Đối với những người đang phải sống chung với bệnh tiểu đường loại 1, việc kiểm tra và điều chỉnh lượng đường trong máu định kỳ là một điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên điều đó có vẻ sẽ thay đổi trong tương lai gần. Một tuyến tụy sinh học (bionic pancreas- có thể tạm dịch là tuyến tụy cơ năng học) đã được thử nghiệm trên 30 bệnh nhân trưởng thành và được đón nhận rất nồng nhiệt bởi những người làm thử nghiệm. Thậm chí, sản phẩm này còn được sự chấp thuật của Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho ba nghiên cứu chuyển tiếp trên bệnh nhân ngoại trú trong 18 tháng tiếp theo.
Những người bị mắc tiểu đường loại 1 sẽ không có khả năng sản sinh ra insulin, một loại hormone cần thiết để điều chỉnh lượng đường trong máu. Và kết quả là lượng đường trong máu sẽ thay đổi một cách bất thường, dẫn đến nguy cơ hư hỏng các cơ quan nội tạng khi lên quá cao, hoặc rối loạn và bất tỉnh khi xuống quá thấp.
Thiết bị mới này gồm có một cảm biến được đặt dưới da của người bệnh, chuyển tiếp các dữ liệu về nồng độ hormone đến một thiết bị theo dõi. Thiết bị theo dõi này sau đó sẽ truyền thông tin qua kết nối không dây đến một ứng dụng trên điện thoại của người sử dụng. Dựa vào dữ liệu được cung cấp cứ mỗi năm phút đó, ứng dụng sẽ tính toán liều lượng insulin hoặc glucagon cần thiết để duy trì nồng độ đường lý tưởng trong máu, và truyền thông tin đến hai thiết bị truyền hormone tương ứng được đeo trên người bệnh.
Tuyến tụy sinh học này được phát triển bởi Phó Giáo Sư ngành Kỹ Thuật Y Sinh tại Đại Học Boston, Tiến Sĩ Edward Damiano, và một Phó Giáo Sư tại Viện Y Khoa Havard, Tiến Sĩ Steven Russell. Đến nay, thiết bị đã được thử nghiệm với những con lợn bị mắc bệnh tiểu đường và trong ba nghiên cứu tiến hành (tại bệnh viện) trên người lớn và thanh niên trong thời gian từ 24-48 tiếng. Những nghiên cứu tiếp theo sẽ cho phép thiết bị được thử nghiệm trong tình huống thực tế trên người bệnh với ít sự giám sát hơn.
Nghiên cứu đầu tiên sẽ thử nghiệm hoạt động của thiết bị trong năm ngày liên tục. Hai mươi người lớn bị mắc tiểu đường loại 1 sẽ sử dụng thiết bị từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối. Trong thời gian đó họ sẽ phải đến một khu vực rộng khoảng 3 dặm vuông gần Bệnh Viện Đa Khoa Massachusetts (Massachusetts General Hospital-MGH). Các y tá phụ trách sẽ kiểm tra lượng đường trong máu của những người tham gia cứ mỗi hai giờ một lần để đảm bảo thiết bị vẫn hoạt động. Những người tham gia sẽ ngủ lại tại khách sạn, và lượng đường trong máu của họ vẫn sẽ được tiếp tục theo dõi qua đêm. Kết quả của nghiên cứu sẽ được so sánh với quãng thời gian tương ứng (5 ngày) mà người tham gia ở nhà tự lo cho bản thân mà không có sự trợ giúp của thiết bị.
Nghiên cứu thứ hai sẽ cần đến 16 chàng trai và 16 cô gái bị tiểu đường loại 1, thử nghiệm hoạt động của thiết bị trong 6 ngày, so sánh với sáu ngày dưới phương pháp điều trị thông thường. Nghiên cứu thứ ba sẽ cần từ 50 đến hơn 60 người tham gia bị tiểu đường loại 1 và đồng thời là những chuyên gia về y tế. Họ sẽ đeo thiết bị này trong hai tuần tại nhà và theo dõi thêm hai tuần tương ứng khi không sử dụng thiết bị.
Nếu các thử nghiệm chuyển tiếp thành công, một phiên bản tiên tiến hơn của tuyến tụy sinh học, dựa trên kết quả và phản hồi từ các thử nghiệm trước đó sẽ có bước tiến vượt thời đại với các thử nghiệm trọng điểm tại nhiều trung tâm y tế trong năm 2015. Thiết bị có thể là một máy bơm insulin hoặc glucagon, một hoặc hai buồng và không cần phải kết nối với ứng dụng trên điện thoại nữa. Thiết bị này cũng sẽ được thử nghiệm trên 100 người tình nguyện bị bệnh tiểu đường loại một trong thời gian sáu tháng. Kết quả thí nghiệm sẽ được đối chiếu với những bệnh nhân trong một nhóm khác với các phương pháp điều trị thông thường.
Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, Damiano hy vọng tuyến tụy sinh học sẽ được chấp thuận của FDA và sẵn sàng ra mắt vào nằm 2017, khi mà con trai của ông, một người cũng đang bị tiểu đường loại sẽ bước chân vào cấp học cao hơn.
Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag