Việt Nam từ góc nhìn về sản xuất

Mười năm trước Việt Nam đã được thế giới nhìn nhận là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế thế nhưng thực tế về Việt Nam ở giai đoạn hiện nay không được như những gì mong đợi. Không chỉ bị thua anh bạn Thái Lan mà Việt Nam hiện nay còn bị tụt hậu so với cả Indonesia, quốc gia mà khoảng mười năm trước thua Việt Nam về cả kinh tế và kỹ thuật. Gần đây còn có nhiều phân tích chỉ ra rằng khả năng phát triển của Myanma còn có nhiều tiềm năng hơn so với nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam sẽ bị Myanmar, Campuchia bỏ lại phía sau hay thực sự tiềm năng phát triển sản xuất vẫn đang “ngủ” và cần yếu tố làm thức tỉnh. Phạm vi bài báo này xin được chia sẻ với các bạn những nhận xét từ thầy Yokota, giáo sư trường Nihon Daigaku, chuyên nghiên cứu về kinh doanh kỹ thuật.

1. Miền nam Việt Nam có quan hệ sâu sắc với Nhật Bản

Cũng giống như Nhật Bản, Việt Nam là quốc gia thon dài theo chiều nam bắc. Khoảng cách từ Hà Nội tới T.P Hồ Chí Minh vào khoảng 1700 Km tương đương với khoảng cách từ Tokyo tới thành phố Thượng Hải Trung Quốc. Miền Bắc Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc và chịu nhiều ảnh hưởng từ Quốc gia này, tuy nhiên miền nam Việt Nam không chịu ảnh hưởng quá nhiều  thay vào đó khu vực này có quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp đến từ Nhật và Đài Loan.

2. Quốc gia khó quyết định giá cả

Tôi (thầy Yokota) đi dọc quanh các khu phố của thành phố Hồ Chí Minh, điều khiến thầy đau đầu nhất là câu chuyện về định giá. Thầy có hỏi mua một căn hộ cao cấp bao gồm cả đất tại Quận 7, câu trả lời cho thầy là 1 tỷ. Nghĩ bụng, nếu một tỷ VNĐ thì có vẻ khá là rẻ đấy, nhưng mà Việt Nam mà có khi giá như vậy cũng là hợp lý. Nhưng hỏi kỹ ra thì không phải là một tỷ đồng mà là một tỷ Yên Nhật (tương đương khoảng 200 tỷ VNĐ).

Nhưng giá nhà đất không phải chỗ nào cũng cao như trong trung tâm thành phố, đi xa ra ngoại thành nếu có khoảng 2 tỷ đồng là có thể mua được một căn hộ bao gồm cả đất. Tùy khu vực và chất lượng của khu nhà ở mà giá mỗi căn nhà có thể chỉ tầm 200 triệu đồng. Câu chuyện giá cả không chỉ xuất hiện với nhà đất mà còn hiện hiện trong mọi ngõ ngách đời sống của người Việt Nam. Bước vào trung tâm mua sắm, tôi thấy có những dãy ghế sofa giá mấy trăm triệu đang bán rất chạy, nhưng khi vòng qua cửa hàng bên cạnh tôi lại thấy có những bộ ghế giá chỉ khoảng mấy triệu thôi nhưng cũng rất đông khách. Bữa ăn cũng vậy, ở Việt Nam có những bữa ăn tiêu tốn tới cả tiền triệu nhưng cũng có chỗ bạn chỉ cần bỏ ra mấy chục ngàn là có được bữa cơm khá ổn rồi. Chứng kiến những cảnh đó, khiến tôi bối rối khi bàn luận về vấn đề giá cả. Tôi cũng không hiểu được giá cả được quyết định như thế nào nữa.

Vậy nên việc điều tra thị trường của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam nếu chỉ dừng lại ở câu hỏi đơn thuần “theo anh chị sản phẩm này có thể bán được với giá bao nhiêu?” “giá thị trường hiện tại là bao nhiêu?” thì kết quả thu được sẽ khó có thể thích hợp cho hoạt động kinh doanh tại quốc gia có sự chênh lệch rất cao về giá như thế này.

