Trong kinh doanh, từ xưa đến giờ người ta vẫn luôn tranh luận với nhau về tầm quan trọng của hai khái niệm “bắt tay vào làm” và “làm đến cùng”. nhưng đối với cải cách trong công ty thì nếu cảm thấy “cái này hợp với mình” hoặc “cái này hay” thì kiên trì làm tới cùng mới là đúng đắn.
Có một công ty mới áp dụng phương thức sản xuất Toyota để thực hiện cải cách. Một ngày nọ một nhân viên trẻ phát hiện ra một cuốn sách cũ và hớn hở la lên: “Kiếm được thứ hay ho rồi”. Nhưng ngạc nhiên thay, tiêu đề của cuốn sách cổ này là: “Cách dẫn nhập phương thức sản xuất Toyota”. Điều này chứng tỏ từ rất lâu về trước công ty này đã từng thử ứng dụng phương thức sản xuất Toyota.
Khi nhìn thấy cuốn sách này, một vị trưởng công trường lớn tuổi đã nói : “Đúng là hồi xưa, khi tôi còn trẻ, thời ấy phương thức sản xuất Toyota đang trở thành trào lưu. Công ty ta cũng đã cố gắng học tập phương thức này. Mở hội học tập, áp dụng Kaizen (cải thiện), nói chung là vô cùng náo nhiệt. Nhưng có một mặt hạn chế đó là công ty ta nhanh cập nhật trào lưu nhưng lại chóng chán. Phương thức Toyota cũng gặp tình trạng như vậy, ban đầu thì rất nhiệt tinh nhưng được một thời gian thì thậm chí còn không thèm nhắc tới nó nữa”.
Những khó khăn trong việc duy trì như câu chuyện trên không hề hiếm. Tại những công ty đã gặt hái được thành công nhất định nhờ vào phương thức Toyota, mỗi tháng có đến cả nghìn lượt khách tham quan. Mọi người ai cũng tích cực hỏi han, lắng nghe đội ngũ Kaizen nói chuyện, nhìn ngắm công trường để có thể về áp dụng cho công ty của mình. Nhưng số doanh nghiệp thực tế áp dụng phương thức này không hề nhiều, vấn đề cũng chỉ nằm ở hai chữ “”duy trì”.
Duy trì chính là một bộ phận không thể thiếu của sáng tạo
Phương thức Kaizen của Toyota về mặt lý luận không hề khó nhưng lúc bắt đầu áp dụng thì vô cùng trắc trở và để duy trì thì càng vất vả hơn nữa.
Tại sao lại như vậy? Lúc bắt đầu hoạt động Kaizen, vô số lãng phí sẽ được phát hiện, dẫn đến hiệu quả tăng lên thấy rõ. Nhưng dần dần hiệu quả này sẽ đạt giới hạn. Tới đó, đa số sẽ cảm thấy thoả mãn và cho rằng: “Có được kết quả tốt rồi”, và dần dần xem nhẹ các biện pháp Kaizen.
Để thu được kết quả thực sự trong phương thức Toyota thì bắt buộc phải tiến hành Kaizen cả những lãng phí mà mắt thường không thể thấy được. Muốn vậy phải không ngừng nâng cao mục tiêu rồi triệt để làm cho tới cùng. Nếu sớm thoả mãn với kết quả đạt được rồi lơ là thì đó không thể gọi là Kaizen.
Nguồn gốc của phương thức sản xuất Toyota là “hệ thống Suggestion” của công ty Ford Motor. Công ty Toyota đã nắm bắt phương thức này không lâu sau chiến tranh và duy trì thực hiện đến nay đã được gần 70 năm. Điểm ngạc nhiên ở đây là chính công ty Ford Motor đã từ bỏ phương thức này từ lâu.
Điều gì cảm thấy tốt thì hãy duy trì thực hiện. Làm cho đến khi nào Kaizen ăn sâu vào máu thịt của công ty mới gọi là ổn. Đó mới chính là phương thức Toyota chân chính.
Trên đời có rất nhiều lý luận, hệ thống, những điều mới liên tục được khám phá. Thấy hứng thú và thử này một chút, thử kia một chút thì cũng không có gì là xấu. Nhưng quan trọng ở chỗ, nếu thực sự tìm thấy thứ tốt nhất, hãy kiên trì làm tới cùng để biến nó thành nền tảng của công ty.
Nguồn: trích 図解トヨタのすごい習慣&仕事術ー若松義人
Người dịch: Trịnh Trần Khánh Duy