mệnh đề, mô hình, hay vấn đề nào sẽ có tầm ảnh hưởng hay chiếm số điểm lớn nhất trong môn học ?
2. Chủ đề phù hợp với năng lực của bạn nhất ?
Đó chính là cách để tôi làm việc hiệu quả. Tôi là một sinh viên kỹ thuật vậy nên tôi tự cơ cấu, chế biến lại những kiến thức mà tôi cần phải biết để giải quyết vấn đề trường học. Tôi ghi chú lại những điểm quan trọng để vượt qua bài kiểm tra. Không tin hả, làm thử coi.
Định lý 2: Tôi có ÍT THỜI GIAN
Thông thường, người ta thường cho rằng:
Thời gian bỏ ra + Nỗ Lực= Kết quả.
Thực ra thì chẳng chóng thì chày bạn sẽ thấy có vấn đề với công thức này. Bạn dành cả kỳ nghỉ để học và nói với bản thân “Lần này thì chắc chắn là mình đã hiểu hết mọi vấn đề”. Bạn đọc lại vở, làm hết mọi bài tập trong đó, trong sách và không bỏ lỡ bất kỳ một tiểu tiết nào. Mọi thứ thật tuyệt vời cho đến khi bạn tỉnh dậy và nhận ra rằng ngày thứ 7 đã qua mà bạn thậm chí còn chưa giở được vở ra. Đến chủ nhật, bạn nỗ lực xem lại các bài tập, và thật bất ngờ vì chỉ thế thôi cũng đã hết một ngày. Thời gian ơi ? Ở đâu?
Khi bạn có quá nhiều thời gian, bạn sẽ mắc phải một thứ mà người ta gọi là định luật Parkinson. Đại khái phát biểu như thế này : “Công việc sẽ luôn tự giãn nở để lấp đầy khoảng thời gian bạn dành cho nó”.
Ngược lại khi bạn chỉ có một thời gian giới hạn, bạn sẽ biết rằng mình không còn trốn tránh được nữa, và thật thần kỳ công việc được hoàn thành đúng hạn. Như vậy phương trình bên trên cần phải viết là:
(Thời gian bỏ ra+ Nỗ lực)*Hiệu quả =Kết quả.
Ít thời gian sẽ buộc bạn phải làm việc hiệu quả hơn. Bạn sẽ cần phải đánh giá trọng tâm của vấn đề, dành thời gian chủ yếu vào nó và loại bỏ những cái khác.
Quay lại trường học, cách tư duy này giúp bạn loại bỏ những thứ rác khỏi đầu và dành nhiều thời gian cho các vấn đề, các mô hình, các phương trình,… thưc sự cần thiết. Trong ví dụ ở trên, điều này có nghĩa là hãy bắt đầu với việc xem lại các bài tập, bài kiểm tra và sử dụng chúng để xác định đâu là cái bạn cần chú ý nhằm giải quyết vấn đề bạn sẽ phải đối mặt. Nhưng trên thực tế bạn sẽ không làm việc đó hiệu quả nếu luôn có “dư dả” về thời gian. Vậy bạn cần phải :
1. Kiếm lấy một công việc làm thêm để nếm trải thế giới của những kỹ sư thật sự.
2. Lựa chọn thêm một chuyên ngành khác mà bạn thích.
3. Ngủ, vận động và đi chơi với bạn bè vào tối thứ 6.
Tôi đã buộc bản thân phải làm việc hiệu quả bằng cách giới hạn thời gian cho công việc ở trường. Tất nhiên, khi bạn tự hỏi bản thân rằng “Mình có nên làm gì không ?” Bạn sẽ rất dễ rơi vào cái bẫy của suy nghĩ đó là “Tôi không có thời gian, tôi cần phải học”. Thật ra đấy mới chính là vấn đề.
LỜI KẾT
Nói chung, hai định lý rất dài trên chính là cách để tôi sử dụng thời gian hiệu quả thời đi học và học được những gì thực sự cần thiết với tôi. Bên cạnh đó tôi vẫn có thể đầu tư thời gian vào công việc, dự án và vui vẻ với cuộc sống ngoài sách vở. Tôi vẫn duy trì làm thêm cho đến cuối kỳ và nhận điểm A cho môn Truyền nNhiệt. Tôi luôn tự hào về điều đó. Học kỹ thuật luôn khó… cho đến khi bạn hiểu được “luật chơi”,biết đầu tư thời gian thông minh. Việc giải quyết các vấn đề sẽ trở lên dễ kiểm soát hơn. Hãy dành thời gian cho những thứ quan trọng, thật sự tập trung khi học và bạn sẽ có cả ba thứ: “Điểm số cao”, “Ngủ ngon giấc” và “Chơi bời cùng bạn bè”.
Biên dịch: Trungmaster, theo Engineering.com
Tác giả: Tom Miller
bài viết của bạn rất hay 🙂