Bài hôm nay chúng ta cùng nghe những chia sẻ của ông Yamada về chủ đề “lao động”. Ông Yamada được biết tới là người đã giúp Sony, Canon cải cách công xưởng những năm 80 của thế kỷ trước. Là người hoạt động trong mảng tư vấn kinh doanh, ông đã đặt chân tới rất nhiều công ty và tiến hành chỉ đạo trong hơn 350 mảng sản xuất kinh doanh khác nhau như ô tô, máy dệt, thực phẩm… Từ những kinh nghiệm gắn bó sâu sắc với lĩnh vực sản xuất ông Yamada đã đúc kết lại 20 điều mà ông tâm đắc. Trong phạm vi có thể đăng tải, VietFuji sẽ chọn lọc và giới thiệu tới các bạn những suy nghĩ tiêu biểu. Các thông tin chi tiết về bài viết, các bạn có thể đón đọc chuyên trang Nikkei Monozukuri từ số báo tháng 7/2014.
Làm việc là gì?
Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày tôi (ông Yamada) rời tòa soạn báo. Trong suốt thời gian đó, tôi luôn tự hỏi mình một điều “làm việc là gì?”. Một ngày 8 tiếng, lăn lộn tại nơi làm việc, nhưng ở đó bạn phải làm gì mới được gọi là làm việc? Có người trả lời với tôi rằng làm việc là nâng cao tính sản xuất hay nâng cao giá trị gia tăng, nhưng tự đáy lòng tôi không thể hài lòng với những câu trả lời này.
Đúng lúc đang tự đặt mình trong những câu hỏi mà nhiều người cho là ngớ ngẩn, tôi bắt gặp Ono Taiichi (nguyên phó giám đốc Toyota). Được nghe Ono nói về Kaizen, tôi cũng đã được tận mắt chứng kiến các trưởng phòng của Toyota tập trung lại và tiếng hành hoạt động Kaizen. Ngày nay rất nhiều công ty áp dụng phương thức sản xuất Toyota nên việc quan sát cách làm không phải gì quá khó khăn, nhưng thời đó với tôi việc được tận mắt thấy các công đoạn hoạt động theo phương thức Kamban là một điều hết sức may mắn. Tại đây, các công đoạn làm triệt để việc không tạo ra sản phẩm dư thừa, khi công đoạn sau chưa lấy đồ đi thì công đoạn trước sẽ không sản xuất.Nhờ áp dụng triệt để cách làm này mà dây chuyền sản xuất vốn dĩ cần 20 người, nay có rút bớt nhân công vẫn có thể hoạt động bình thường.
Đêm đó, trở về nhà tôi suy nghĩ mãi không sao chợp mắt được. Tôi vắt tay lên trán và tự hỏi mình “thế nào là nâng cao năng suất trên mỗi đầu người? Những công xưởng phải làm gì để nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi đầu người?”. Nghĩ mãi không ra, tôi quyết định đi quan sát trực tiếp dưới công xưởng.
Hồi đó, cứ điểm của tôi nằm ở tỉnh Gifu (một tỉnh nằm ở miền trung Nhật Bản), nơi được biết đến là thành phố DỆT. Tôi đặt chân tới nhiều nhà máy dệt vải. Trong những nhà máy này, khi chỉ đứt máy tự động dừng, người đứng máy chỉ làm việc khi máy dừng (chạy tới xỏ chỉ) khi máy chạy tất nhiên họ sẽ ở trạng thái “chờ”. Sau đó tôi sang những công xưởng may. Tại đây, tôi không đứng nhìn như công xưởng trước, tôi cùng với những người công nhân đạp máy khâu và may từng đường chỉ một, những sản phẩm may xong tôi chuyển tới công đoạn sau một cách cẩn thận. Khi đó, tôi mới chợt nhận ra rằng “giá trị gia tăng chỉ được tạo ra khi con người cử động chân tay, khi máy khâu chạy tạch tạch tạch tạch mà thôi”.
Sau đó, tại công xưởng này, tôi tiến hành các biện pháp kaizen, kết quả công việc trước phải 4 người làm thì nay nó được rút xuống 3 người trong cùng khoảng thời gian và vẫn giữ nguyên được chất lượng. Lúc đó tôi đã vô cùng vui sướng vì những nỗ lực của mình đã đạt được kết quả, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được sự vui mừng lúc đó.
Giá trị gia tăng chỉ được sinh ra khi con người động chân động tay, tôi gọi việc động chân động tay này là “làm việc”, và người đánh giá giá trị công việc này dưới thước đo là giá trị gia tăng không ai khác đó chính là khách hàng.
Nếu không muốn làm thì chẳng làm được gì cả
Ở phần trên tôi đã chia sẻ về câu chuyện nâng cao năng suất, nâng cao giá trị gia tăng. Trong ngành sản xuất, có thêm một điều nữa mỗi người nên ý thức, đó là “để sản xuất ra được một sản phẩm nó liên quan tới rất nhiều người”.
