3. Ứng dụng Kaizen
Kaizen không bị giới hạn trong lĩnh vực sản xuất, Kaizen có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Kaizen luôn mang đến những kết quả tốt nếu chúng ta áp dụng đúng phương pháp.
Ví dụ, nếu bạn muốn giảm cân, hãy đặt những câu hỏi đại loại như: Làm thế nào để giảm 5kg trong một tháng? Làm thế nào để ăn kiêng hay dành mỗi ngày một giờ để tập thể dục?… Những câu hỏi quy mô lớn như thế này có thể sẽ làm bạn lo lắng rằng mình chỉ thực hiện được trong một hai ngày hoặc không bao giờ làm được.
Suy nghĩ về Kaizen sẽ giúp bạn trở nên lạc quan hơn vì bạn sẽ đặt ra những câu hỏi nhỏ hơn mà bạn có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời, ví dụ như: liệu mỗi ngày mình có thể ăn bớt một chén cơm? Thay vì sử dụng thang máy lên phòng làm việc, liệu mình có thể chọn cầu thang?
Với những câu hỏi như thế này tôi tin bạn có đủ quyết tâm để trả lời là có. Nếu bạn duy trì những điều nhỏ như thế này bạn sẽ giảm được cân.
Kaizen cũng có thể áp dụng ngay trong việc học tập. Ví dụ nếu bạn có mục tiêu “lấy tất cả điểm 9,10 trong học kỳ này” thay vì tự hỏi mình “Làm sao để học giỏi?”. Hãy chia câu hỏi đó ra thành những câu nhỏ hơn như: Làm sao ta có thể dậy sớm hơn? Làm sao ta chịu khó làm bài tập hơn? Làm sao ta đến lớp đúng giờ hơn? Làm sao ta tập trung nghe giảng hơn?…Quyết tâm là điều quan trọng nhưng đừng để quyết tâm chỉ là lý thuyết ảo, hãy thử bắt tay vào từ những hành động nhỏ mà bạn có thể thực hiện ngay trước mắt.
Việc hành động liên tục sẽ tạo nên những hiệu quả nhất định. Quan trọng hơn, hành động liên tục giúp chúng ta hình thành những thói quen tốt và tích cực.
Bạn hãy nhìn hai tấm hình dưới đây và suy luận xem, việc lưu trữ hồ sơ nào là sự cải tiến hơn so với trước đó ?
4. Ngẫm về Việt Nam
Kaizen đã rất thành công ở Nhật Bản, Kaizen cũng đang dần trở thành ngôn từ chung của thế giới. Còn ở Việt Nam, mặc dù Kaizen không còn là khái niệm mới nhưng để cách suy nghĩ về Kaizen có thể đi sâu vào suy nghĩ còn cần một khoảng thời gian không ngắn. Hiện nay, việc đưa Kaizen vào thực tế cũng có không ít những vấn đề tồn tại, cụ thể là:
Thứ nhất, việc Việt hóa Kaizen thành từ “ Cải Tiến “ có lẽ không toát được ý nghĩa của từ gốc Kaizen trong tiếng Nhật. Nên chăng, có lẽ nên giữ nguyên từ gốc để nó thành ngôn ngữ chung như các nước tiên tiến đã làm.
Thứ hai, các công ty mặc dù có nhiều biện pháp cổ vũ, đông viên cho hoạt động Kaizen nhưng phần lớn chỉ nhấn mạnh hiệu quả, mục tiêu mà quên mất việc giải thích cho nhân viên hiểu được ý nghĩa của Kaizen để bản thân mỗi người chủ động tham gia và đưa ra trí tuệ của mình.Tính nặng nề hình thức gây sự phản cảm, mất hứng thú cho hoạt động Kaizen.
Thứ ba, người quản lý lại không “xắn tay” vào Kaizen mà chỉ đứng hô khẩu hiệu. Việc này khó có thể chấp nhận trong các công ty của Nhật bởi đơn giản, người kêu gọi Kaizen mà lại không bắt tay vào Kaizen thì liệu việc Kaizen đó có ý nghĩa gì hay không?
Thứ 4, cần có một phong trào Kaizen. Có thể nói, Kaizen là chiếc chìa khóa vàng giúp nước Nhật thành công và trở thành hiện tượng của Thế giới. Kaizen không cần đầu tư lớn, nhưng cần kiên trì, nỗ lực và liên tục. Trách nhiệm đó đặt lên vai những ai đã biết và hiểu Kaizen. Nếu nước Nhật có thể, tại sao Việt Nam chúng ta không?
Thực hiện: Trần Nam Thái