3. Người Việt Nam “thích học”

Lần tới Việt Nam trước, tôi có tham gia giờ giảng tại một trường đại học tại T.P Hồ Chí Minh. Tôi có hỏi các bạn sinh viên “Các bạn muốn làm công việc gì?” dị khẩu đồng âm, phần đông các bạn trả lời muốn làm công việc quản lý. Nhiều bạn trả lời rằng, nếu có thể các bạn muốn làm giám đốc.

Các bạn trẻ dành nhiều tình cảm đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp đến từ Âu Mỹ. Tôi cũng có hỏi các bạn có muốn làm việc liên quan tới sản xuất (sử dụng máy móc) hay không? Câu trả lời tôi nhận được là không. “Đã mất công đi học đại học nên chúng tôi không muốn làm việc tại những nơi như thế. Công việc tại công xưởng lương vừa thấp, môi trường làm việc không tốt hơn nữa quản lý an toàn cũng không được đảm bảo. Nếu giả sử phải làm việc liên quan tới công xưởng sản xuất thì tôi muốn làm những công việc liên quan tới thiết kế sử dụng các phần mềm CAD/CAM, hay sử dụng máy móc hiện đại của những nước phát triển”. Thật là tiếc vì những mong muốn làm việc gắn bó với nơi công xưởng dường như rất khó tìm trong trường đại học Việt Nam.

9 giờ tối, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu nhộn nhịp với hàng loạt xe máy đổ hòa vào những con đường lớn. Lúc mới tới Việt Nam tôi lại cứ nghĩ đây là giờ đổi ca của công nhân, nghĩ bụng đúng là Việt Nam mọi người làm việc chăm chỉ quá. Nhưng thực tế lý do xe máy đổ ra đường hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng tưởng. Thực tế tại Hồ Chí Minh, 9 giờ tối là giờ tan học của những trường cao đẳng nghề, trường đại học, trung tâm ngoại ngữ…

Ở Việt Nam vì nhiều lý do trong đó có lý do về kinh tế gia đình mà nhiều bạn trẻ đi làm sau khi tốt nghiệp cấp 3. Mặc dù vậy, những người gắn bó với công ty đầu tiên thực sự rất hiếm, phần đông mọi người luôn nghĩ về những bước tiến tiếp theo (Step Up). Vì lý do đó, sau khi tan việc, nhiều người tiếp tục tới học tại những trường dạy nghề, trường đại học, trung tâm ngoại ngữ buổi tối, tất nhiên chi phí do cá nhân tự trả. Nâng cao kiến thức, năng lực là điều kiện để chuyển việc tới những công ty có ưu đãi tốt hơn, nhưng thực tế cho thấy rất hiếm người có thể hài lòng chỉ sau một lần chuyển việc, bởi vậy mà họ lại tiếp tục hướng tới những công ty tốt hơn và kết quả là tiếp tục đi học.

Văn hóa chuyển việc là nét đặc trưng của các nước Đông Nam Á, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ nhưng “chuyển việc” của người Việt Nam có những nét riêng so với quốc gia khác. Người Việt Nam không phải chỉ hướng tới những doanh nghiệp có lương bổng cao hơn mà không có những nỗ lực để nâng cao năng lực bản thân, họ có nâng cao năng lực trước khi chuyển việc.

Trường và trung tâm ca tối cũng rất đa dạng. Nếu muốn làm việc trong những công ty tốt của Nhật, các bạn trẻ có thể đi học tại các trung tâm tiếng Nhật, nếu muốn làm việc cho những doanh nghiệp Âu Mỹ thì tại đây cũng không thiếu những trung tâm anh ngữ. Ngoài ra còn nhiều trung tâm và trường dạy nghiệp vụ kế toán, tin học, luật …Có mục tiêu rõ ràng, có mong muốn phát huy năng lực bản thân trong những lĩnh vực đã lựa chọn, và quan trọng là tự bỏ tiền túi ra đi học nên các bạn học với thái độ hết sức nghiêm túc.

Nhiều người Nhật đã than phiền vì văn hóa chuyển việc của người Việt Nam nhưng như tôi có trình bày trước đó lý do chuyển việc của người Việt Nam không giống như nhiều quốc gia khác trong cùng khu vực. Tiền lương là một phần nhưng người Việt Nam muốn nâng cao năng lực, bởi vậy không ít bạn trẻ đã chuyển việc do cấp trên “chưa khiến các bạn phát huy được hết năng lực cá nhân”. Điều này có phần hơi khác so với văn hóa tuyển dụng của Nhật, vì người Nhật đòi hỏi những người kiên trì nhẫn nại. Có lẽ cũng vì vậy mà những nhà tuyển dụng của Nhật đã thất bại trên đất nước Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đối với các bạn trẻ Việt Nam khi vào làm việc trong công ty, phần đông các bạn đang nghĩ tới một trong hai việc, một là học, hai là làm.

4. Tại sao Việt Nam chậm phát triển?

Nhiều người cho rằng lý do ngành sản xuất của Việt Nam chưa phát triển là do không có ngành công nghiệp ô tô. Quốc gia không có ngành công nghiệp ô tô thì thực sự rất khó có thể kỳ vọng vào sự phát triển trong lĩnh vực sản xuất. Nếu suy nghĩ như vậy trước tình hình công nghiệp sản xuất ô tô đang được đẩy mạnh ở Thái và ở Indonesia thì Việt Nam có phải đang mất dần cơ hội để phát triển hay không?

Đúng là ngành công nghiệp sản xuất ô tô ở Việt Nam như hiện nay không chừng là khá khó khăn, nhưng tôi lại suy nghĩ rằng lý do Việt Nam chưa trở thành một nước công nghiệp lớn lại nằm ở khía cạnh khác. Không chỉ Thành Phố Hồ Chí Minh, Hà Nội mà cả những thành phố lân cận hai trung tâm kinh tế lớn này hiện có rất nhiều khu công nghiệp lớn nhỏ, cũng không ít những khu công nghiệp mới đang dần được mọc lên. Một bộ phận những nhà máy trong những khu công nghiệp này được định nghĩa là những khu chế xuất tức những công xưởng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu, điều này đồng nghĩa với những sản phẩm này chỉ “nghỉ chân” tại Việt Nam trong một thời gian ngắn trước khi lên đường xuất sang nước ngoài. Nếu nhìn vào con số xuất khẩu thì tôi không phủ định việc làm này đang đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhưng nếu đặt câu hỏi ngược trở lại, những khu công nghiệp này có tạo cho Việt Nam một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành sản xuất hay không thì tôi cũng còn có rất nhiều nghi vấn. Những sản phẩm công nghiệp trong những khu chế xuất này phần nhiều không được chảy vào thị trường Việt Nam, đó là chưa kể những sản phẩm này phần nhiều lại được lắp ráp từ những linh phụ kiện được nhập từ nước ngoài. Rất hiếm để có thể tìm được những mặt hàng được điều phối linh phụ kiện ngay trong nước Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam chỉ mới tham gia vào phân khúc có mức lợi nhuận thấp nhất trong lĩnh vực sản xuất đó chính là khâu lắp ráp.

Để giải thích cho vấn đề này có thể suy nghĩ từ một số lý do. Ví dụ, chúng ta cùng suy nghĩ về ngành công nghiệp mạ. Ngành này tiềm ẩn những nguy cơ và những rủi ro đối với môi trường, xã hội, do đó nhà nước kiểm soát hết sức khắt khe. Kết quả là ngành công nghiệp nền tảng này không được phát triển. Do đó, nếu suy nghĩ một cách cực đoan thì ngành sản xuất của Việt Nam hiện nay giống như lĩnh vực bất động sản chỉ cho các doanh nghiệp nước ngoài mượn đất và mượn nhân công mà thôi. Hiện tại những khu công nghiệp tầm trung trở lên đang hướng mũi tên tới những khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu so với Indonesia, nước đã lấp đầy các khu công nghiệp thì các khu công nghiệp của Việt Nam cũng không phải là món mồi ngon cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Lý do hết sức rõ ràng. Hiện tại ưu thế lớn nhất của Việt Nam đặt vào lợi thế cạnh tranh về giá nhân công. Thế nhưng hiện tại Myanmar hay Campuchia còn có giá nhân công rẻ hơn cả Việt Nam. Ngoài ra còn một lý do lớn nữa đó là khó có thể kỳ vọng vào thị trường trong nước đối với sản phẩm công nghiệp tại thời điểm hiện tại. Bởi vậy nỗi lo không chỉ dành cho những khu công nghiệp mới xây dựng mà những khu công nghiệp đã được hoàn chỉnh cũng phải chuẩn bị tinh thần vì có nguy cơ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ rời Việt Nam.

