Có một sự khác biệt giữa người có thể lãnh đạo hoạt động kinh doanh phát triển và người không thể làm được điều này.
Bạn có thể vẽ ra được chiến lược kinh doanh dài hạn và phát triển lợi nhuận cho công ty hay không điều này phụ thuộc nhiều vào việc bạn có thể khơi dậy tinh thần làm việc, tinh thần đoàn kết trong tập thể nhân viên và thành viên trong nhóm hoạt động của bạn. Việc kinh doanh thành hay bại tất cả liên quan chặt chẽ tới suy nghĩ và hành động của người lãnh đạo. Tùy theo người lãnh đạo mà hoạt động của công ty có thể sống hay chết.
Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp Nhật Bản đang dần chuyển quân ra nước ngoài, xã hội trong nước cũng đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề mà một trong những vấn đề nghiêm trọng hơn cả đó chính là sự già đi của dân số, môi trường kinh doanh có thể nói đang ở giai đoạn có những biến động gay gắt nhất. Tuy nhiên, ngay cả trong sự biến đổi đó, những yêu cầu dành cho những người lãnh đạo dường như vẫn không hề có sự thay đổi. Tại sao lại thế? Bởi lẽ khi tiến hành bắt tay thực hiện một kế hoạch kinh doanh nào đó cho dù hoàn cảnh có thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì người thực hiện vẫn không hề thay đổi đó chính là con người, mà con người thì từ trước tới nay vẫn không có gì thay đổi cả.
Chúng ta có thể học tập được những điều kiện mà người lãnh đạo nên có. Đầu tiên chúng ta sẽ học từ những người đi trước, những người đã đạt được thành công họ đã có những nỗ lực và có những cách làm cụ thể như thế nào? Chỉ cần hiểu được điều đó và áp dụng cho bản thân là bạn đã tiến dần hơn tới thành công một bước rồi. Qua việc phỏng vấn hơn 5000 nhà lãnh đạo của những doanh nghiệp, hôm nay tác giả xin giới thiệu với các bạn độc giả cách suy nghĩ và hành động của những nhà lãnh đạo thành công.
Phương pháp tìm ra gợi ý cho ý tưởng kinh doanh mới
Khi xây dựng một mô hình kinh doanh thành công, người làm kinh doanh phải làm được một trong hai việc hoặc là tạo ra những ý tưởng kinh doanh hoàn toàn mới hoặc là phải nâng cao năng lực cạnh tranh với những doanh nghiệp đã tồn tại trước đó. Cả hai cách làm đều có một điểm chung đó là người lãnh đạo cần phải có năng lực nhìn xa vấn đề.
Khi tôi hỏi giám đốc của hàng Lawson Shinryou “làm thế nào ông có thể nhìn ra những gợi ý cho những ý tưởng kinh doanh mới?”, giám đốc đã trả lời tôi như thế này:
Tôi bắt đầu tìm kiếm từ những điểm mà tôi thường tự hỏi bản thân như trong công ty, trong công việc, trong cuộc sống có điều gì không bình thường không? Tại sao lại có những điều bất bình thường ấy? Chắc chắn tôi sẽ tìm được điều gì đó từ việc quan sát xung quanh và cố gắng trả lời những câu hỏi ấy. Khi có được những câu trả lời,tôi bắt tay vào việc điều chỉnh thay đổi tổ chức…và nhiều trường hợp những thay đổi dẫn tới những cải cách lớn trong công ty.
Rất nhiều sản phẩm và dịch vụ đã được ra đời từ việc cải thiện những bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Bị đeo bám bởi sự bận bịu, nên con người thường không có thời gian để suy nghĩ về công việc mà họ đang làm hoặc có đi chăng nữa thì đa phần đều cho rằng công việc và cách thực hiện nó là những chuyện đương nhiên. Cách suy nghĩ này thật nguy hiểm, bạn hãy thay đổi một chút về công việc hiện tại xem thế nào. Vậy thay đổi thói quen như thế nào? Một cách đơn giản đó là hãy tạo cho mình một khoảng thời gian để suy nghĩ về những gì đã và đang diễn ra xung quanh bạn. Chỉ vậy thôi, tôi cá là bạn cũng sẽ thu được nhiều điều thú vị .
Tôi cũng đã được ông Fujita, giám đốc Mac Donald Nhật Bản chỉ cho tôi về ý nghĩa của việc dành cho bản thân một chút thời gian để suy nghĩ về những vấn đề xung quanh. Tôi có hỏi ông, bí quyết gì giúp ông thành công, ông đã trả lời ngay rằng đó chính là viết nhật kí. Từ năm 7 tuổi ông đã có thói quen viết nhật kí, ông không bỏ ngày nào cả và đến giờ ông vẫn duy trì thói quen ấy. Những lúc đọc lại cuốn nhật kí, ông đã nhận ra được chính những điểm yếu của mình, những thất bại trong quá khứ được ông lưu lại cẩn thận và mỗi lần đọc lại cuốn nhật kí như nhắc nhở ông rằng không được lặp lại sai lầm lần thứ hai. Cứ như thế, ông dần cải thiện những thói quen xấu và nâng cao năng lực bản thân.
Hãy lắng nghe chân thành từ nhân viên và những khách hàng
Nhiều khi chính bản thân bạn không nhận ra những điều bất thường nho nhỏ, nhưng những người xung quanh có thể giúp bạn nhận ra điều này. Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về khách hàng.
Ông Komatsu giám đốc công ty thực phẩm F-Piko tại Hiroshima có lần đã đặt câu hỏi: “Khi tình hình kinh doanh gặp khó khăn, chúng ta phải làm gì?”, ngay lập tức ông nhận được câu trả lời đó là hãy lắng nghe tình hình từ phía khách hàng.
Điều căn bản của Business nằm ở phía khách hàng. Nếu chỉ ngồi suy nghĩ về những khó khăn sẽ mãi không bắt đầu được gì cả, hãy đứng dậy và tiếp cận với khách hàng. Tiếp cận với khách hàng, không chỉ giải giúp chúng ta bám sát thị trường mà trong nhiều trường hợp còn giúp chúng ta có thêm những khách hàng tiềm năng khác, và điều gần nhất đó là thu được những ý tưởng kinh doanh từ những phàn nàn từ phía khách hàng.
Tất nhiên, không chỉ nghe những đóng góp từ phía khách hàng mà còn cần lắng nghe từ những nhân viên trong công ty và những người bạn đồng cấp. CEO của công ty Venture Accuthela (công ty mạo hiểm) của Mỹ đã nói rằng “Những phát kiến được ra đời từ những cách nhìn nhận đa dạng”. Với suy nghĩ này, khi tiến hành phát triển dòng sản phẩm mới là thuốc chống buồn ngủ, ông đã tập trung những nhân viên đến từ nhiều quốc gia, để thành lập công ty, đây có thể coi là một cách hay để đón nhận những feedback (phản hồi) từ những người có những cách nhìn nhận vấn đề khác nhau.
Một điều đặc biệt nữa tại công ty này đó là giám đốc và những thành viên chủ chốt trong công ty hiếm khi vắng mặt trong những buổi thuyết trình của nhân viên về những ý tưởng kinh doanh mới, họ quan điểm rằng không thể bỏ qua những hạt giống đã được các nhân viên ấp ủ. Trong mỗi buổi phát biểu, giám đốc Oyama luôn theo sát phần thuyết trình của nhân viên và ông luôn đặt ra những câu hỏi để người đề xuất phải suy nghĩ ra những hướng giải quyết cho chiến lược phát triển sản phẩm. Tất nhiên, người đề xuất sẽ trình bày những chiến lược cho từng ý tưởng và tại đây giám đốc và các thành viên chủ chốt sẽ đưa ra quyết định cho việc phát triển hay không. Cho dù ý tưởng có được thực hiện hay không thì việc lắng nghe ý tưởng và đặt câu hỏi để phát triển nó là việc hết sức quan trọng. Các CEO thành công luôn biết chọn lọc những ý tưởng hay và nuôi dưỡng, khuyến khích những ý tưởng chưa được hoàn chỉnh bằng cách lắng nghe chân thành.
Đưa ra tầm nhìn và kéo mọi người cùng hoạt động (巻き込む)
Khi nhìn ra được ý tưởng kinh doanh, cho dù đã bắt tay vào làm đi chăng nữa thì để đưa ra thành quả thì cũng sẽ cần tới thời gian. Trong khoảng thời gian đó, cần phải kéo nhân viên và đồng nghiệp vào hoạt động, duy trì lửa trong công việc. Trong lúc này, người lãnh đạo phải hiểu được ý nghĩa và tâm trạng của những người làm việc tập thể. Chìa khóa cho sự thành công đó chính là người lãnh đạo phải tạo ra được không khí sao cho nhân viên và đồng nghiệp muốn làm việc cùng với mình.
Giám đốc tiền nhiệm của chuỗi nhà hàng gia đình Dennys, ông Okubo đã chia sẻ 3 bí quyết trong việc nói chuyện với nhân viên đó là: Không nói nhiều, nói đơn giản, duy trì liên tục. Thầy Hayashi, giáo sư khoa thần kinh học của trường đại học Nihon đã chia sẻ: “nếu muốn lay động được nhân viên, hơn cả việc truyền tải bằng nhiệt huyết hãy lắng nghe chân thành”.
Vai trò của người lãnh đạo là suy nghĩ ra môi trường tạo ra không khí làm việc cho toàn thể nhân viên. Giám đốc công ty bất động sản Biwako Home thuộc tỉnh Shiga Nhật Bản đã chia sẻ rằng: “Tôi đã cắt bỏ những chế độ thông thường của công ty, tạo ra một chế độ hoàn toàn mới. Tôi đã đưa ra 23 hạng mục để đánh giá nhân viên, trong đó có các hạng mục liên quan tới việc tiếp cận khách hàng và thành tích bán hàng. Đối với những nhân viên chưa thể bán được hết những ngôi nhà đã được giao nhưng có sự điều tra và tiếp cận với khách hàng tôi vẫn đánh giá cao. Khi chuyển giao chế độ này, những nhân viên có doanh số bán hàng cao nhất nằm trong top 4 của công ty đã lần lượt ra đi, nhưng những nhân viên còn lại hoạt động ngày càng tích cực và kết quả là doanh số bán hàng của toàn bộ công ty đã tăng lên rất nhiều”.
Chia sẻ về thành quả của cuộc đời, ông Inamori người đã tận tâm cho việc gây dựng lại hoạt động của hãng hàng không Nhật Bản, nói rằng “ thành quả của cuộc đời được quyết định bởi sự tổng hợp của 3 yếu tố đó là: Cách suy nghĩ, nhiệt huyết và năng lực bản thân”. Công thức này không chỉ thích hợp với cuộc đời mà còn phù hợp với cả những công việc khác nữa. Điểm quan trọng trong công thức này đó chính là cách suy nghĩ nhìn nhận vấn đề. Nếu cách nhìn nhận vấn đề sai lệch, cho dù có năng lực và nhiệt huyết đi chăng nữa thì cũng không thu được thành quả hoặc hành động sẽ bị lái theo những hướng mang lại những ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp và xã hội…
Do đó, người lãnh đạo phải là người có giấc mơ và mục tiêu rõ ràng. Nếu không định hình được rõ ràng được mục tiêu và giấc mơ của mình, thì mãi sẽ không đạt được tới những gì mình mong muốn, hơn nữa sẽ không nhận ra được những cơ hội giúp bản thân thực hiện được điều mình muốn làm. Vậy phải suy nghĩ như thế nào? Trước hết hãy xây dựng những giả thuyết cho bản thân mình, bạn muốn xây dựng một công ty như thế nào sau 5 năm nữa? Công việc mà bạn đang làm hoặc có liên quan trong những năm tới sẽ thay đổi như thế nào? Và bạn muốn cụ thể hóa nó ra sao? Luôn suy nghĩ về điều này và kết hợp những nhân viên và đồng nghiệp sẽ giúp bạn có bước đi đầu tiên cho việc tiến tới thành công trong kinh doanh.
Theo Nikkei Business Special Articles
Người dịch: Nguyễn Sinh Côn