Tảo biển vẫn luôn được coi là một loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ. Thịt xông khói (bacon) thì không. Nhưng xu hướng chung con người vẫn thích thịt hơn là tảo, giải pháp ở đây là gì? Có cách nào để vừa được thưởng thức hương vị thịt xông khói vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khoẻ hay không ? Mới đây các nhà nghiên cứu tại Đại Học Bang Oregon (Oregon State University-OSU) đã đăng ký bản quyền một chủng tảo đỏ được tạo ra trong phòng thí nghiệm mới, cùng với tuyên bố: “Loại tảo này có vị cực kỳ giống thịt xông khói khi được sấy khô”. (Ảnh minh hoạ: OSU)
Các chúng tảo đỏ vốn được con người sử dụng từ nhiều năm nay, như là thức ăn bổ sung hoặc thực phẩm chức năng. Dạng mới của tảo đỏ, tên gọi khoa học Palmaria mollis, được tạo ra bởi một nhóm các nhà khoa học tại OSU, dẫn đầu bởi Giáo Sư Chris Langdon. GS Langdon đã tiến hành nuôi loại tảo này từ 15 năm trước. Ban đầu, mục đích của Langdon chỉ là tạo ra một loại tảo biển để làm thức ăn trong các ngư trường bào ngư. Loại tảo biển do Langdon tạo ra không chỉ có tốc độ tăng trưởng nhanh còn rất giàu vitamin, chất khoáng và chất chống oxi hoá. Chúng có thể chứa đến 16% protein trên tổng khối lượng sau khi phơi khô. Khi bào ngư ăn chủng tảo này chúng tăng trường rất nhanh và “đạt mức từng được báo cáo trên lý thuyết”.
Ý tưởng về việc mở rộng ứng dụng tảo đỏ thành thức ăn của người, được Chuck Toombs (Khoa Kinh Doanh Đại Học OSU) đưa ra khi ông đi tìm kiếm dự án kinh doanh cho các sinh viên của mình. Sau đó nhà nghiên cứu ẩm thực, đầu bếp Jason Ball bắt đầu tham gia dự án. Qua một vài thí nghiệm, ông đã phát hiện ra rằng loại tảo đỏ này có hương vị đặc trưng rất giống thịt xông khói. Không chỉ vậy,ngay cả những chiếc lá đỏ, trong suốt của chúng cũng na ná như các miếng thịt thật.
Hiện tại, Giáo Sư Langdon có thể nuôi được từ 9-14 kg tảo một tuần bằng thiết bị trong phòng thí nghiệm, và dự định mở rộng lên sản lượng 45kg/ tuần. Trong khi đó các học trò của Toombs bắt đầu lên kế hoạch quảng cáo ra thị trường.
Biên dịch: Trungmaster, theo Gizmag