Keo phủ để che lấp các kẽ hở trên tim

Một kẽ hở/ lỗ hổng trên tim chưa bao giờ là một điều tốt lành. Vậy nên mỗi khi có trẻ sơ sinh bị mắc khuyết tật này, các bác sĩ đều phải tìm phương án nhanh nhất để cứu vãn tình thế. Thật không may, chỉ khâu và kẹp y tế có thể dễ dàng làm tổn thương các mô tim, chưa kể thời gian khâu tốn rất nhiều thời gian. Các loại keo phẫu thuật hiện có thì lại mắc các vấn đề về độc tố và có thể bị giảm khả năng bám dính trong môi trường ẩm và có tính hoạt động cao như tim. Do vậy, các trẻ sơ sinh sau đó vẫn cần phải phẫu thuật để “tái lấp” lỗ hổng. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học đã phát triển một loại siêu keo mới dành tiêng cho trái tim, có thể nhanh chóng và an toàn phủ lấp các lỗ hổng.

Được biết đến chính thức với tên gọi hydrophobic light-activated adhesive (gọi tắt HLAA-tạm dịch: keo kích hoạt sáng tránh nước), loại keo này đã được phát triển dựa trên hợp tác nghiên cứu giữa Bệnh Viện Nhi Boston, MIT, và Bệnh Viện Phụ Nữ liên kết của Harvard và Brigham. Loại keo này được lấy cảm hứng từ loại dung dịch nhớt và chống thấm của động vật (ví dụ như ốc sên).

Loại keo lỏng này, ngoài các tính chất tương đồng với dung dịch nhớt đã kể bên trên, còn có tính tương thích sinh học, phân hủy sinh học (tự tiêu biến) và đồng nhất về tính đàn hồi. Điều này đồng nghĩa với việc dù có bị ngâm trong máu thì loại keo này vẫn sẽ bám dính vào tim, không bị rời ra, không bị lỏng ra bởi sự co thắt của cơ tim. Và nó cũng có khả năng tự phân hủy một cách an toàn khi lỗ trống đã được chữa trị hoàn chỉnh.

Thêm vào đó, quá trình phủ keo HLAA chỉ tốn có 5 giây khi được phơi dưới nguồn sáng tử ngoại. Vì không cần phải khâu và kẹp nên quá trình phẫu thuật cũng gây ít ảnh hưởng đến tim hơn các phương pháp thay thế khác.

hlaa
Hình ảnh minh họa cách thức đặt miếng vá lên lỗ hổng trên tim (Nguồn: Gizmag)

Trong quá trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, một miếng vá tự phân hủy đã được phủ một lớp HLAA và đặt vào các lỗ trống trên tim của một chú lợn (còn sống). Trong suốt 24 giờ thử nghiệm, dù áp lực máu chảy qua tim rất cao nhưng miếng vá vẫn khóa chặt miệng lỗ trống. Điều càng thú vị hơn là một trong những nhà khoa học dẫn đầu dự án này, Tiến Sĩ Jeffey Karp, cũng là đồng sáng chế của sản phẩm miếng vá phẫu thuật lấy cảm hứng từ lông nhím.

hlaa-4
Hình minh họa miếng vá và tương tác với các collagen của tim sau khi phẫu thuật xong (Nguồn: Gizmag)

HLAA hiện đang được phát triển sản phẩm thương mại bởi công ty Y Sinh Gecko, có trụ sở tại Paris, với hy vọng được ra mắt thị trường trong vòng 2 hoặc 3 năm tới. Công nghệ này ngoài việc sử dụng cho các khuyết tật tim bẩm sinh, còn nhiều tiềm năng ứng dụng cho các cơ quan nội tạng và bộ phận khác trên cơ thể người.

Tài liệu về nghiên cứu này hiện đã được đăng trên tạp chí Science Translational Medicine.


Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag

Tài liệu liên quan:

N.Lang, et al, “A Blood-Resistant Surgical Glue for Minimally Invasive Repair of Vessels and Heart Defects”, Sci Transl Med, Vol.6, Issue 218, p.218ra6.


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan