Nền kinh tế của các nước Đông Nam Á, đặc biệt trong đó là các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang phát triển một cách rất năng động. Điều này không chỉ có thể nhìn thấy rõ nét từ sự phát triển từ các đô thị lớn như Bangkok, Saigon, Jakarta mà còn có thể nhìn thấy từ những ảnh hưởng của phát triển đến khu vực nông thôn. Sự thay đổi này mang tính đa dạng và phức tạp. Nó đồng thời làm tăng khoảng cách giàu nghèo và trên một quy mô lớn hơn, nó làm tăng khoảng cách về sự phát triển giữa các khu vực, quốc gia. Trong tầm quốc gia, nó gây ảnh hưởng tới mâu thuẫn giai cấp và có khả năng ảnh hưởng tới nền chính trị trong khu vực. Tuy nhiên, trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi xin được chỉ đề cập tới những vấn đề công nghiệp và nông nghiệp mà các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam gặp phải.
Trước chiến tranh thế giới thứ 2, phần lớn các nước thuộc khu vực Đông Nam Á nằm trong sự cai trị của nền quân chủ. Trong đó, nền nông nghiệp chiếm gần như hoàn toàn tổng sản lượng quốc dân của các nước trong khu vực. Sau chiến tranh thế giới 2, các nước trong khu vực đồng loạt giành lại được độc lập. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ chiến tranh vốn làm cho nền sản xuất công nghiệp bị phá huỷ nặng nề càng khó có thể chiếm được vị trí cao hơn trong cơ cấu sản xuất. Cho tới nay, phần lớn nền kinh tế các nước này vẫn phải phụ thuộc vào nền sản xuất nông lâm thuỷ sản.
Chúng ta có thể chia các giai đoạn cơ cấu nông nghiệp của các nước trong khu vực như sau:
Giai đoạn 1: Thời kỳ thực dân (Trước 1945)
Nền sản xuất được hình thành bằng cách cưỡng bức ruộng đất, tập trung lập thành các đồn điền. Những đồn điền này được tập trung để sản xuất cà phê, cacao, chè, chuối hoặc mía. Các sản phẩm nông nghiệp sau khi được thu hoạc được xuất khẩu đến các quốc gia cai trị.
Giai đoạn 2: Cách mạng xanh (Từ 1945 đến 1970)
Ở một số quốc gia như Việt Nam, sau chiến tranh, chế độ địa chủ bị phá bỏ, ruộng đất canh tác được chia lại và xé lẻ cho người dân. Ở các quốc gia khác, tuy chế độ đồn điền được dỡ bỏ, và được sự giúp đỡ của các nước tư bản như Mỹ trong cuộc cách mạng xanh, năng suất nông nghiệp của các nước này được cải thiện. Tuy nhiên, cách thức canh tác mới này chỉ có thể được áp dụng cho các phú nông, địa chủ – người có khả năng mua các loại máy móc canh tác hoặc thuốc trừ sau, phân bón. Nhưng nó cũng khiến một bộ phận lớn những nông dân bần cùng càng nghèo thêm do không có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao hơn.
Giai đoạn 3: Bùng nổ dân số (Từ 1970~)
Sau chiến tranh, dân số của các nước trong khu vực tăng mạnh tới trạng thái bùng nổ. Tuy nhiên, diện tích đất canh tác lại bị giới hạn. Những thành phần nông dân không có đất canh tác tăng lên. Tuy một bộ phận có thể làm những công việc khác nông nghiệp, những một bộ phận rất lớn còn lại rơi vào trạng thái thất nghiệp. Và bộ phận thất nghiệp này chảy dần các thành phố lớn.
Về việc phát triển công nghiệp, như đã nêu ở trên, do chiến tranh và nền cai trị thực dân ăn sâu vào nền sản xuất, nền công nghiệp của các nước thuộc khu vực cực kỳ chậm tiến so với thế giới. Một lý do nữa là dưới sự cai trị thực dân, nền sản xuất công nghiệp vốn nhen nhóm bởi các nhà tư bản trong nước bị các nước đế quốc bóp chết ngay từ lúc còn trứng trong nước. Tuy nhiên, sau chiến tranh, nền công nghiệp của các nước này đã bắt đầu mọc mầm trở lại và có quan hệ tương hỗ với nền sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn đầu, nền sản xuất này phụ thuộc rất nhiều bởi việc phải ỷ lại các máy móc nhập khẩu từ các nước tiên tiến. Chìa khoá để thoát ra khỏi sự phụ thuộc này chính là viêc sản xuất các máy nông nghiệp nội địa.
Thế nhưng, một bước cản rất lớn khác trong nền sản xuất của các nước đó chính là sự eo hẹp về thị trường. Nền sản xuất tự cung tự cấp khiến khả năng tiêu thụ của thị trường trong nước rất nhỏ nhoi và nhanh chóng thất bại trong sự cạnh tranh với các nước tiên tiến. Vì vậy, dù muốn thoát ra và vươn lên nhưng nền cơ cấu sản xuất của các nước vẫn chỉ nằm trong xuất khẩu sản phẩm nông lâm nghiệp và nhập khẩu sản phẩm máy móc công nghiệp.
Tất nhiên, việc phải nhập khẩu máy móc công nghiệp từ nước ngoài luôn khiến cho các nước này ôm một khoản lỗ rất lớn trong cán cân thương mại. Một biện pháp được các nước giàu hơn đề xuất để các nước này thoát ra khỏi tình trạng này chính là nền sản xuất công nghiệp hướng tới xuất khẩu. Miếng bánh mà cũng chính là bài thuốc độc này mà các nước đang phát triển bắt buộc phải nhận lấy.
Theo đó, bằng việc nhập các kỹ thuật và nguồn vốn từ nước ngoài, các khu công nghiệp được dựng lên. Trong các khu công nghiệp này, với sự rằng buộc với các công ty nước ngoài khiến cho các khu công nghiệp được hình thành với giá rẻ mạt, trong khi đó lại có thể tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ. Các công ty, khu công nghiệp dạng này tuy đóng góp vào việc phát triển kinh tế ở nước sở tại, nhưng phần lớn thuộc vào quyền sở hữu của các công ty nước ngoài và số nhân công nước sở tại theo làm tại các công ty, khu công nghiệp này nếu so với tổng số dân trong độ tuổi lao động của nước này chỉ chiếm một phần vô cùng nhỏ nhoi.
Như vậy, con đường công nghiệp hoá theo hướng tự do kinh doanh ở các nước đang phát triển có thể nói là cực kỳ gian nan và khó khăn. Giải pháp để giải quyết vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào phương hướng chính sách phát triển kinh tế của chính phủ mỗi nước và tư tưởng chính trị của nước đó.
Tổng hợp: Nguyễn Xuân Truyền