Sáng tạo giá trị, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản (phần 2)

Tiếp theo phần 1, tuần này Vietfuji sẽ giới thiệu đến các bạn phần 2 của bài viết “Sáng tạo giá trị, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản”. Trong bài viết này là 3 giá trị giá tăng của nông sản: giá trị của thương hiệu “nông dân”, giá trị gia công, và giá trị tổ chức.

4. Giá trị của thương hiệu “nông dân”

Thông thường, 2 từ “thương hiệu” và “nông dân” dường như không có nhiều sự liên kết, không cùng xuất hiện. Nhưng “thương hiệu nông dân” lại là 1 trong những vũ khí mạnh mẽ của nông dân chúng ta để chống lại thương lái trong cuộc cạnh tranh bán nông sản. Nông dân và thương lái khác nhau cơ bản ở thái độ đối với nông sản. Thông thường, nông dân là người suy nghĩ tạo ra sản phẩm để giải quyết các vấn đề, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó,  thương lái là người sử dụng, lợi dụng các quy tắc của thị trường để tạo ra, thu được lợi nhuận. Và khi tôi hỏi nhiều người tiêu dùng là muốn mua nông sản từ nông dân hay thương lái hơn, câu trả lời đã nghiêng hẳn về phía “nông dân”.

Nguồn: amanaimages.com
Nguồn: amanaimages.com

Đối với các cửa hàng, nhà hàng, thái độ phục vụ của nhân viên là 1 yếu tố rất quan trọng, liên kết trực tiếp tới tỉ lệ quay lại cửa hàng lần 2, cũng như doanh thu của cửa hàng. Tương tự với nông nghiệp, thái độ, tư thế của người bán cũng là 1 yếu tố rất quan trọng, luôn luôn được khách hàng chú ý. Dù nông sản tốt, nhưng nếu không có thái độ nâng niu, coi trọng nông sản đó, khách hàng sẽ bỏ bạn mà đi. Đây không phải 1 yếu tố có hiệu quả lập tức, mà là 1 yếu tố có hiệu quả to lớn, và kéo dài theo thời gian.

5. Giá trị gia công

Giá trị gia công là giá trị được tạo ra bằng việc gia công nông sản. Ví dụ như làm nước hoa quả, túi rau cắt sẵn, dưa muối, hay set rau củ…

Tuy nhiên, không nên chủ quan cho rằng giá bán của toàn bộ sản phẩm nông sản đã gia công sẽ cao hơn giá bán của nông sản tươi chưa gia công. Ví dụ, có khi giá của 1 chai nước hoa quả thấp hơn giá của 1 quả của chính loại hoa quả đó. Dù vậy, bằng việc gia công, chúng ta phải tạo ra thêm được giá trị đối với người ăn, người sử dụng sản phẩm đó. Ví dụ:

  • Sử dụng tiện lợi hơn
  • Làm thay việc sơ chế nông sản trong gia đình
  • Làm cho nông sản ngon hơn, tươi hơn, đẹp mắt hơn
  • Thực hiện thay thao tác gia công đặc biệt khó thực hiện, hay hình thức gia công hiếm thấy
  • Giảm khối lượng, tăng tổng giá trị nông sản có thể mang 1 lần vào trung tâm thành phố bán

Các loại nông sản thường được thu hoạch tập trung vào 1 mùa, thời vụ. Và khi đó, giá của nông sản thường không cao, dễ bị hỏng nếu không bán hết nhanh sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, nếu chúng ta gia công sản phẩm đó, ví dụ muối dưa chuột, chúng ta có thể bán được trong thời gian dài hơn. Từ đó tạo ra nguồn thu nhập ổn định hơn cho nông dân chúng ta. Với các phần thừa, bị loại bỏ trong quá trình gia công nông sản, chúng ta có thể sử dụng như 1 loại phân bón hữu cơ, làm giàu dinh dưỡng cho đất ruộng. Ngoài ra, bằng việc gia công, sẽ giảm thiểu được số lượng rau, củ bị hỏng trong quá trình vận chuyển, cũng tức là giảm đi giá trị mất đi một cách lãng phí của toàn xã hội.

Nguồn: jahanamaki.or.jp
Nguồn: jahanamaki.or.jp

6. Giá trị của tổ chức

Giá trị của tổ chức là 1 giá trị vô cùng quan trọng. Trong nhiều lĩnh vực, bên cạnh cách suy nghĩ “tổ chức”, chúng ta có cách suy nghĩ “cá nhân”. Và trong nông nghiệp, chúng ta có thể nói rằng “tổ chức là thổ nhưỡng cho sự tồn tại, phát triển của cá nhân”. 1 cá nhân không thể hoàn thành mọi công đoạn trong nông nghiệp. Tuy nhiên, bằng việc góp sức lại với nhau trong 1 tổ chức, chúng ta chia sẻ công việc, trách nhiệm, chúng ta tạo nên được 1 nền nông nghiệp tiên tiến bắt đầu từ trồng trọt, gia công, thành phẩm, bán hàng, đến dịch vụ hậu mãi.

Trong nền nông nghiệp hiện đại, đây là 1 điều vô cùng quan trọng. Sau đây là 1 số câu hỏi để đánh giá giá trị của 1 tổ chức nông nghiệp:

  • Liên lạc có thông suốt giữa các khâu từ trồng trọt đến dịch vụ hậu mãi hay không?
  • Có xử lý tốt than phiền của khách hàng được hay không?
  • Có cung cấp rau củ định kỳ, ổn định số lượng, chất lượng, giá cả được hay không?
  • Có đảm bảo được kênh tiêu thụ nông sản hay không?
  • Có đưa ra dự báo, liên lạc giữa các khâu về biến động nhu cầu của thị trường được hay không?

Ngoài ra, việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, hay tạo ra quy hoạch nông nghiệp địa phương, 1 người không làm được nhưng lại có thể làm được với 1 tổ chức nông nghiệp có quy mô nhất định.

Trong xã hội Nhật Bản, tổ chức nông nghiệp như thế này đã có kinh nghiệm phát triển lâu đời, năng lực của các tổ chức nông nghiệp khá cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta còn rất nhiều vấn đề chưa xử lý được trên con đường phát triển tổ chức nông nghiệp này. Ngộ độc thực phẩm, bao che các cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn, làm giả nguồn gốc thực phẩm,…là những vấn đề chúng ta đang gặp phải ở thị trường thực phẩm (bao gồm cả nông sản) ở Việt Nam. Nhưng nếu nhìn theo cách khác, 1 tổ chức có vấn đề, phát hiện ra vấn đề là 1 tổ chức có khả năng phát triển. Bằng nỗ lực của mỗi cá nhân trong tổ chức, cũng như sự giúp đỡ của những người ngoài tổ chức, chúng ta có thể tạo ra những “luồng gió mới” thúc đẩy sự phát triển của tổ chức. Và khi đạt 1 mức độ nhất định, việc cải thiện sẽ trở thành thói quen, dẫn đến sự phát triển ổn định, lâu dài của tổ chức.

Giá trị của tổ chức được nâng cao, khả năng đáp ứng nhu cầu của đối tác cũng sẽ tăng lên.

Ngoài 6 giá trị chủ yếu của nông sản đã nêu, còn các loại giá trị gia tăng khác nữa. Ví dụ, giá trị chủng loại, giá trị địa phương sản xuất, giá trị dinh dưỡng, bối cảnh trồng trọt, cũng như những câu chuyện dân gian, thần thoại, hay giá trị sinh ra từ hoạt động quảng bá sản phẩm. Bằng việc nâng cao từng chút một từng loại giá trị của nông sản, chúng ta tạo dựng, nâng cao thương hiệu cho nông sản, và theo tôi, đây là bước tiếp theo, giúp cho thị trường nông sản phát triển mạnh mẽ.

(Hết)

[divider]

Thực hiện: Hoàng Minh

Tài liệu tham khảo: Sách “7 quy tắc để sinh ra lợi nhuận liên tục trong nông nghiệp”- Sawaura Syouji

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan