Toyoda Sakichi – người được xem là ông tổ của Toyota, sinh ra và lớn lên tại ngôi làng Yamaguchi thành phố Kosai, Shizuoka vào năm 1867. Làng quê của ông là nơi được bao quanh bởi màu xanh của những cánh đồng và nương rẫy. Vào thời ông sinh ra, số gia đình sống trong làng chỉ có 35 mà thôi, ngày nay cũng không có gì thay đổi nhiều lắm chỉ còn khoảng 50 gia đình sống tại vùng đất nhỏ này. Cha của Toyoda Sakichi là ông Toyoda Ikichi làm nghề thợ mộc, mẹ của Sakichi ở nhà dệt vải và chăm nom con cái. Cả cha mẹ của Sakichi đều là những tín đồ đạo Nhật Liên. Đương thời, cha mẹ ông cũng là những người vô cùng nhiệt huyết với cuộc vận động “báo đức” theo tinh thần của Ninomiya Takanori (một nhà tư tưởng khởi xướng tinh thần báo đức, cũng là người chỉ đạo các chính sách phục hưng nông nghiệp nông thôn Nhật Bản). Từ nhỏ, Toyoda Sakichi đã được thấm nhuần nhiệt huyết ấy, chính điều này đã nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành suy nghĩ cống hiến trong con người ông.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông Sakichi đã học nghề mộc. Nhưng đương thời, ông không thể tìm kiếm được công việc trong làng mình. Năm ông 18 tuổi, nước Nhật có điều lệ đặc quyền về buôn bán được bố cáo trong nước Nhật, dòng chữ “phát minh những đồ dùng hữu ích” trong bản bố cáo như đi vào đúng con tim khát khao một sự đổi mới của ông.“Chính là phát minh, phát minh là con đường để cống hiến cho xã hội và thay đổi đất nước”. Năm sau, để làng quê lại sau lưng ông lên Tokyo. Đầu tiên ông thăm các công xưởng sản xuất máy móc, ông có ghé thăm nhà máy đóng tàu Yokosuka, nhà máy đóng tàu quân sự của Nhật Bản. Tại đây, ông tròn mắt trước những chiếc máy và các cơ cấu động lực trong những con tàu lớn này. Quay trở về quê cũ, ông nhớ lại những tháng ngày nép vách nhìn mẹ dệt vải, ông thấy được sự cực nhọc trên đôi tay của mẹ. Chính những điều này đã trở thành động lực để ông nghiên cứu, tìm cách chế tạo thành công chiếc máy dệt bán tự động vào năm 1890. Sau những thành công ban đầu, ông tiếp tục chăm chỉ làm việc, dồn toàn tâm toàn sức cho việc cải thiện để tạo ra chiếc máy dệt tự động, và nghiên cứu của ông đã được đưa vào trong cuốn sách giáo khoa cho học sinh Nhật Bản thời bấy giờ.
Câu nói trên tiêu đề bài viết được ông nói khi muốn đưa công xưởng máy dệt sang Thượng Hải – Trung Quốc. Lúc đó, những người xung quanh đã phản đối nhưng ông vẫn kiên quyết với quyết định của mình và đã cùng gia đình chuyển qua Thượng Hải sống một thời gian. Phía sau cánh cửa là cả một thế giới rộng lớn mà hiện tại chúng ta chưa nhìn thấy. Khi mở cửa ra là lúc chúng ta có thể vượt lên được cái màng bọc xung quanh từ trước tới giờ. Đó là bước đầu tiên để bước vào một thế giới mới. Ở đâu cũng vậy, đối với ai cũng thế, xung quanh chúng ta vô hình vẫn đang tồn tại những cánh cửa. Hãy một lần mạnh dạn mở cánh cửa để bước ra một thế giới đầy những điều mới lạ đang rộng mở ở ngoài kia.
Thực hiện : Nguyễn Sinh Côn
Theo cuốn : Quan niệm kinh doanh của lãnh đạo Toyota
Các bài viết tương tự có tại tạp chí VietFuji hàng tháng