Để tạo ra được một sản phẩm, có sự tham gia của rất nhiều người, họ là ai? Họ là những người nghiên cứu kỹ thuật cơ bản, người làm kinh doanh lên kế hoạch sản phẩm, người kỹ sư thiết kế, người thợ sản xuất, người bán hàng bán sản phẩm…Tương tự, ngay trong công xưởng, các công việc lại được chia nhỏ, cụ thể
- Người mua nguyên vật liệu
- Người nhận vật liệu, người kiểm tra vật liệu
- Người chuyển hàng vào kho
- Người khuân linh phụ kiện tới bộ phận tác nghiệp
- Người lắp ráp các linh phụ kiện để tạo thành sản phẩm
- Người vận chuyển sản phẩm hoàn chỉnh tới các cửa hàng…
Còn nhiều khâu khác và còn nhiều người cùng tham gia vào quá trình sản xuất một sản phẩm. Bởi vậy, nếu ý chí của nhiều người bị chia theo nhiều hướng khác nhau thì không thể nâng cao hiệu suất sản xuất. Tầm quan trọng của việc thống nhất ý chí, và khơi dậy mong muốn làm việc của từng người trong chuỗi sản xuất có lẽ chúng ta không cần phải đề cập bằng nhiều ngôn từ tại đây.
PEC và khẩu hiệu “làm nào”
Tại nơi làm việc của tôi (PEC), việc cần làm đầu tiên trong khóa thực tập dành cho mỗi nhân viên đó chính là khóa “huấn luyện đạo đức” nhằm giúp nâng cao tinh thần làm việc. Cụ thể khóa huấn luyện này có gì đặc biệt? Khóa huấn luyện được bắt đầu bởi những câu khẩu hiệu mà đối với học sinh Nhật Bản khá quen thuộc Kiritsu (đứng dậy), Rei (lễ = chào cúi đầu), Chakuseki (mời ngồi), tiếp đó là hàng loạt những câu khẩu hiệu lấy tinh thần như: Tôi sẽ làm, chính tôi sẽ làm, cùng làm nào, làm thử rồi hãy nghĩ. Nghe có vẻ như không khí trong buổi huấn luyện quân sự, nhưng chính việc hô to những khẩu hiệu này lại trở nên quan trọng để nâng cao tinh thần làm việc của mỗi người. Nghe có vẻ điên rồ và ngớ ngẩn nhưng những công xưởng tôi đảm nhiệm (những công xưởng ông Yamada tư vấn) tôi đều yêu cầu các leader hô vang những câu như thế.
Bức tường đầu tiên tôi gặp phải trong nghề tư vấn đó là việc khơi dậy tinh thần làm việc của những người dưới xưởng thông qua đối thoại. Lúc đó tôi có cơ hội được quan sát một người làm tư vấn kinh doanh đang đào tạo những người nữ nhân viên bán hàng. Người tư vấn bắt các cô gái hô to “mẹ ơi, hôm nay con sẽ cố gắng”, không phải hô một lần đâu, phải hô to suốt mấy tiếng đồng hồ liền. Và rồi, điều gì đã xảy ra? sau nhiều tiếng đồng hồ, họ đã khóc… tôi nghe thấy tiếng sụt sùi nức nở của những cô gái trẻ, họ nhớ về người mẹ của mình.
Người thầy lúc đó mới trao cho mỗi cô gái hai tờ giấy và yêu cầu các cô viết viết ra những tâm trạng và những điều muốn gửi tới người mẹ và cấp trên của mình. Phần đông các cô gái đều viết rằng “ngày mai con sẽ cố gắng. Lúc đó tôi như người ăn mày gặp chiếu manh, tôi đã nhận ra vấn đề. Để khơi dậy tinh thần làm việc của con người trước hết phải cùng nhau làm cùng một việc. Và rồi, cho họ tiếp tục công việc này liên tục cho tới mức tới hạn, tới khi TA và NGƯỜI đều có thể hài lòng. Cái chung giữa ta và người là điều hết sức quan trọng, bởi vậy trong đào tạo đạo đức, khi tất cả các học viên đã đạt tới mức giới hạn tôi sẽ vỗ tay vì những nỗ lực của họ. Hãy dừng lại một chút trước khi bạn đọc tiếp. Bạn có cảm nhận được cảm giác của người tham gia vào khóa đào tạo này không? Sẽ rất khó, bởi cảm giác đó nếu không cùng làm, cùng hô to cho tới khi không còn hô được nữa thì sẽ rất khó để hiểu được. Nó giống như khoảnh khắc cảm xúc của mỗi thành viên hòa vào nhịp cộng hưởng của một tập thể.
Suy nghĩ, năng lực của mỗi cá nhân được nâng cao tới mức tối đa dưới sự hỗ trợ, cổ vũ của tập thể, đây chính là nền tảng của làm việc tập thể. Làm việc trong sản xuất, cần phải xây dựng được môi trường làm việc tập sao cho tất cả là một.
Biên tập: Nguyễn Sinh Côn
Theo Nikkei Monozukuri tháng 7/2014