Những bí quyết giao tiếp chắc chắn giúp bạn cải thiện mối quan hệ

Quan hệ giữa người với người là điều không thể thiếu trong xã hội, và bất kỳ ai cũng muốn hành xử một cách khéo léo trong những mối quan hệ đó. Có người rất giỏi trong việc tạo dựng mối quan hệ, nhưng cũng có người lại liên tục thất bại.

Mối quan hệ tốt hay xấu phụ thuộc lớn vào cách chúng ta giao tiếp. Cũng có thể nói rằng, người khéo giữ mối quan hệ, trong vô thức họ đang giao tiếp theo một hướng tốt.
Ngược lại, người không giỏi trong giữ quan hệ không chừng chỉ đơn thuần là vì họ có thể chưa khéo trong giao tiếp.

Nếu có những nguyên tắc không chỉ giúp chúng ta có được giao tiếp tốt mà còn cải thiện mối quan hệ với những người xung quanh thì ắt hẳn ai cũng sẽ muốn biết. Đáp ứng điều này, hôm nay tôi sẽ giới thiệu những nguyên tắc trong giao tiếp chắc chắn sẽ giúp cải thiện mối quan hệ một cách đáng ngạc nhiên.

Hãy có động cơ tốt cho những cuộc giao tiếp

Giỏi trong giao tiếp và khéo léo trong việc giữ mối quan hệ có liên hệ mật thiết với nhau. Không giao tiếp hoặc ít giao tiếp không chừng sẽ trở thành nguyên nhân khiến quan hệ thiếu đi sự nồng thắm.
Vì thế, những bạn cảm thấy còn thiếu tự tin trong việc giao tiếp thì hãy nhớ rằng một trong những mục đích quan trọng của giao tiếp là để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người xung quanh.
Năng lực ngôn ngữ là năng lực đặc biệt chỉ con người mới có được. Ngôn ngữ đôi lúc khiến người đối diện bị tổn thương, dẫn tới tranh cãi, thậm chí làm cho mối quan hệ trở nên càng ngày càng tệ hơn. Thật tiếc rằng, trong quá trình giao tiếp, ít ai lưu tâm tới mục đích của những cuộc nói chuyện, động cơ của giao tiếp.
Nhưng chỉ cần chúng ta luôn lưu tâm rằng động cơ, mục đích của giao tiếp là để duy trì những mối quan hệ tốt thì ngay cả cách nói chuyện và nội dung cuộc trò chuyện cũng sẽ tự nhiên thay đổi theo hướng tốt.

Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.

Bát nước đổ đi không thu lại được, lời nói cũng hoàn toàn tương tự, một khi đã nói ra thì sẽ không thu lại được. Chắc hẳn ai cũng đã từng hối hận “giá mà không nói điều đó thì có phải tốt hơn không” hay “tại sao mình lại có thể nói ra những điều như vậy?”.
Đặc biệt khi stress hay khi nổi giận, thực sự rất khó để có thể điều khiển cảm xúc và lời nói của bản thân.
Chính lúc này càng cần phải bình tĩnh, hãy dừng lại một chút, hít thở sâu và thử suy nghĩ: “Cách nói này khiến người nghe bị tổn thương hay sẽ hướng tới việc giải quyết vấn đề hơn?” “Những phát ngôn này có làm cho đánh giá của bản thân được nâng cao hay không? ”. Trước khi nói, nếu dừng lại một chút để suy nghĩ về sự cần thiết của lời nói, có thể tránh làm tổn thương đến người khác một cách không cần thiết, đồng thời không đánh mất giá trị của bản thân. Kiểm soát tốt lời nói của bản thân, đây là nguyên tắc cơ bản để xây dựng mối quan hệ tốt.

Thử suy nghĩ cảm xúc của đối phương.

Trong chúng ta, bất kỳ ai đều có mong muốn người khác lắng nghe kỹ câu chuyện của mình. Nhưng nếu quá chìm vào câu chuyện của bản thân sẽ đánh mất tầm nhìn với xung quanh, dễ tạo ra khoảng cách lớn với người nghe.
Nếu cứ lặp đi lặp lại như vậy, thì mọi người sẽ dần lánh xa bạn. Để điều này không xảy ra hãy đặt mình vào cảm xúc người khác và giao tiếp theo hướng đó như một thói quen. Đừng chỉ nói về bản thân mình, hãy dành phần cho người đối diện.
Không nên chỉ tập trung vào những chủ đề mang tính tiêu cực, phê phán, hay những tin đồn nhảm. Nếu người nghe phải nghe những điều đó họ sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu để tâm suy nghĩ về điều này sẽ tránh được việc gây ra khoảng cách với người nghe.
Những người tinh ý quan sát, nhận ra cảm xúc đối phương sẽ có khả năng xây dựng được những mối quan hệ tốt.

Lắng nghe câu chuyện của người khác.

Dù chỉ mới gặp một vài lần, mà người đó có thể nhớ được những việc liên quan đến bạn thì ắt hẳn bạn sẽ rất vui khi gặp lại họ đúng không? Đồng thời bạn sẽ thắc mắc tại sao họ lại biết những chuyện của mình như thế.
Câu trả lời rất đơn giản. Họ thực sự lắng nghe câu chuyện của bạn. Ngược lại, nếu lúc nào cũng hỏi bạn cùng một câu, thậm chí tên bạn họ cũng chẳng nhớ thì thật khó để có thể tin tưởng.
Nếu muốn xây dựng mối quan hệ tốt, muốn nhận được sự tin cậy hãy cố gắng lắng nghe câu chuyện của đối phương. Và nếu bạn có thể nhạy bén với cảm xúc và những mong muốn ẩn sau lời nói của đối phương, chắc chắn bạn sẽ nhận được sự tin tưởng của họ.
Hơn nữa cần phải chú ý lắng nghe như thế nào cũng là đề tài mà nhiều người quan tâm. Nội dung câu chuyện dù có thể hiểu được hoàn toàn nhưng nếu vừa nhìn điện thoại vừa nghe thì sẽ không thể nào tạo nên ấn tượng tốt.

Khi nói chuyện, sự thành thực sao cho đối phương cảm thấy được “tôi đang trân trọng thời gian với bạn” là điều rất quan trọng.

Những việc nhỏ đi chăng nữa mà có ích đối với người nghe thì ắt hẳn chúng ta sẽ thấy vui sướng đúng không? Cho dù trong giao tiếp, những câu chuyện được đưa ra không vì mục đích nhận về những lời cảm ơn, nhưng ở đâu đó trong suy nghĩ, chúng ta đều mong muốn điều này. Vậy nên, bạn cũng đừng tiếc lời “cảm ơn” khi trò chuyện với người khác nhé.
Nếu bạn biết cách gửi những lời biết ơn một cách tích cực thì người tiếp xúc với bạn sẽ bị bạn thu hút một cách tự nhiên, và họ sẽ cảm thấy thoải mái khi dành thời gian cùng bạn.
Khi nhận ra mình sai lầm, đừng quên khiêm tốn và nói lời xin lỗi. Dũng cảm nói “tôi xin lỗi” sẽ sớm giải quyết vấn đề và không làm vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Lời xin lỗi cũng cho thấy bạn coi trọng mối hệ hơn suy nghĩ của bản thân mình. Hãy là người lưu tâm tới giao tiếp, thành thực xin lỗi và cảm ơn để tạo nên được mối quan hệ tốt nhé.

Bạn cảm thấy thế nào?

Chỉ cần biết nắm được những kỹ năng giao tiếp thì dù là những người chưa khéo cũng có thể cải thiện được mối quan hệ hiện tại, do đó tôi rất mong bạn có thể chọn ra được dù chỉ là một nguyên tắc phù hợp và áp dụng thử.
Nếu bạn có thể cải thiện được mối quan hệ mà từ trước tới giờ vẫn cảm thấy khó khăn, thì ngay bản thân tôi cũng sẽ vô cùng hạnh phúc.
Trong những nguyên tắc kể trên người nghe là người nên được ưu tiên hơn cả. Có động cơ tốt trong giao tiếp, biết lắng nghe câu chuyện của đối phương, uốn lưỡi bảy lần trước khi nói…
Nếu bạn có thể giao tiếp với những tình cảm như trên dành cho người nghe, chắc chắn cảm xúc của bạn sẽ được gửi tới người nghe.
Đôi lúc, khéo léo thêm những lời cảm ơn, thành thực nhận lỗi, sẵn sàng chia sẻ sự tôn kính với đối phương, chọn thời điểm thích hợp chia sẻ những câu chuyện về gia đình, tình yêu, bạn bè cũng là cách làm hay. Bạn hãy thử bắt đầu cải thiện mối quan hệ bằng một trong những quy tắc giao tiếp kể trên xem thế nào nhé. Chúc các bạn thành công.

Dịch: Trọng Nhân
Biên tập: Nguyễn Sinh Côn

Nguồn: thechange.jp

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan