Xiaomi (Trung Quốc) đã trở thành một trong những công ty khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Xiaomi đã bắt đầu từ việc sản xuất điện thoại, kích thích xu hướng mua bán online, và bán với giá phải chăng. Đến năm 2014, Xiaomi đã trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 5 thế giới, trị giá khoảng 46 tỷ USD.
Tuy nhiên hào quang đó không duy trì lâu. Hiện tại hai công ty Trung Quốc khác, đó là Oppo và Vivo đang bám đuôi mạnh mẽ, kéo sụt thị phần của Xiaomi tại Trung Quốc xuống hơn 1/3.
Người sử dụng ngày nay sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những chiếc điện thoại thế hệ kế tiếp . Do đó, tuy giá trung bình của smartphone trên toàn thế giới đang sụt giảm, tại Trung Quốc giá điện thoại vẫn đạt mức cao. Người dùng tại đây vẫn phát cuồng vì những chiếc điện thoại như Huawei P9, Oppo R9.
Có thời điểm, Xiaomi chỉ còn đáng giá một phần so với những gì công ty từng có, và phải đối diện với một câu hỏi lớn như những BlackBerry và Apple đã từng trải qua. Đó là “Bạn có ý tưởng hay ? Nhưng rồi sao nữa?.” Chiến lược của Xiaomi khi đó là xây dựng những chiếc điện thoại phong cách, được nhiều người thèm muốn và đưa chúng và những thị trường chưa bị bão hoà. Và thay vì chỉ làm và bán smartphones, công ty sẽ sản xuất và bán hầu như mọi loại thiết bị.
Xu hướng IoT
Những thành công đầu tiên của Xiaomi bắt nguồn từ smartphone và chiến lược thương mại online (e-commerce). Tuy nhiên, một làn sóng khác đang xuất hiện, đó chính là Internet of Things, một làn sóng còn lớn hơn nhiều so với smartphone trước đó. Một cách hiểu đơn giản về IoT, đó là mọi thiết bị điện tử không sớm thì muộn sẽ trở nên thông minh hơn (smart) và luôn luôn kết nối với nhau.
Xiaomi đã nhìn thấy xu hướng và bắt đầu phát triển ý tưởng này từ năm 2013. Nhưng Xiaomi nhận ra không có một công ty đơn lẻ nào có thể thống lĩnh thị trường này. Bởi vì với mỗi chiếc điện thoại có hàng trăm, hàng ngàn thiết bị khác cần kết nối đến chiếc điện thoại đó. Và để tiến hành IoT, Xiaomi cần phải tiếp cận được phần cứng của những thiết bị đấy.
Thay vì xây dựng những công ty cung cấp các thiết bị đó, Xiaomi tìm cách mua lại các công ty sản xuất chúng. Xiaomi đã đầu tư vào 77 công ty, tạo cơ hội cho những công ty đó tiếp cận các nhà thiết kế, nhân viên thị trường, và chuỗi cung ứng của hãng. Đổi lại, Xiaomi nắm 10-20% cổ phần, được quyền đóng thương hiệu và bán sản phẩm. Nói một cách khác, Xiaomi xây dựng một nền tảng (platform) để kéo các công ty khác lên một tầm cao mới. Xiaomi đã bán được hơn 50 triệu thiết bị với cách làm như vậy, và có 4 công ty con của Xiaomi đạt mức vốn hoá thị trường 1 tỷ USD. Mi Air Purifier, công ty bán thiết bị điều hoà không khí lớn nhất Trung Quốc, chính là một ví dụ. Dựa trên cơ sở đó, Xiaomi tự nhận mình là “lồng ấp” công ty sản xuất hàng đầu thế giới.
Chiến lược đặt hàng ngoài nhưng kết hợp phát triển biến Xiaomi trở thành một công ty tổng hợp, đa lĩnh vực. Tất cả thiết bị đều được điều khiển thông qua một app chung – Mi Home. Một ưu thế của các công ty xuất phát từ Trung Quốc đó là khả năng tiếp cận sản phẩm mẫu rất nhanh, thay vì phải đợi hàng tuần, hàng tháng, thậm chí phải gửi kỹ sư, và nhà thiết kế đến công xưởng ở xa. Không chỉ Xiaomi, mà LeEco, Huawei, Lenovo cũng là những công ty có lợi thế về mảng sản xuất hơn nhiều đối thủ cạnh tranh ở Mỹ và Châu Âu.
Tất cả các thiết bị đều xoay quanh smartphone. Smartphone hiện nay là thiết bị phổ biến nhất trên toàn thế giới và rất quan trọng với đời sống hiện đại. Nếu Xiaomi muốn người sử dụng dùng các sản phẩm của mình, công ty sẽ phải tìm cách bán điện thoại trước. Và khi những chiếc smartphone giá rẻ không còn đủ hấp dẫn, Xiaomi bắt đầu tìm cách chiếm thị phần chất lượng cao hơn.
Thương hiệu Trung Quốc
Tương tự nhiều công ty khác, Xiaomi bắt đầu chuyển hướng tập trung vào Ấn Độ sau khi đạt đến điểm bão hoà tại Trung Quốc. Đất nước này có nhiều điểm giống Trung Quốc trước đây: dân số đông và còn ít kết nối, do đó, ai đi trước người đó sẽ là người dẫn đầu. Xiaomi đã bắt đầu bán sản phẩm Redmi Note 4 tại Ấn Độ trong đầu tuần này. Ông Hugo Barra, phó chủ tịch Quốc Tế của Xiaomi tin tưởng một hoặc hay sản phẩm của công ty tiêu thụ ở Ấn Độ sẽ đạt mức tương tự tại Trung Quốc trong năm nay.
Tuy nhiên với phần còn lại của thế giới, mọi việc không dễ dàng như thế. Xiaomi thành công nhờ bán điện thoại online, nhưng người Mỹ không có thói quen mua điện thoại như vậy. Thông thường người Mỹ sẽ mua điện thoại thông qua các cửa hàng AT&T. Do đó vấn đề của Xiaomi là làm sao thâm nhập vào các kênh bán hàng truyền thống.
Một vấn đề khác, đó là người dân các nước khác thường không coi trọng các thương hiệu đến từ Trung Quốc. Ít ai coi sản phẩm từ Trung Quốc sáng tạo và sang trọng. Đừng quên tổng thống Trump đã cho thấy quan điểm cứng rắn của ông với Trung Quốc.
Lời kết, mọi người đều muốn một hệ thống kết nối các sản phẩm khác, một nền tảng cho tất cả. Nếu một công ty không chỉ xây dựng thành công nền tảng, mà còn có khả năng sản xuất thì công ty đó sẽ có khả năng thay đổi xã hội rất nhiều. Với các dấu hiệu hiện tại, sẽ không bất ngờ nếu đó là một công ty đến từ Trung Quốc.
[divider]
Biên dịch: Trungmaster, theo wired