- Bắt đầu từ việc kinh doanh món kim chi
Nông trại Furai của chúng tôi khởi đầu từ việc trồng rau, chủ yếu là cải thảo để phục vụ cho việc làm kim chi. Vì vậy những sản phẩm đầu tiên của nông trại tất nhiên là có món kim chi.
Khởi nghiệp từ năm 1999, lúc bấy giờ chúng tôi không có cửa hàng bán lẻ với quy mô như bây giờ, việc kinh doanh cũng bắt đầu từ số 0.
Trong khoảng thời gian thăm dò thị trường, chúng tôi gửi nông sản của mình tại những hộ gia đình cũng làm nông nghiệp, có cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ phục vụ trực tiếp người tiêu dùng. Có khi tôi cũng nhờ những của hàng bán rượu để dùng chung tủ lạnh với họ. Ngoài ra, chúng tối còn tham gia bán, giới thiệu nông sản của mình tại các buổi chợ sáng chủ nhật hàng tuần, các lễ hội, sự kiện giao lưu,…Thỉnh thoảng, có những ngày chúng tôi tham gia đến 2 lần, sau khi bán hàng ở phiên chợ buổi sáng, chúng tôi lại tiếp tục tham gia một sự kiện khác vào buổi chiều. Bây giờ nhớ lại, tôi cũng tự thấy lúc đó mình đã rất cố gắng, nhưng chính nhờ những ngày như thế, chúng tôi tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm và việc việc kinh doanh cũng từ đó mà phát triển được như bây giờ.
- Nếu có năng lực bán hàng, “quy mô nhỏ” không còn là vấn đề nữa
Theo tôi, chỉ cần có 2 trong các yếu tố sau đây là có thể trở thành một người chủ nông trại thành đạt.
Một là đất trồng trọt, kỹ thuật trồng trọt, vốn đầu tư. Chú ý là trong kỹ thuật trồng trọt bao gồm luôn cả kỹ thuật gia công sản phẩm.
Hai là năng lực bán hàng.
Nếu có diện tích đất rộng cộng với kỹ thuật trồng trọt thì chẳng phải sẽ làm ra được những nông sản bán ra thị trường sao? Còn nếu có đất và vốn đầu tư thì có thể nghĩ ra rất nhiều những dự án có thể triển khai. Khi có một số vốn đủ chi phí cho sinh hoạt hàng ngày, thì trong khoảng thời gian đó có thể hướng đến mục tiêu nâng cao kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo tình hình nông nghiệp hiện nay thì cho dù có đất, có kỹ thuật và máy móc thì việc sản xuất nông nghiệp thông thường vẫn là một việc hết sức vất vả.
Chính vì thế, đối với những người hướng đến nông nghiệp, đặc biệt là với nông nghiệp quy mô nhỏ có một thứ không thể thiếu đó chính là “năng lực bán hàng”. Theo chúng tôi tự phận tích thì nông trại Furai chúng tôi vì được thừa hưởng kỹ thuật gia công sản phẩm nông nghiệp từ mẹ và cũng có chút năng lực bán hàng nên dù diện tích đất trồng khá nhỏ nhưng chúng tôi vẫn có thể duy trì và phát triển như hiện nay.
“Từ trước đến nay tôi chưa từng có kinh nghiệm buôn bán nên không có khả năng trong lĩnh vực này”.
Có lẽ nhiều người có bất an như thế nhưng không sao cả, khi muốn trở thành nông dân hoặc sau khi đã trở thành nông dân bắt đầu mài dũa vẫn chưa muộn.
- Khi “bán dạo” thành công thì không còn việc gì là đáng sợ nữa
Gần đây, trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp ở các tỉnh thành đưa ra nhiều kế hoạch khuyến khích để tăng số người làm việc và phát triển trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, khi xem qua tôi thấy có vẻ như thiếu đi một phần quan trọng là các kiến thức, trải nghiệm trong kinh doanh nông nghiệp. Và mỗi lần gặp gỡ những người của trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tôi đều nói với họ thế này:
“Việc hướng dẫn cách trồng trọt, chăm sóc lúa, rau củ, trái cây, hoa,…cũng như những kiến thức về kế toán nông nghiệp đương nhiên là rất quan trọng. Tuy nhiên, đối với thị trường hiện tại, năng lực bán hàng đã trở thành một phần không thể thiếu đối với người nông dân. Cần cân nhắc các kế hoạch để không làm ảnh hưởng, không xâm phạm vào ranh giới giữa những người đã, đang làm nông nghiệp nhưng vẫn tạo được điều kiện để các thành viên mới có thể thử thách. Ví dụ như trang bị những xe tải loại nhỏ làm phương tiện “bán dạo” để họ có thể mang những nông sản thu hoạch được đến bán trực tiếp cho các tổ chức, người tiêu dùng,…Nếu như có thể “bán dạo” như thế thì cho dù là trồng trọt loại nào đi nữa thì tôi đảm bảo họ chắc chắn sẽ có thể duy trì được việc làm trong ngành nông nghiệp.”
“Bán dạo” ở đây là cách nói chỉ việc vừa di chuyển, vừa rao để bán hàng. Vì không phải là những khách hàng cố định nên chúng ta phải tạo được sự thu hút với những người xung quanh thì mới có thể bán được hàng.
Hiện tại, ở một số nơi cũng đã có hình thức chất rau củ lên xe đẩy, đi khắp nơi để bán hàng. Ở Kyoto, có khá nhiều nông dân gánh sản phẩm của mình đi bán cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.
Hiện nay, hầu hết các địa phương đều có những nơi bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng quy mô lớn nên những rào cản trong việc buôn bán đã giảm đi đáng kể. Việc đưa sản phẩm ra bày bán ở những nơi bán hàng trực tiếp đương nhiên là rất tốt, tuy nhiên việc thử sức với “bán dạo” sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm rất có ích trong tương lai.
- “Bán dạo” để tiếp cận khách hàng
Lúc mới bắt đầu khởi nghiệp, tôi thường xuyên đi lại ở những khu dân cư gần nhà để bán hàng. Và thực tế khi dấn thân vào “bán dạo” tôi đã học được rất nhiều thứ.
Đầu tiên, tôi đã mang nông sản của mình đến những nơi có nhiều người tập trung, nhưng hoàn toàn không bán được gì cả. Chính vì vậy mà tôi đã suy nghĩ nhiều hơn về đặc tính những sản phẩm mình bán, tôi xuất hiện quanh khu vực trường mẫu giáo vào giờ tan học, tạo ra sự chú ý với những bà mẹ mong muốn cho con mình được sử dụng thực phẩm an toàn. Cứ từng chút, từng chút một như vậy, tôi dần tạo được mối liên kết với họ. Có những khách hàng từ lúc đó vẫn tiếp tục mua sản phẩm của chúng tôi cho đến tận bây giờ.
Ngoài ra thì việc “bán dạo” như thế còn giúp chúng tôi được nghe trực tiếp ý kiến của khách hàng, rất có ích trong việc cải thiện cách bán rau củ cũng như các sản phẩm khác. Mặt khác, cũng có thể xem như “bán dạo” là nơi rất có ích trong việc nâng cao khả năng thuyết trình và luyện viết chữ POP một cách có hiệu quả.
- Biển quảng cáo, tờ rơi quảng cáo, danh thiếp
Nhờ bắt đầu công việc “bán dạo” mà có một thứ được rèn luyện nữa đó là cách viết biển quảng cáo. Trong thời kỳ đầu, tôi thường cho thêm hình ảnh vào và viết rất nhiều để giới thiệu đặc trưng của sản phẩm12.
Nhưng bây giờ, có thể dùng máy tính tạo ra những mẫu riêng, in ấn cũng rất dễ dàng nên tôi đã chuyển sang làm kiểu đơn giản (Hình 4-4). Và có vẻ hình thức này thu hút sự chú ý nhiều hơn.
Tùy theo từng sản phẩm mà cách viết sẽ khác nhau, tuy nhiên, khi bán rau củ cũng như những sản phẩm đã chế biến, thì có vẻ cách viết trực tiếp vào các bìa thùng caton một cách mộc mạc lại có hiệu quả hơn là những kiểu hoa văn màu mè.
Bên cạnh đó, danh thiếp có ghi địa chỉ liên lạc hoặc tờ rơi quảng cáo cũng rất cần thiết. Nếu là tờ rơi thì khả năng bị vứt đi khá cao, nhưng nếu là danh thiếp thì có thể sẽ được khách hàng giữ lại trong một thời gian dài sau đó. Thường thì nhiều người nông dân không dùng đến danh thiếp, tuy nhiên tôi nghĩ nó cần thiết đối với những người làm nông nghiệp quy mô nhỏ. Đó cũng là một trong những công cụ giúp liên lạc trực tiếp. Gần đây, các trang mạng xã hội như facebook,…trở nên phổ biến, và để giúp việc tìm kiếm của khách hàng trở nên dễ dàng hơn, chúng ta có thể dùng tên riêng.
(Mời các bạn đón đọc phần sau: Bán hàng qua mạng xã hội)
[divider]
Biên dịch: Thùy Trang
Tài liệu tham khảo: Kỹ năng khởi nghiệp với nông nghiệp quy mô nhỏ – Nishita Eiki