Toyota và cái nhà vệ sinh xấu xí

Để biết một công ty có đáng làm đối tác hay không Toyota dựa vào đâu?

Thứ 3 hàng tuần tôi lại xách cặp lụi hụi đi theo một người thầy đặc biệt tới các công xưởng để học về kaizen (cải thiện). Thầy là người đã làm cho Toyota Jidousokki (công ty mẹ của Toyota ngày nay) và hiện nay đã về hưu và đã có hơn 10 năm kinh nghiệm đi tư vấn hướng dẫn các công xưởng vừa và nhỏ của Nhật tiến hành hoạt động kaizen.

Tôi để ý mỗi lần tới bất kỳ công xưởng nào thầy đều đi vệ sinh. Đi vệ sinh thì bình thường, nhưng đi đầy đủ không sót một nhà vệ sinh nào thì chẳng bình thường chút nào. Thầy là một trong những người không bình thường như vậy. Và y như rằng khi phát biểu về các vấn đề mà công xưởng gặp phải thì thầy luôn ưu tiên nhà vệ sinh xấu xí lên hàng đầu.

– Trước khi nói chuyện xa hơn, anh phải xem dọn dẹp nhà vệ sinh đi. Đừng chỉ bắt nhân viên làm, anh cũng phải xắn tay áo cùng với những người dưới xưởng dọn vệ sinh đi.

– Các anh có biết Toyota họ nhìn gì trong công xưởng của anh để quyết định để anh làm đối tác không? Tất nhiên là 2S nhưng không phải 2S trong công xưởng đâu, họ nhìn 2S trong nhà vệ sinh trước đấy. Vậy nên khi tiếp khách từ Toyota mà họ đi vệ sinh nhiều lần thì cũng không có gì lạ đâu.

– Cái nhà vệ sinh này thật xấu xí, giấy gần hết mà chưa có cuộn thay thế, dầu mỡ đầy dưới sàn, và chẳng thấy được danh sách, thứ tự của người dọn nhà vệ sinh đâu cả.

Đó là những điều mà tôi thường được nghe về cái nhà vệ sinh xấu xí.

Khi hỏi thầy tại sao nhà vệ sinh lại trở thành tâm điểm chú ý? Thầy chia sẻ nhà vệ sinh là nơi ít sử dụng, nơi luôn đi kèm với ấn tượng là “bẩn và xấu xí”, chính vì vậy cần phải quan sát nó trước. Cái ít dùng nhất, cái bẩn và xấu xí nhất mà làm nghiêm chỉnh thì đó là dấu hiệu để cho thấy được năng lực quản lý, khả năng làm 2S và thậm chí là thái độ của người quản lý của công ty.

Thực tế khi đi lần lượt các công ty tôi cũng nhận ra rằng nhà vệ sinh cũng là nơi có nhiều ý tưởng thú vị. Ví dụ như:

  • Dán hình nữ giám đốc trong nhà vệ sinh nam với lời nhắn nhẹ nhàng “hãy bước lên phía trước một bước, hãy lau chùi sạch sẽ nếu làm bắn nước ra ngoài”.
  • Làm bảng phân công trực nhật theo ngày có ghi tên của tất cả mọi người thành vòng tròn (bao gồm cả sếp); chuẩn bị hai cục nam châm, một cục ghi là “Đến phiên tôi”, một cục ghi “Đi công tác”. Người trực nhật xong sẽ chuyển cục nam châm sang “Đến phiên tôi” sang người kế tiếp, còn ai đi công tác thì sẽ đặt cục nam châm “Đi công tác” lên tên mình. Cách làm đơn giản nhưng lại nâng cao được tinh thần tự giác của mọi người.
    Nhật Bản cũng là quốc gia có công nghệ liên quan tới nhà vệ sinh đáng tự hào với thế giới. Bệ xí được lắp hệ thống sưởi ấm, hệ thống phun nước sau khi đi vệ sinh, hệ thống tự động đóng mở nắp bệ xí… Mặc dù không phát triển như vậy nhưng không phải nhà xưởng nào cũng có được những nhà vệ sinh sạch và đẹp. Bởi vậy ngay cả thời điểm hiện tại khi tiến hành kaizen trong nước Nhật nhà vệ sinh cũng trở thành một trong những tâm điểm đáng lưu ý.

Chẳng may sau này công ty bạn có tiếp đối tác Nhật sang thăm mà thấy ông giám đốc cứ đi lùng nhà vệ sinh hoài thì cẩn thận đấy nhé. Không biết chừng ông đấy đang đi chấm điểm tín dụng cho công ty của bạn đấy.

Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan