Hoạt động Kaizen

“Phiền phức quá”, “Mệt mỏi quá”… Bạn có than phiền như vậy rồi từ bỏ việc đang làm không? Hãy cố gắng thử suy nghĩ cách làm cho công việc nhẹ nhàng hơn.

Nếu thấy vất vả hãy suy nghĩ cách làm nhẹ nhàng hơn

Để giải quyết vấn đề thì cần thiết phải cải thiện. Thế nhưng đáng buồn là không ít người suy nghĩ rằng bản thân việc cải thiện rất “phiền phức”, “khó khăn”. Xin đừng quên rằng Kaizen (cải thiện) chính là một công cụ để bản thân cảm thấy làm việc một cách nhẹ nhàng hơn, dễ dàng hơn, mà những cách Kaizen có thể lại xuất hiện từ những thứ vô cùng thân thuộc.

Ông H, giám đốc của một công ty đang sắp phá sản, đang có suy nghĩ muốn thay đổi tình hình bằng cách đẩy mạnh hoạt động cải thiện hiện đang bị đình trệ trong công ty. Lý do xảy ra tình trạng đình trệ là do khi tình hình kinh doanh của công ty đi xuống thì công ty có xu hướng không muốn tốn tiền cho các hoạt động Kaizen. Đúng vậy, trong một khoảng thời gian ngắn có thể tiết kiệm một khoản chi tiêu cho hoạt động này, thế nhưng khi dừng hoạt động Kaizen thì hoàn toàn không có ý tưởng mới được đưa ra và kết cục là tình hình kinh doanh lại càng tệ hại hơn

Vì thế, ngay thời điểm hoạt động kinh doanh đình trệ thì việc ông H có suy nghĩ mở lại hoạt động Kaizen cũng là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, do ban đầu công ty chỉ kêu gọi một cách chung chung như “Mọi người hãy cùng chung sức đưa ra ý tưởng” nên hầu như đã chẳng đưa ra được phương án Kaizen nào đáng kể cả. Con người thường có khuynh hướng nghĩ rằng Kaizen là chuyện của một bộ phận người nào đó chứ không phải của mình hoặc có những suy nghĩ thiếu tích cực như “ý kiến như vậy thì có làm cũng chẳng thay đổi được gì đâu”.

Vào thời điểm đó, ông H đã tập hợp tất cả nhân viên và hỏi họ rằng: “Trong lúc làm việc, mọi người có cảm thấy khó khăn không? Nếu cứ bỏ mặc như vậy thì dần sẽ cảm thấy vô cùng bất mãn với công việc đấy. Nếu đổi cách suy nghĩ, ví dụ như “Liệu có cách làm nào tốt hơn không?”, “làm cách nào để làm việc nhẹ nhàng hơn?” thì chắc chắn nó sẽ trở thành ý tưởng cho các hoạt động Kaizen”. Thêm nữa, ông còn khuyên: “Nếu cố gắng theo thực hiện theo phương pháp Kaizen của Toyota, không những làm lợi cho công ty mà công việc của các bạn cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn”.

Những thay đổi phần nhiều có được từ những kết quả xấu

Có nhiều người tuy nhận ra vấn đề ở đâu nhưng lại lúng túng không biết cách giải quyết như thế nào. Lời khuyên dành cho bạn là hãy trao đổi những phát hiện ấy với những người xung quanh. Chắc chắn cũng sẽ có những người không nhận ra được vấn đề nhưng lại rất giỏi trong việc đưa ra ý tưởng, hãy lôi kéo họ cùng giải quyết vấn đề gặp phải. Cứ như thế mà tận dụng thế mạnh của mỗi người vào hoạt động Kaizen, cách làm này sẽ mang lại kết quả rất tốt đấy.

Trong phương thức Kaizen của Toyota, điều quan trọng không phải là việc bạn phải trở thành một siêu sao giải quyết được tất cả mọi việc mà chính là kéo mọi người cùng nhau góp trí tuệ của mình để cùng giải quyết vấn đề. Bất cứ công việc nào cũng có khó khăn, cực nhọc. Nếu cứ để chịu đựng như thế sẽ dẫn đến ghét bỏ công việc đang làm, thậm chí muốn bỏ việc. Hãy dùng sức “chịu đựng” ấy để chuyển sang suy nghĩ cách thức làm sao để công việc nhẹ nhàng hơn, những chỗ mà bản thân yếu kém thì nhờ sự giúp đỡ từ những đồng nghiệp. Bằng cách làm này, công ty của ông H cuối cùng cũng có những thay đổi tích cực, mọi người bắt đầu biết cách suy nghĩ cùng nhau và các phương án Kaizen lần lượt được đưa ra.

Ví dụ

Có một nhân viên đi làm luôn cảm thấy chán nản nên hay muộn, khi làm thì lúc nào cũng nhìn đồng hồ mong đến 5 giờ để ra về. Để cải thiện tình hình này, anh ta bắt đầu thay đổi suy nghĩ, khi bắt đầu đi làm thì không suy nghĩ “mình phải đi làm việc nữa” mà nghĩ rằng “mình đi cống hiến trí tuệ của bản thân”. Nhờ hướng suy nghĩ tích cực ấy mà công việc ở công ty đã trở nên vui vẻ hơn, thú vị hơn. Không phải là cách giải quyết vấn đề triệt để nhưng suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn bắt tay vào công việc với tâm trạng nhẹ nhàng hơn và tiến gần tới lời giải cho những vấn đề mà bạn gặp phải.

Nguồn: trích 図解:トヨタのすごい習慣&仕事術ー若松義人

Người dịch: Trịnh Trần Khánh Duy.

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan