Tư chất lãnh đạo

 

Lãnh đạo không được phép đứng ở trung tâm.

Hãy đứng từ bên ngoài quan sát các nhân viên.

 

Không hiểu tâm trạng của người khác thì không nắm bắt được hiện trường công việc.

 

Người lãnh đạo cần phải thường xuyên nắm được tình hình công việc. Tất nhiên, nói đến công việc thì chỉ biết đến kiến thức và kĩ năng liên quan đến công việc là chưa đủ. “Hãy nắm bắt cảm xúc của cấp dưới”, chuyên gia đào tạo Yoshiaki Kato cho biết.

“Đa số cấp trên cảm thấy mãn nguyện khi bản thân nắm rõ cách làm và nội dung công việc, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhưng về bản chất, lãnh đạo phải hiểu cảm xúc của cấp dưới thì mới bắt đầu hiểu rõ hiện trường công việc.”

Ông Yoshiaki Kato từng được giao phó phụ trách một công xưởng ở Anh. Công xưởng này đang rơi vào trạng thái tồi tệ vì gặp nhiều rắc rối dẫn đến nhiều lần phải dừng sản xuất. Chưa kể, cho dù một bộ phận sản xuất có thông báo gặp lỗi thì cũng không có ai đến và xử lí, khiến cho tinh thần làm việc đi xuống. Dây chuyền sản xuất càng trở nên hỗn loạn.

Thông báo trên từng bộ phận sản xuất là một cơ cấu giúp nắm bắt tình trạng khác thường ở từng công đoạn sản xuất bằng hệ thống bảng chỉ số bất thường. Ở Toyota, người ta quy định bắt buộc phải thông báo lỗi qua hệ thống ngay khi có sự khác thường xảy ra trong dây chuyền sản xuất, khi đó toàn bộ dây chuyền sản xuất sẽ được ngừng lại.

 

Người lãnh đạo chỉ đứng ở trung tâm sẽ không thể nào nắm hết tình hình của cấp dưới.

 

Khi đặt chân vào công xưởng, ông Yoshiaki Kato đã nhờ những người có trách nhiệm tại đó giữ đúng một lời hứa. Lời hứa đó là “Nếu có thông báo lỗi ở một công đoạn sản xuất nào đó thì phải ngay lập tức tới bộ phận đó và giải quyết vấn đề. Chỉ cần giữ vững như vậy.”

 

Làm như thế, số lần dây chuyền sản xuất bị ngưng lại đã giảm thiểu đáng kể. Vì mỗi khi có thông báo lỗi ở một công đoạn sản xuất thì ngay lập tức sẽ có người hiểu biết tới để giải quyết vấn đề đó, cho nên nhân viên có thể yên tâm thông báo lỗi. Kết quả là số lượng sản phẩm lỗi và sự cố giảm xuống.

Hơn nữa, cách làm này cũng hoá giải những bực tức kiểu như “Cho dù có thông báo có lỗi ở công đoạn sản xuất này mà không có ai đến giúp sửa lỗi đó”. Từ đó người nhân viên có thể an tâm tập trung làm việc được.

 

“Khi đứng trên lập trường của nhân viên, người lãnh đạo sẽ có thể nhìn thấy những điểm cần kaizen”, ông Kato cho biết. Ông Kato cũng nhớ lời của một cấp trên từng nói như sau.

“Khi nói đến tổ chức người ta thường suy nghĩ người đứng đầu tổ chức hoặc xưởng trưởng phải đứng ở vị trí ở trung tâm. Tuy nhiên, nếu đứng ở trung tâm sẽ không nhìn bao quát hết 360 độ xung quanh được. Người lãnh đạo là người phải đứng từ bên ngoài và quan sát toàn bộ thành viên. Tóm lại, điểm quan trọng là khả năng bao quát toàn bộ thành viên của nhóm từ bên ngoài”.

 

Đừng là người “lãnh đạo hướng tâm”, hãy là người “lãnh đạo ly tâm”.

 

Ông Yoshimitsu Kaine, giám đốc công ty OJT Solution, cho rằng có hai kiểu lãnh đạo.

 

Kiểu thứ nhất là “lãnh đạo hướng tâm”. Tức là những người luôn muốn nắm quyền lực, muốn là trung tâm của tổ chức, lôi kéo mọi người về phía họ.

Tuỳ thuộc vào quy mô, loại hình kinh doanh, hay tình trạng của tổ chức, người lãnh đạo hướng tâm sẽ có lúc phát huy năng lực, chèo lái công ty phát triển, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, những việc như thế chỉ kéo dài đến một thời điểm nào đó, và đạt tới giới hạn. Dần dần sẽ xuất hiện những nhân viên nghi ngờ chỉ thị có đang bị quá phụ thuộc vào cảm xúc của lãnh đạo hay không.

 

Người lãnh đạo hướng tâm khi chỉ thị “Hãy làm cái này” thì người cấp dưới không thể làm ngược lại. Do có nhiều trường hợp vẫn cho ra kết quả nên dần dần người cấp dưới sẽ không muốn tự mình suy nghĩ thêm nữa.

 

Khi người lãnh đạo hướng tâm có năng lực cao không còn thì người kế nhiệm sẽ khó chuyển giao công việc thuận lợi. Bởi vì những người cấp dưới vốn chỉ luôn chú ý tới tâm tính của cấp trên sẽ có nguy cơ bị rối loạn khi phải bắt đầu tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình.

 

Kiểu lãnh đạo còn lại là “lãnh đạo ly tâm”. Tức là người luôn quan sát toàn bộ thành viên từ bên ngoài, từ tầng lớp lãnh đạo cho tới các quản lý công trường, từ các quản lý công trường cho tới những nhân viên bình thường.

Nói cụ thể thì lãnh đạo ly tâm là người biết cách quản lý để giúp từng nhân viên có thể tự mình tìm và giải quyết vấn đề.

 

Lãnh đạo ly tâm là hình thái lý tưởng của một lãnh đạo biết bồi dưỡng, đào tạo nhân viên.

 

Một người lãnh đạo luôn đứng ở trung tâm của mọi người, ra vẻ vĩ đại sẽ không thể hiểu cảm xúc của cấp dưới. Lãnh đạo cần phải tham khảo tất cả những thông tin, ví dụ như lắng nghe tình trạng của tất cả cấp dưới, để từ đó suy ra tâm tư, cảm xúc của họ. Nếu làm được vậy, người lãnh đạo sẽ có thể phát huy năng lực quản lý phù hợp cảm xúc của cấp dưới.

 

POINT:

Người lãnh đạo có khả năng bồi dưỡng nhân viên không phải là kiểu lãnh đạo “hướng tâm” lúc nào cũng ngồi cố định ở chính giữa. Hãy trở thành một lãnh đạo “ly tâm”, biết đứng ngoài để nhìn quanh mọi người.

 

Biên dịch: Phạm Duy.

Trích cuốn: Nghệ thuật đào tạo con người theo phong cách Toyota.

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan