※ Ảnh minh họa (nguồn: Shutterstock)
Hãy tưởng tượng đến một ngày các trường hợp mù lòa hiện nay có thể dễ dàng được chữa trị bằng cách tạo ra mô tế bào mới, và thay thế vào phần bị lỗi của võng mạc. Tất nhiên, chúng ta chưa đạt đến mức độ như vậy. Thế nhưng một nghiên cứu tại Đại Học Cambridge đã giúp chúng ta có một bước tiến gần hơn đến điều đó. Các nhà khoa học đã xác nhận thành công trong việc sử dụng một máy in phun để “in” tế bào võng mạc chuột lên một bề mặt chất nền, mở ra một con đường cho việc tái tạo vật liệu chữa mắt có thể tùy biến (custom-made eye-repair material) trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tế bào hạch (ganglion cell) và tế bào thần kinh đệm (glial cell) từ võng mạc của các con chuột trưởng thành. Tế bào hạch ở võng mạc đóng vai trò chuyển tiếp dữ liệu từ mắt đến não, còn các tế bào thần kinh đệm thì hỗ trợ và bảo vệ các tế bào thần kinh.
Các tế bào đó được kiềm trong một dung dịch chứa (trong các lô riêng biệt, chứ không phải hòa lẫn vào với nhau). Dung dịch này sau đó được nạp vào bình chứa của một máy in phun áp điện (piezoelectric) của MicroFab. Từ bình chứa, một phần của dung dịch sẽ được nạp vào một mao mạch thủy tinh (glass capillary) với đầu phun được thu hẹp lại chỉ còn rộng khoảng 1 mm. Các tế bào sẽ bị phun ra khỏi đầu phun này khi có xung điện đi qua.
Các nghiên cứu trước đó tỏ ra khá quan ngại về vấn đề tần số rung động của đầu in áp điện có thể làm vỡ màng tế bào. Thế nhưng kết quả thử nghiệm cho thấy đây không phải là một vấn đề đáng kể, thậm chí, các tế bào hầu như còn không bị ảnh hưởng bởi ứng suất cắt cao và gia tốc xuất hiện trong quá trình “in”. Các tế bào sau khi được “in” ra vẫn thể hiện các đặc tính sinh trưởng bình thường.
“ Chúng tôi dự định mở rộng nghiên cứu này để tiến hành “in” các tế bào khác của võng mạc, và thử nghiệm xem các cơ quan thụ quang nhạy sáng (light-sensitive photoreceptors) có thể được tạo ra bằng công nghệ in phun hay không,” Giáo Sư Keith Martin, đồng điều hành dự án với Tiến Sĩ Barbara Lorber cho biết. “Thêm vào đó, chúng tôi cũng muốn cải tiến để quá trình “in ấn” phù hợp với sản phẩm thương mại hơn, với nhiều đầu phun.”
Công bố của nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Biofabrication.
Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag