* VietFuji cũng đã có lần giới thiệu đến quý vị độc giả 5 cách để trở nên thông minh hơn, bạn đọc quan tâm có thể truy cập theo link.
Bạn có tin rằng mình có thể tự làm tăng độ thông minh của bản thân, cái mà ai cũng cho rằng cha mẹ sinh ra thế nào thì như thế đấy. Nếu bạn bắt đầu tìm hiểu làm như thế nào thì có nghĩa là bạn đã đặt bước chân đầu tiên để trở nên thông minh hơn rồi đấy. Sau đây là một vài gợi ý.
1. Đọc sách
Trong thời buổi kỹ thuật số hiện nay, người ta vẫn nói internet là nguồn thông tin vô hạn, nhưng trong thực tế, sách mới là nguồn kiến thức đáng quý và đọc sách là biện pháp học hiệu quả hơn nhiều. Quả thực, nếu không phải vậy thì người ta đã không tốn tiền đi mua sách thay vì lên google tra thông tin miễn phí. Tuy nhiên, tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng ở mức như vậy. Một cái đầu thông minh là một cách đầu biết suy nghĩ. Khi ta đọc sách, bất kể sách về văn học, kinh tế, văn hóa, lịch sử, hay vẫn đề gì, đầu của chúng ta được luyện cách ghi nhớ, suy nghĩ trong khi đọc.
Ông Naruke Makoto, người 36 tuỗi đã trở thành giám đốc công ty Microsoft Japan, đã từng nói trong cuốn sách của mình rằng: “Tôi thường tuyển dụng nhân viên bằng ấn tượng đầu tiên xem rằng anh ta/ chị ta có phải là người thông minh không. Người thông minh là người nhanh chóng lí giải được câu chuyện của đối phương khi nói chuyện và biết cách chuyển đổi từ ngữ để phù hợp với câu chuyện. Người thông minh là người linh hoạt và có óc sáng tạo. Để có thể rèn luyện một cái đầu như thế thì việc hiệu quả nhất là đọc sách, không những thế mà còn đọc nhiều loại sách cùng một lúc. Bằng việc đọc sách, chúng ta có thể làm tăng vốn từ vựng của mình để có thể nói chuyện một cách dễ hiểu, đồng thời nâng cao vốn kiến thức, trình độ hiểu biết, khả năng lý giải, khả năng giao tiếp – những yếu tố để trở thành người thông minh.
2. Trở nên tò mò
Kiến thức là khối tài sản được tích lũy dần dần. Nếu bất chợt gặp một điều bạn không biết, chẳng hạn như một từ vựng tiếng Anh mới, nhâm nhi một tách cà phê và chợt thắc mắc không biết nguồn gốc hạt cà phê này từ đâu, hay bị ai đó hỏi một vấn đề mà không biết câu trả lời, hãy tìm hiểu “ngay lập tức”. Nếu trong tay bạn có một chiếc smart phone để có thể tra ngay thì thật tuyệt vời, còn nếu không hãy ghi chép lại và tìm hiểu khi bạn có thể. Đừng để gặp phải trường hợp lần sau gặp lại cùng một vấn đề và bạn ước giá như mình tìm hiểu nó từ trước đó. Bạn càng “tò mò” thì lượng kiến thức của bạn càng được nhanh chóng mở rộng.
3. Ghi chép
Trong một ngày chúng ta làm rất nhiều việc, gặp rất nhiều người, trong đầu nghĩ ra nhiều ý tưởng và có rất nhiều cảm xúc. Chính vì thế, ghi chép lại là một việc rất có ích để bộ não bạn chỉnh lí, sắp xếp, ghi nhớ lại các sự kiện, những suy nghĩ một cách hợp lí nhất. Bạn có thể viết nhật kí (nếu muốn luyện chữ đẹp), hay viết blog (nếu muốn tập đánh máy), hoặc đơn giản chỉ là ghi chú vài dòng ở đâu đó mà bạn có thể. Đây cũng là một cách để luyện tập trí nhớ và phát triển ý tưởng trong đầu.
4. Luyện tập trí óc bằng nhiều cách
Có nhiều cách để luyện cho bộ não được suy nghĩ, chẳng hạn như chơi giải câu đố, chơi Sudoku, xem những chương trình ti vi thi đấu trí tuệ, hay như giám đốc Yamada của công ty Mirai Kogyo (tỉnh Gifu, Nhật Bản) có nói, ông thường xem những bộ phim trinh thám, cùng với thám tử, cảnh sát trong phim suy nghĩ tình tiết vụ án và điều tra thủ phạm. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn một môn mà bạn yêu thích như ngoại ngữ, toán, IT, văn học,… tập trung học và phát triển nó thành một trong những sở trường của mình.
5. Ăn những đồ ăn giúp tăng trí thông minh
Cái đầu muốn hoạt động tốt cần được bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết. Theo như nhà dinh dưỡng học người Anh Jo Lewin (jolewin.com), chất béo Omega-3 trong cá hồi, cá thu giúp tăng cường trí nhớ, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Các loại hạt như hạnh nhân, hạt óc chó chứa nhiều vitamin E ngăn ngừa suy giảm nhận thức, chống lão hóa. Quả việt quất (blueberry) giúp giảm căng thẳng cho não, ngăn ngừa các bệnh mất trí nhớ. Ngũ cốc nguyên hạt (ở Việt Nam có gạo lứt, chứa nhiều dinh dưỡng hơn gạo trắng) cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho toàn bộ cơ thể, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Hãy đảm bảo bộ não của bạn luôn được cung cấp những chất dinh dưỡng tốt nhất để hoạt động hiệu quả nhất có thể.
Bài viết do độc giả Nguyễn Thị Ngọc Anh đóng góp
Bài viết dựa trên kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống của tác giả, đồng thời có sự tham khảo từ cuốn tạp chí 社長の話