5. Cho dù vậy, tương lai sáng vẫn đang đợi Việt Nam

Nhìn vào dân số Việt Nam có thể thấy đôi điều đó là đông và trẻ. Dân số Việt Nam hiện vào khoảng 90 triệu dân và tuổi trung bình vào khoảng 26 tuổi. Việt Nam có thực hiện chính sách 2 con để kiềm chế tăng dân số nhưng một quốc gia coi trọng quan hệ gia đình như Việt Nam thì những gia đình ba con hiện tại không phải là chuyện hiếm. Vậy nên tương lai dân số Việt Nam sẽ chạm mức 100 triệu. Nếu so với Myanmar với 62 triệu dân thì thị trường trong nước của Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng được.

Thêm một thế mạnh của Việt Nam nữa đó chính là vị trí địa lý có nhiều thuận lợi, Việt Nam thon dài theo chiều Nam Bắc và có nhiều cảng nước sâu. Indonesia hay Thái Lan đúng là đang được đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất ô tô nhưng mỗi chiếc xe cần tới khoảng 30.000 chi tiết các loại nên cũng rất khó để điều phối tất cả linh phụ kiện trong phạm vi một quốc gia. Đó là chưa kể, việc tập trung sản xuất tại một quốc gia sẽ tiềm ẩn những rủi ro khi xảy ra biến cố xã hội hay biến cố thiên nhiên. Đó là lý do các doanh nghiệp phải tính tới việc phân tán rủi ro và có những nhà máy sản xuất ở những nước lân cận. Trong khu vực Đông Nam Á, không có quốc gia nào phù hợp hơn Việt Nam trong việc cùng với Thái và Indonesia tạo thành cụm phát triển bền vững ngành công nghiệp sản xuất ô tô.

Theo hướng suy nghĩ này, khi ngành công nghiệp ô tô tại các nước lân cận (Thái, Indonesia) ngày càng phát triển thì càng cần suy nghĩ tới mức độ cần thiết của Việt Nam. Việc từ bỏ ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam tại thời điểm này là quá sớm.


Theo Nikkei Monozukuri

Dịch và biên tập: Nguyễn Sinh Côn


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan

6 thoughts on “Việt Nam từ góc nhìn về sản xuất”

  1. Xuân Quyết

    Theo em thì thời đại trước các bậc lãnh đạo tư duy chưa thay đổi nên khó có thể làm kinh tế tốt được. Sau này nếu những người trẻ tuổi như chúng ta mạnh lên, cố gắng thay đổi cách nghĩ cách làm của nhiều người phù hợp với sự phát triển của những nước phát triển. Ví dụ như là bước đầu xây dựng cách nghĩ cách làm đúng, truyền tải những kinh nghiệm thấy được học được tại nơi chúng mình đang sống cũng rất có ý nghĩa.

  2. Các công ty thường không tồn tại khuynh hướng liên kết, mà thường ở trạng thái cạnh tranh. Chỉ có thể tạo ra một môi trường cạnh tranh để mở rộng thị trường. 🙂

  3. Trung MasterFive

    @Xuân Quyết: sự thiếu vắng các cộng đồng đủ mạnh để liên kết các công ty
    riêng lẻ là điểm yếu trong mọi ngành của VN :v. Thấy rõ luôn.

  4. Guest

    Anh nghĩ sự thiếu vắng các cộng đồng đủ mạnh để liên kết các công ty riêng lẻ là điểm yếu trong mọi ngành của VN :v. Thấy rõ luôn.

  5. Xuân Quyết

    Bất cứ quốc gia phát triển nào thì cũng phải có một nghành công nghiệp mũi nhọn phát triển hay là đã từng trải qua thời kì đó. Dân số nước ta đông nhưng không chịu hi sinh đoàn kết cho một mục tiêu phát triển công nghiệp thì không thể bứt phá ra khỏi nước nông nghiệp.

  6. […] Nam hiện nay đang bắt đầu bước sang giai đoạn chuyển mình mới. Trong bài trước thầy Yokota có nói Việt Nam đang ở thời kỳ hỗn độn nếu nhìn từ góc độ […]

Comments are closed.