“Nếu được khen, nhân viên sẽ trưởng thành”. Điều đó không hoàn toàn đúng. Nếu không hiểu rõ về cấp dưới và biết được họ muốn được khen ở phần nào thì chẳng có ý nghĩa gì.
Chỉ khen thôi là chưa đủ
Khen có thể thúc đẩy sự phát triển của nhân viên. Nhưng khen không đúng cách chỉ khiến nhân viên tự kiêu, không phát triển được bản thân.
Nếu chỉ khen về hình thức bên ngoài thì chỉ giống như làm cho họ vui vẻ dễ chịu hơn thôi chứ không thể nâng cao động lực làm việc. Toyota có văn hóa khen thưởng nhân viên khi họ hoàn thành tốt công việc. Tuy nhiên, họ không khen ngợi nhân viên một cách tuỳ tiện.
Một chuyên gia của Toyota nói về điểm cần lưu ý khi khen nhân viên như sau: “Nếu bạn không nhìn ra ‘mục tiêu’ của cấp dưới thì chưa nên khen. Ví dụ, nếu cấp dưới đang cố gắng hết mình để hoàn thành mục tiêu ‘thực hiện triệt để Seiri-Seiton (sàng lọc, sắp xếp)’ thì những lời khen về Seiri-Seiton sẽ đem lại hiệu quả. Tất nhiên, bạn có thể khen những điểm khác nhưng khen đúng trọng tâm là điều vô cùng quan trọng”.
Cách suy nghĩ này cũng tương tự khi chỉ trích cấp dưới. Đừng chỉ mắng xối xả mà hãy nói với cấp dưới rằng “Chẳng phải cậu đã nói rằng: ‘tôi muốn trở thành…’ hay sao? Nếu vậy, cậu hãy làm tốt hơn”. Khi khen hoặc chỉ trích mà không liên quan tới “mục tiêu” mà người nghe đang hướng tới, những lời khen hay lời chỉ trích đó sẽ không để lại ấn tượng trong tâm trí của họ.
Điều này đồng nghĩa với việc khi bạn chưa hiểu rõ nhân viên của mình thì không nên khen và cũng chẳng nên chê. Chỉ khi nào bạn hiểu “mục tiêu” nhân viên qua giao tiếp hàng ngày, bạn mới có thể khen và chê một cách hiệu quả.
Công nhận ưu điểm rồi mới sửa nhược điểm
Chuyên gia đào tạo Yasushi Okamura của Toyota có chia sẻ, ở công xưởng Trung Quốc ông đã chú ý vào việc khen nhân viên nhiều hơn là chỉ trích khi giao tiếp với họ. Chẳng hạn nếu mắng ai đó một, thì sau đó ông sẽ khen người đó mười.
Một chuyên gia đào tạo khác khẳng định rằng nếu chỉ mắng nhân viên một cách nghiêm khắc sẽ không giúp họ trưởng thành được. “Cho dù với cùng một cách làm cũng không bao giờ đào tạo được nhân viên với năng lực giống nhau. Mỗi người có một cá tính riêng, vì vậy hãy tìm ra ưu điểm của họ để khen ngợi. Nếu bạn khen ưu điểm thì việc chỉ trích nhược điểm cũng sẽ dễ dàng hơn. Khi lòng tin đã được tạo dựng thì đối phương cũng sẽ tự nghĩ “mình cần phải khắc phục nhược điểm này”.
Là cấp trên, thay vì xoi mói nhân viên, hãy tìm ra ưu điểm và khen họ. Làm như vậy mối quan hệ với cấp dưới sẽ trở nên tốt hơn, từ đó mới có thể đào tạo họ.
Khen nhân viên kể cả khi họ chỉ đưa ra một ý tưởng nhỏ, điều đó sẽ giúp họ mạnh dạn đưa ra ý tưởng tiếp theo. Chỉ cần khen nhân viên một, bạn sẽ nhận lại được mười lần giá trị của lời khen đó.
Biên tập: Nguyễn Đăng Vũ
Theo cuốn トヨタの育て方